Việc Chủ tịch nước kiêm nhiệm Bộ trưởng Công an có thể dẫn đến khủng hoảng Hiến pháp?

Ngày 19/5, nhà báo Trương Huy San, tức Huy Đức, đã có một bài viết trên trang Facebook cá nhân của mình, nêu thắc mắc: “Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đang giải thích Hiến pháp?”.

Tác giả cho biết, ông đọc rất kỹ bản tin và Hiến pháp. Ông cũng tìm hiểu các tiền lệ, nhưng vẫn không thể hiểu được cách giải thích, một người chưa được miễn nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Công an, mà lại có thể được bầu làm Chủ tịch nước.

Theo tác giả, trong chính thể Việt Nam, chỉ duy nhất có Chủ tịch Hồ Chí Minh từng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao một thời gian.

Nhưng, Hồ Chí Minh trong Chính phủ lâm thời là Chủ tịch Chính phủ, và sau Hiến pháp 1946, thì Chủ tịch nước là người đứng đầu Chính phủ, tác giả cho rằng, điều này có lẽ tương tự như tổng thống của các quốc gia theo mô hình Cộng hòa Tổng thống.

Cần giải thích thêm, trong chế độ Cộng hoà Tổng thống, giữa hành pháp và lập pháp hoàn toàn độc lập. Cả 2 nhánh này, hành pháp – với đại diện là tổng thống, và lập pháp – bao gồm các nghị sĩ, đều được người dân trực tiếp bầu lên. Do đó, chính phủ – cơ quan hành pháp, nằm hoàn toàn dưới quyền điều hành của tổng thống. Quốc hội không có quyền can thiệp, bầu hay bãi miễn các chức danh trong chính phủ. Ngược lại, chính phủ cũng không có quyền đề xuất các dự luật, công việc này thuộc thẩm quyền của quốc hội.

Cấu trúc quyền lực này hoàn toàn khác với mô hình Cộng hoà Đại nghị, mà thể chế Việt Nam hiện tại có vài điểm tương tự. Trong thể chế này, người dân chỉ bầu ra quốc hội, và quốc hội bầu ra thủ tướng, cũng như một số thành viên nội các. Do đó, quốc hội có quyền lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh được bầu, cũng như có quyền bãi miễn họ.

Trở lại với bài viết của nhà báo Trương Huy San, ông giải thích, Chủ tịch nước theo Hiến pháp 2013 là người đứng đầu nhà nước, và Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước cao nhất. Nên nếu Thủ tướng kiêm bộ trưởng, thì chẳng có băn khoăn gì.

Tác giả cũng không rõ, có phải vai trò “thống lĩnh các lực lượng vũ trang” – vai trò của Chủ tịch nước do Hiến pháp quy định, là có thể kiêm thêm Bộ trưởng Bộ Công an (!?)

Tác giả hiểu, cách thông tin với báo chí trên đây là từ ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Và rõ ràng, chúng ta phải coi đây là cách mà Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải thích Hiến pháp, và những công dân sợ hãi như chúng ta phải hiểu Hiến pháp theo cách đó.

Nếu vậy, tác giả nhận định, điều này chắc chắn tạo ra một tiền lệ, tương tự như khủng hoảng Hiến pháp.

Có thể, một số người chưa hiểu tầm quan trọng của Hiến pháp, đơn giản vì từ trước đến nay, nhà cầm quyền luôn tuyên truyền về sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, mà coi nhẹ Hiến pháp. Đảng đặt Điều lệ Đảng lên trên Hiến pháp.

Tuy nhiên, Hiến pháp mới là bộ luật cao nhất của một quốc gia, luật của mọi luật. Do đó, sự vi phạm Hiến pháp, cuộc khủng hoảng Hiến pháp sẽ làm xáo trộn mọi luật lệ, mọi trật tự xã hội. Khi đó, xã hội sẽ vận hành theo kiểu “mạnh được, yếu thua”, “cá lớn nuốt cá bé”. Và điều này, hoàn toàn có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng xã hội, như đã thấy ở Venezuela hay một vài quốc gia khác.

Tác giả Huy San giải thích thêm, Hiến pháp không cấm Chủ tịch nước kiêm bộ trưởng, cũng như Hiến pháp không cấm Thủ tướng làm chánh án. Nhưng, quyền lực nhà nước là chỉ được làm những gì pháp luật cho phép, chứ không phải làm những gì pháp luật không cấm.

Với trường hợp ông Trần Đại Quang, về mặt danh nghĩa, từ ngày 2/4/2016 đến ngày 8/4/2016, Chủ tịch nước Trần Đại Quang vẫn là Bộ trưởng Công an, nhưng đấy là Bộ trưởng của một Chính phủ đã kết thúc nhiệm kỳ, chờ Quốc hội bầu Thủ tướng và phê chuẩn các thành viên Chính phủ. Chính phủ chấm dứt nhiệm kỳ chứ không phải miễn nhiệm.

 

Quang Minh – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023