Lần đầu tiên, một cựu điệp viên tố cáo những hành vi đen tối của mạng lưới gián điệp toàn cầu của Trung Quốc

Ngày 14/5, VOA Tiếng Việt loan tin “Cựu điệp viên tố giác mạng lưới gián điệp toàn cầu của Trung Quốc truy lùng bất đồng chính kiến”.

Theo đó, một cuộc điều tra của đài truyền hình Úc, cáo buộc cơ quan cảnh sát chìm của Trung Quốc theo dõi những người bất đồng chính kiến sống ở nước ngoài.

VOA cho biết, một cựu điệp viên Trung Quốc hiện đang sống ở Úc, nói với chương trình Four Corners của đài ABC rằng, một đơn vị của cơ quan mật vụ Trung Quốc đã hoạt động ở Sydney, gần đây nhất là vào năm ngoái.

Điệp viên này – tên là “Eric” – đã mô tả một thế giới đen tối của sự bịp bợm và bắt cóc. Cựu đặc vụ Trung Quốc nói với ABC về việc ông, do cảnh sát mật ở Bắc Kinh ra lệnh, nhắm vào những người bất đồng chính kiến ở nước ngoài, bao gồm cả ở Ấn Độ, Thái Lan, Canada và Úc.

“Eric” nói rằng, ông lấy được lòng tin của họ và dụ họ đến những quốc gia nơi họ có thể bị bắt cóc, và đưa về Trung Quốc.

Ông nói với các nhà báo của chương trình điều tra Four Corners rằng, ông đã trốn sang Úc vào năm ngoái.

Theo VOA, Cơ quan tình báo nội địa Úc chưa xác nhận bất kỳ chi tiết nào về đường dây gián điệp bị tố giác của Trung Quốc.

Ông “Eric” cho biết, ông từng làm đặc vụ ngầm cho một đơn vị thuộc Cơ quan An ninh và Công an Trung Quốc, Bộ Công an, từ năm 2008 đến đầu năm 2023.

Cụ thể, bộ phận chuyên môn được gọi là Cục Bảo vệ An ninh Chính trị, hay Cục 1, nhắm vào cái gọi là kẻ thù của nhà nước Trung Quốc.

Ông “Eric” nói với ABC rằng, ông đang lên tiếng để vạch trần sự thật.

“Tôi tin rằng, công chúng có quyền biết về thế giới bí mật”. Ông nói: “Tôi đã làm việc cho Cục An ninh Chính trị Trung Quốc trong 15 năm. Ngày nay, đây vẫn là cơ quan đen tối nhất của Chính phủ Trung Quốc”.

Vẫn theo VOA, đài ABC cho biết, đây là lần đầu tiên, một người thuộc lực lượng cảnh sát chìm Trung Quốc lên tiếng công khai. ABC đang sử dụng tên giả để bảo vệ danh tính của ông này.

VOA dẫn lời ông Peter Mattis, nhà phân tích về Trung Quốc tại Jamestown Foundation – một tổ chức nghiên cứu chính sách quốc phòng bảo thủ, có trụ sở tại Hoa Kỳ. Ông nói với chương trình Four Corners của ABC rằng, Bắc Kinh muốn ngăn chặn bất đồng chính kiến trong cộng đồng người Hoa hải ngoại.

“Cục Bảo vệ Chính trị cũng có vai trò trong việc cố gắng bịt miệng những người bất đồng chính kiến, cũng như lập bản đồ các mạng lưới bất đồng chính kiến.”

ABC cho biết, họ đã thấy hàng trăm tài liệu và thư từ bí mật ủng hộ các cáo giác của ông “Eric”.

Đài truyền hình này đưa tin rằng, chính quyền Trung Quốc đã dùng các chiến dịch chống tham nhũng để hồi hương hơn 12.000 người bị cáo buộc đào tẩu, về lại Trung Quốc, trong thập kỷ qua.

VOA cho biết thêm, chính quyền Trung Quốc chưa bình luận về những cáo buộc được đưa ra trong bộ phim tài liệu của Úc.

Cũng chưa có phản hồi nào từ ASIO – Tổ chức Tình báo An ninh Úc, đối với các tuyên bố này.

Không riêng Trung Quốc, An ninh Việt Nam cũng có mạng lưới ở nước ngoài để theo dõi và đe doạ người bất đồng chính kiến hải ngoại. Việc nhân viên an ninh Việt Nam gọi điện thoại đe doạ, hoặc xông đến tận nhà những người bất đồng chính kiến Việt Nam ở hải ngoại không phải chuyện hiếm.

Thậm chí, ít nhất đã có 2 vụ bắt cóc người bất đồng chính kiến xảy ra ở Thái Lan, rồi đem về nước. Đó là vụ bắt cóc nhà báo Trương Duy Nhất, vào tháng 1/2019; và vụ bắt cóc blogger Đường Văn Thái vào tháng 4/2023.

Ngay nhà báo Lê Trung Khoa – chủ bút của Thoibao.de cũng nhiều lần bị doạ đánh, doạ giết ngay tại trụ sở làm việc của ông tại Berlin, Liên bang Đức.

 

Hoàng Anh – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023