Mối đe dọa từ kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia, nguy hiểm ra sao với Việt Nam?

Trong bối cảnh miền Tây Nam Bộ của Việt Nam hạn hán và nhiễm mặn, siêu dự án kênh đào Phù Nam Techo đã trở thành chủ đề gây căng thẳng giữa Việt Nam và Campuchia, trong thời gian gần đây.

Ngày 5/5, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng đã lên tiếng, kêu gọi sự hợp tác từ phía Campuchia, trong việc đánh giá tác động môi trường của Dự án Kênh đào Phù Nam Techo, đối với khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Lời kêu gọi mới nhất này của Hà Nội, được cho là hòa dịu và mềm mỏng hơn, đối với dự án gây tranh cãi này.

Dự án Kênh đào Phù Nam Techo dài khoảng 180 km, với tổng kinh phí ước tính khoảng 1,7 tỷ USD. Một số đoạn của con kênh được hình thành thông qua việc cải tạo các sông, rạch hiện hữu, một số đoạn được đào mới. Kênh này nối khu vực biển miền nam xứ Chùa Tháp với thủ đô Phnom Penh.

Campuchia dự kiến khởi công dự án này vào quý 4/2024, sau khi tuyên bố việc nghiên cứu khả thi đã hoàn tất. Dự án kênh đào Phù Nam Techo sẽ do một công ty nhà nước của Trung Quốc thực hiện.

Dự án kênh đào này đã một lần nữa châm ngòi mâu thuẫn giữa Việt Nam và Campuchia. Phó phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam – ông Đoàn Khắc Việt – ngày 11/4 vừa qua đã bày tỏ: Phía Việt Nam rất quan tâm đến dự án kênh đào Phù Nam Techo.

Đây là lần đầu tiên Bộ Ngoại giao Việt Nam chính thức lên tiếng về dự án kênh đào Phù Nam Techo. Theo giới quan sát, điều đó cho thấy, mức độ quan ngại từ phía Việt Nam đang tăng cao.

Trước đó, vào tháng 3/2024, Tạp chí Phương Đông của Việt Nam đã đăng bài phân tích, với tựa đề, “Dự án kênh đào Funan Techo: lợi ích và hệ lụy”. Hai tác giả – Nguyễn Đình Thiện và Hoàng Thanh Minh – đã chỉ ra rằng, khả năng Dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia, với sự giúp đỡ của Bắc Kinh, trong tương lai, có thể sẽ được sử dụng cho mục đích quân sự.

Ý kiến này được đánh giá là “thêm dầu vào lửa”, ngay lập tức đã khiến cho giới lãnh đạo Campuchia phẫn nộ và đáp trả.

Theo giới quan sát, dễ dàng có thể thấy, đã có những phản ứng gay gắt từ ông Hun Sen – Chủ tịch Thượng viện Campuchia; và con trai là ông Hun Manet – Thủ tướng Campuchia. Những phản ứng này nhằm đáp trả lại những cáo buộc từ Chính phủ Việt Nam. Đồng thời, đây cũng được coi là thông điệp, gửi giới truyền thông và các tổ chức nghiên cứu, đang giúp Việt Nam truyền quan ngại của Việt Nam.

Không chỉ những phát ngôn từ giới lãnh đạo Campuchia, nhật báo tiếng Anh Khmer Times, hôm 18/4, đã đăng tải bài viết: “Cuộc chiến tưởng tượng giữa Trung Quốc và Việt Nam với cái giá phải trả của Campuchia”. Bài viết đã chỉ trích dữ dội bài báo trên Tạp chí Phương Đông của Việt Nam, và cho rằng, các tác giả Việt Nam đã tung ra hỏa mù, nhằm gây sự hiểu lầm của quốc tế, giữa việc phát triển kinh tế, với mục tiêu quân sự.

Ngày 26/4, ông Hun Sen đã mạnh mẽ gửi đi thông điệp: “Campuchia sẽ không thương lượng gì thêm về việc đào kênh Phù Nam Techo”.

Ngay sau đó, Thủ tướng Campuchia Hun Manet cũng khẳng định, “việc Campuchia xây dựng kênh đào này không phải xin phép nước nào, ngoại trừ việc gửi các thông tin cần thiết tới Ủy hội các Quốc gia Sông Mekong.”

Thủ tướng Hun Manet còn khẳng định, với Kênh đào Phù Nam Techo, Campuchia sẽ tự “thở bằng mũi của mình”. Ẩn ý rằng, nước này sẽ giảm bớt sự phụ thuộc vào Việt Nam.

Trong khi đó, các chuyên gia Việt Nam đã bày tỏ lo ngại, khi cho rằng, kênh đào Phù Nam Techo sẽ tác động và ảnh hưởng đối với dòng chảy sông Mê kông, từ Campuchia về Đồng bằng Sông Cửu Long. Đây là vựa lúa lớn nhất Việt Nam, nơi có gần 20 triệu người dân Việt Nam sinh sống.

Theo đó, dự án kênh đào dài 180 km này, khi đưa vào vận hành, sẽ khiến lượng nước về sông Mê kông phần thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long giảm đến 50%.

Tuy nhiên, phía Campuchia vẫn luôn khẳng định, dự án sẽ được tiến hành, bất chấp những quan ngại từ phía Việt Nam.

Mới nhất, một bản tin quốc tế ngày 8/5 cho biết, Phó Thủ tướng Campuchia Sun Chanthol đã hạ thấp những lo ngại về tác động môi trường của kênh đào Phù Nam Techo. Đồng thời, ông này cũng đã bác bỏ những suy đoán cho rằng, kênh đào này có thể được tàu chiến Trung Quốc sử dụng để tiếp cận thượng nguồn, và gọi suy đoán này là “vô căn cứ”.

 

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023