Góc nhìn quốc tế về những nhiễu động chính trị mới đây tại Việt Nam

Ngày 19/5, BBC bình luận “Bà Trương Thị Mai mất chức, chính trường nhiễu động, từ góc nhìn quốc tế”.

BBC dẫn bình luận của một số trang báo quốc tế, có nhận định chung là, bà Mai “bị buộc thôi chức”, bị “cho vào lò”, “bị nhắm đến” vì là 1 trong 3 người đủ tiêu chuẩn kế nhiệm Tổng Bí thư. Hai người còn lại là Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Công an Tô Lâm.

BBC dẫn lời Giáo sư Alexander L Vuving, từ Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á – Thái Bình Dương Daniel K. Inouye, cho rằng:

“Sự kiện bà Trương Thị Mai từ chức bó hẹp lựa chọn người kế vị cho vị trí đứng đầu Đảng hiện nay là ông Nguyễn Phú Trọng.”

Theo ông, việc chỉ còn 2 người kế nhiệm, sẽ nâng cao khả năng ông Trọng giữ ghế, làm tiếp nhiệm kỳ thứ 4 vô tiền khoáng hậu.

“Việc bà Trương Thị Mai từ chức, đã tạo thêm áp lực khiến Đại tướng Tô Lâm phải rời Bộ Công an để làm Chủ tịch nước”, Giáo sư Vuving nhận định.

Nhận định này của Giáo sư Vuving đã khớp với diễn biến sau đó, khi Trung ương Đảng chính thức giới thiệu ông Tô Lâm cho vị trí này, vào hôm 18/5.

BBC dẫn thông báo ngày 19/5 của Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, cho biết, tại kỳ họp 7 (diễn ra từ ngày 20/5), Quốc hội sẽ bầu chức danh Chủ tịch nước đối với ông Tô Lâm, nhưng lại chưa miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Công an đối với ông, và cũng chưa phê chuẩn nhân sự thay thế ông trong vai trò Bộ trưởng Công an.

BBC bình luận, đó sẽ là vị trí siêu quyền lực của vị Đại tướng Công an, và điều này, dù trong ngắn hay dài, sẽ càng củng cố hình ảnh “nhà nước công an trị” như đánh giá của các nhà phân tích nước ngoài.

BBC cũng dẫn đánh giá của một số chuyên gia, về việc thăng cấp Thường trực Ban Bí thư cho Đại tướng Lương Cường.

Giá sư Vuving bình luận, điều này “giúp điều chỉnh lại cán cân quyền lực trong nhóm lãnh đạo cao nhất của Đảng, đặc biệt là giữa hai lực lượng vũ trang của Đảng – đó là công an và quân đội”.

Tương tự, Giáo sư Abuza cho rằng: “Tôi không nghĩ rằng, ông Trọng có thể kiểm soát được tình hình vào lúc này. Hiện chỉ còn một đối trọng đối với Bộ Công an là quân đội.”

Phóng viên Sebastian Strangio thì đánh giá, “dàn lãnh đạo càng bị thống trị bởi quân đội và Bộ Công an, cơ quan được giao trách nhiệm chính trong công cuộc chống tham nhũng.”

Giáo sư Carl Thayer đề cập tới một khía cạnh khác:

“Xét tới điều này là vô cùng quan trọng. Nhân sự của Bộ Quốc phòng trong Ban Chấp hành Trung ương lớn hơn so với nhân sự của Bộ Công an.”

“Khả năng cao là họ sẽ không ủng hộ những động thái có thể gây thêm bất ổn vào lúc này.”

BBC nhận xét, cán cân trên phần nào cho thấy tầm quan trọng của Bộ Quốc phòng trong cấu trúc quyền lực của Việt Nam.

BBC tiếp tục dẫn các đánh giá về việc 4 uỷ viên Bộ Chính trị vừa được bầu bổ sung, đều là người của Ban Bí thư và là cán bộ Đảng – Đoàn.

Ông Sebastian Strangio nhận định:

“Mức độ thay đổi [nhân sự] chưa từng có ở thượng tầng Đảng Cộng sản Việt Nam, báo hiệu rằng, ban lãnh đạo được bầu ra tại Đại hội Đảng 14 sẽ rất khác so với nhóm lãnh đạo nhậm chức vào năm 2021.”

Giáo sư Thayer nhận xét rằng điều này có thể giúp mang lại những tiếng nói và quan điểm mới tới Bộ Chính trị.

Trong khi đó, Giáo sư Abuza cho rằng, đây là dấu hiệu cho thấy, Đảng đang rất lo lắng “về sự kiểm soát của Đảng”.

“Thế là họ đưa Trưởng ban Dân vận Trung ương, người đứng đầu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương vào.”

Ông Abuza cho rằng, 3 trong 4 người này, trừ ông Lê Minh Hưng, đều không có nhiều kinh nghiệm trong quản lý nhà nước hay trong lĩnh vực kinh tế.

 

Thu Phương – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023