Thế lưỡng nan của Đảng đối với việc cho phép công đoàn độc lập hoạt động

Ngày 9/5, báo chí nhà nước đồng loạt đưa tin, Công an Hà Nội khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Bình – Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội, về tội “cố ý làm lộ bí mật nhà nước”.

Những bản tin cực kỳ ngắn gọn, rập khuôn, và không cho biết ông Bình đã có những hành vi phạm pháp luật cụ thể nào.

Tuy nhiên, điều kỳ lạ nằm ở chỗ, trước đó 3 ngày, ngày 6/5, tổ chức Project 88 tố cáo rằng, ông Nguyễn Văn Bình đã bị Công an Việt Nam bắt giữ từ giữa tháng 4, nhưng không công bố. Nghĩa là, ông Bình đã bị bắt giữ khoảng 20 ngày trước khi Công an công bố thông tin, và nếu, tin ông bị bắt không bị Project 88 tố ra, thì có lẽ, công an sẽ còn tiếp tục che dấu.

Điều kỳ lạ còn nằm ở chỗ, ông Bình – rõ ràng là một quan chức, nhưng ngay sau khi tin ông bị bắt lộ ra, thì hàng loạt các tổ chức quốc tế đã lên tiếng. Tổ chức công bố tin ông bị bắt – Project 88, cũng là một tổ chức bảo vệ nhân quyền cho người Việt. Và, cũng không thấy người dân nào hân hoan cười cợt, trước tin ông bị bắt, hoàn toàn trái ngược với thái độ thường thấy của dân, khi thường xuyên rủ nhau khui bia ăn mừng, mỗi lần có quan chức nào đó ngã ngựa.

Điều này cho thấy, ông Bình không phải quan tham, và vụ bắt giữ ông có dấu hiệu của sự đàn áp, tương tự vụ bắt giữ ông Lưu Bình Nhưỡng.

Vậy, ông Nguyễn Văn Bình là ai?

Báo chí quốc tế gọi ông là “nhà cải cách lao động”. Vâng, đúng thế, ông là một nhà cải cách, và ông đang nỗ lực để cải thiện điều kiện làm việc của công nhân, khi thúc đẩy Việt Nam phê chuẩn Công ước 87 của tổ chức Lao động Quốc tế ILO. Nếu Công ước này được thông qua, người lao động Việt Nam sẽ được quyền thành lập công đoàn độc lập của họ, để bảo vệ quyền lợi cho chính họ. Và đây, có lẽ là điều khiến nhà cầm quyền chướng mắt, nên đã quyết định bỏ tù ông.

Cần nhắc lại, một trong các yêu cầu theo tiêu chuẩn của luật pháp Mỹ, để công nhận một nền kinh tế thị trường, đó là: “Mức độ mà mức lương được xác định bằng sự thương lượng tự do giữa người lao động và cấp quản lý”.

Mở rộng ra, sẽ không chỉ là chuyện tiền lương, mà còn là các quyền lợi, phúc lợi, chế độ làm việc, môi trường làm việc… khác. Thậm chí là những điều tưởng như cực kỳ nhỏ nhặt nhưng lại rất quan trọng đối với người công nhân, ví dụ, quy định về việc đi vệ sinh trong giờ làm việc. Tất cả sẽ được thương lượng tự do giữa người lao động và giới chủ.

Nhưng người lao động – những người làm thuê ở vị thế thấp hơn, làm sao có thể “thương lượng tự do” với giới chủ?

Công đoàn độc lập chính là giải pháp cho họ.

Chúng ta thấy, trong nội dung của Hiệp định Tự do Thương mại EU – Việt Nam (EVFTA), hay Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), sau đổi thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đều có những điều khoản, quy định về việc các nước thành viên phải cho phép công đoàn độc lập hoạt động, mà không cần xin phép.

Những điều này cho thấy tầm mức quan trọng của công đoàn độc lập, trong một nền kinh tế hoạt động theo các quy tắc của thị trường tự do.

Tuy nhiên, nhà cầm quyền Việt Nam lại không ưa điều này.

Các chính thể độc tài đều có xu hướng kiểm soát người dân, kiểm soát xã hội. Bởi họ sợ, nếu để cho dân tự do thì sẽ khó cai trị, khó điều khiển theo ý muốn của họ. Cộng sản cũng không khác, vì vậy, công đoàn độc lập hoặc các hội nhóm độc lập, dù chỉ là một nhóm nhỏ tụ tập chơi thể thao, cũng sẽ làm cho họ khó chịu.

Hơn nữa, bằng kinh nghiệm từ chính lịch sử Đảng, với phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, Cách mạng tháng 8… Đảng đã thành công qua việc lôi kéo quần chúng và giới công nhân biểu tình, cướp chính quyền. Thế nên, họ lo sợ, họ e ngại, một khi cho phép công đoàn độc lập hoạt động, thì nguy cơ cách mạng màu, nguy cơ diễn biến hoà bình sẽ xảy ra.

Và, Đảng phải bóp chết nguy cơ từ trong trứng nước, bóp từ nhà cải cách làm việc cho Đảng, đến bóp những người bất đồng chính kiến hay giăng biểu ngữ ngoài đường…

Tuy nhiên, Đảng gặp phải một nan đề lớn.

Nếu không để cho công đoàn độc lập hoạt động, Mỹ và phương Tây sẽ không công nhận nền “kinh tế thị trường” cho Đảng. Hàng hoá Việt Nam qua Mỹ vẫn bị áp thuế chống phá giá, vẫn bị kiểm soát nghiêm ngặt. Nhưng nếu công nhận, thì chẳng lẽ, lại tạo cơ hội cho cái “đám phản động” nhảy nhót trên mặt Đảng hay sao?

Quả thực, Đảng đang ở vào một nước cờ bí. Nhất là vụ bắt ông Nguyễn Văn Bình ngay trước phiên điều trần của Bộ Thương mại Mỹ, bị lộ. Mà phiên điều trần này mang tính quyết định, đối với việc Mỹ có công nhận nền kinh tế thị trường cho Việt Nam hay không. Trong khi, cuộc vận động của Việt Nam đang vấp phải nhiều sự phản đối tại Mỹ.

Giá như Project 88 đừng có chọc gậy bánh xe, giá như vụ bắt ông Bình có thể giấu kín đến sau phiên điều trần, chẳng phải, Đảng có thể thoát được thế lưỡng nan này hay sao?

 

Chúc Anh – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023