Việt Nam trước chọn lựa ‘sinh tử’: Hoa Kỳ hay Trung Quốc

 

Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=Xoiou9DHWKU

 

 

Báo mạng Asia Times vào ngày 4 tháng 12 đăng bài viết của tác giả David Hutt nói về tình thế của Việt Nam trong mối quan hệ Mỹ – Trung hiện nay với tựa đề “Mỹ, Trung cạnh tranh đặt Việt Nam vào thế khó xử”. Trong bài viết này, ông David Hutt đề cập đến chính sách đối ngoại của Việt Nam hiện nay được khẳng định là ‘duy trì hiện trạng’.

 

Điều đó khiến cả Mỹ và Trung Quốc phải cạnh tranh để giành được ảnh hưởng với Việt Nam, và để các tranh chấp được giải quyết thông qua các cuộc đàm phán có lợi cho cả đôi bên.

Ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp đón Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hà nội hôm 12-11-2017

 

Câu hỏi được đặt ra là liệu việc duy trì hiện trạng như vậy có lợi cho Việt Nam hay không trong khi Trung Quốc ngày càng hung hăng và quyết đoán hơn trong việc ép Việt Nam ngừng thăm dò dầu khí ở các khu vực tranh chấp.

Hồi tháng 3 năm 2018, PetroVietnam yêu cầu công ty Repsol của Tây Ban Nha ngưng dự án khai thác dầu ở lô 07/03 thuộc mỏ Cá Rồng Đỏ, ngoài khơi Vũng Tàu của Việt Nam.

Trước đó gần một năm, tháng 7 năm 2017, Việt Nam cũng đã yêu cầu Repsol phải ngưng khai thác ở lô 136/03, khi Repsol xác nhận đã tìm thấy một mỏ khí đốt quan trọng.

Cả hai lô dầu khí này được cho là nằm gần hoặc trong đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc vẽ ra trên Biển Đông để đòi chủ quyền dù năm 2016, tòa Trọng tài Quốc tế đã bác bỏ tính hợp lệ của đường đứt khúc này.

Thạc sĩ Hoàng Việt, một thành viên của Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông, cho rằng Việt Nam hiện đang ở một thế vừa có cơ hội vừa có thách thức vì cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đều cần Việt Nam.

Nếu chính quyền Việt Nam giỏi điều hành thì sẽ biến nó thành cơ hội, còn không thì cơ hội sẽ thành thách thức. Ông giải thích:

Trung Quốc luôn luôn muốn Việt Nam trở thành chư hầu của Trung Quốc (theo nghĩa hiện đại). Việt Nam có đường biên giới trên bộ sát với Trung Quốc, và Việt Nam là cửa ngõ để Trung Quốc xuống ASEAN.

Còn về Hoa Kỳ, Hoa Kỳ hiện đang thực hiện chính sách đặt Trung Quốc là một nhân vậy nguy hiểm.

Chính vì vậy Hoa Kỳ cần có các đối tác khác và Việt Nam là một đối tác mà Hoa Kỳ đang nhắm tới, bởi vì thứ nhất là Việt Nam nằm sát cạnh Trung Quốc.

Nếu Việt Nam độc lập được sẽ giúp rất nhiều trong việc chặn ảnh hưởng của Trung Quốc xuống khu vực dưới; thứ hai là Việt Nam, một nước ASEAN có lịch sử, truyền thống hàng ngàn năm chống Trung Quốc. Chính vì vậy nên Hoa Kỳ rất muốn tranh thủ Việt Nam.”

 

Theo Luật sư Vũ Đức Khanh từ Canada, thì Trung Quốc là một cường quốc đang lên và chắc chắn Trung Quốc sẽ khẳng định vị thế của mình không những trong khu vực mà còn trên toàn thế giới, còn Hoa Kỳ không phải là một cường quốc đang xuống mà Hoa Kỳ vẫn là cường quốc số 1 thế giới từ sau chiến tranh lạnh.

Ảnh: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình duyệt đội hình trong lễ duyệt binh năm 2017

 

 

Tuy nhiên từ thế kỷ trước, Hoa Kỳ đã nhận thấy Trung Quốc sẽ là đối thủ cạnh tranh chiến lược ‘một mất một còn’, cho nên dưới thời Tổng thống Obama đã có chiến lược ‘Chuyển trục về châu Á’ để tái cấu trúc mô hình hợp tác và phát triển giữa Hoa Kỳ và các nước trong khu vực.

Vì thế Việt Nam là một nước quan trọng và cần thiết trong chiến lược của Mỹ.

Với quan hệ Mỹ – Trung hiện nay, Việt Nam cần phải thay đổi bằng cách phải liên kết với Mỹ mạnh mẽ hơn. Ông nói:

Việt Nam không thể di dời khỏi đường biên giới với Trung Quốc nên Việt Nam phải có chính sách hòa hoãn với Trung Quốc nhưng phải liên kết với thế giới bên ngoài, quan trọng là Hoa Kỳ.

Muốn vậy thì Việt Nam phải xây dựng được nội lực. Muốn vậy Việt Nam phải có sự đoàn kết, mà muốn có đoàn kết thì Việt Nam phải có tự do, dân chủ.

Tôi tin chắc rằng ĐCS đang có những bước chuẩn bị cho tiến trình tự do, dân chủ hóa Việt Nam.”

 

Việt Nam chọn Mỹ hay Trung Quốc?

 

Bài viết của tác giả David Hutt cũng đề cập đến một câu nói ở Việt Nam lâu nay về việc chọn lựa giữa Mỹ và Trung Quốc của nhà cầm quyền Việt Nam: “Đi với Trung Quốc thì mất nước; đi với Mỹ thì mất đảng.”

Luật sư Vũ Đức Khanh phân tích:

Việt Nam đi với Trung Quốc thì không mất đảng nhưng chắc chắn là sẽ mất nước. Việt Nam đi với Mỹ không nhất thiết sẽ mất đảng nhưng lại có cái lợi là Việt Nam sẽ bảo vệ được chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ cũng như tính độc lập của mình.”

 

Từ nhiều năm qua, chính sách đối ngoại của đảng cộng sản Việt Nam là “đu dây” giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong tình hình hiện nay, liệu chính sách đó có còn phù hợp?

Ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 13-11-2017.

 

Thạc sĩ Hoàng Việt nhận định chuyện ‘đu dây’ là bình thường vì quốc gia nào cũng phải tìm cách cân bằng quyền lợi hết. Ông nói rõ hơn về trường hợp Việt Nam:

Thực ra thì quốc gia nào cũng ‘đu dây’ chứ không riêng gì Việt Nam. Hoa Kỳ cũng vậy. Hoa Kỳ một mặt chống Trung Quốc nhưng một mặt vẫn hợp tác chứ không đặt vào thế đối đầu với Trung Quốc.

Quan điểm của Hoa Kỳ cũng đưa ra và hiểu được Việt Nam chỗ đó. Hoa Kỳ cho rằng Việt Nam không cần phải chọn Trung Quốc hay Hoa Kỳ mà là chọn như thế nào để tất cả cùng hài hòa để mà phát triển.”

Hôm 24 tháng 11 năm 2019, tờ Hoàn Cầu Thời Báo đăng một bài viết tố cáo Việt Nam liên kết với Mỹ để chống Trung Quốc, với tựa đề “US can’t use energy cooperation with Vietnam to further its regional interests” (Tạm dịch: Hoa Kỳ không thể sử dụng hợp tác năng lượng với Việt Nam để tăng cường các lợi ích trong khu vực).

Bài viết cho rằng, Hoa Kỳ đã sử dụng việc tăng cường hợp tác với Hà Nội về năng lượng như một vỏ bọc để thúc đẩy Hà Nội tiến những bước lớn hơn trong cuộc đối đầu với Trung Quốc trên biển, trong khi Việt Nam trông chờ Hoa Kỳ một sự đảm bảo cho những lợi ích kinh tế to lớn.

Bài báo dẫn lời đe dọa của Chủ tịch Tập Cận Bình rằng, Trung Quốc sẵn sàng đàm phán cho các dự án chung với các nước khác nhưng sẽ không tha thứ cho bất kỳ tổn hại nào đối với chủ quyền của Trung Quốc.

Tại buổi điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ vào ngày 12 tháng 2 năm 2019, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương, Đô đốc Philip Davidson nói rằng Việt Nam nổi lên như là một đối tác chính trong việc thúc đẩy trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và an ninh ở khu vực Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương.

Lúc đó, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nói với RFA rằng, “Nếu như Việt Nam có căn cứ quân sự của Mỹ thì Việt Nam sẽ có thể trở thành một đối tác quân sự nằm trong chiến lược liên minh về quân sự và lúc đó Trung Quốc sẽ không thể làm gì được Việt Nam.”

Cuộc chiến công hàm và dự đoán tình hình Biển Đông 2021

 

 

Ảnh: Bản công hàm ngày 1-6-2020 phản đối yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông

 

Trong năm qua, một vài quốc gia ASEAN và một số quốc gia phương Tây đã gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc (LHQ) phản đối đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Điều này được cho là giúp Việt Nam tự tin hơn trong cuộc chiến pháp lý của mình dù sau mỗi đệ trình hay công hàm được gửi đi thì Trung Quốc lại ra công hàm phản đối.

Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc nhận định rằng, việc hàng loạt các nước mở ra cuộc chiến công hàm phủ nhận đường lưỡi bò của Trung Quốc và tố cáo những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông đã làm cho Việt Nam tự tin hơn trong cuộc chiến pháp lý của mình.

Nhưng ông Đinh Kim Phúc nhấn mạnh rằng, cuộc chiến công hàm không giải quyết được vấn đề Biển Đông mà đây là vấn đề chiến lược toàn cầu. Chỉ khi nào mà Trung Quốc không còn đủ sức để cạnh tranh với Mỹ và các nước phương Tây nữa thì lúc đó tình hình Biển Đông với có thể yên ắng. Ông đánh giá tình hình Biển Đông trong năm qua:

Xét về tổng thể tình hình Biển Đông năm 2020 thì Trung Quốc vẫn kiên quyết phủ nhận phán quyết của tòa trọng tài và họ ngày càng hung hãn hơn ở Biển Đông. Họ tập trận rồi đưa tàu khảo sát, kể cả tàu cảnh sát biển, tàu tuần duyên…đi sâu vào các khu khai thác dầu khí của Việt Nam, ví dụ như lô 06.1.

Phải nói rằng ai cũng nghĩ trong nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ vừa qua đã gây sức ép cho Trung Quốc góp phần làm cho Trung Quốc từ bỏ tham vọng trên Biển Đông. Nhận định như thế là sai.

Bản thân tôi nhận thấy việc Mỹ đưa tàu chiến đi qua eo biển Bashi rồi vào Biển Đông rồi diễn tập …thì cũng chỉ là thực hiện điều 17 của UNCLOS. Tức là thực hiện quyền tự do hàng hải chứ chưa bao giờ các lực lượng vũ trang của hải quân Mỹ áp sát vào khu 12 hải lý hoặc 500 mét của các đảo mà Trung Quốc chiếm đóng.”

 

Hôm 1/6/2020 Mỹ gửi một công hàm lên LHQ bác bỏ yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông với lý do yêu sách của Bắc Kinh không phù hợp với luật pháp quốc tế được phản ánh trong Công ước về Luật Biển năm 1982.

 

Mỹ cũng cho rằng các yêu sách về quyền lợi rộng lớn của Trung Quốc trên Biển Đông là nhằm cản trở quyền và tự do hàng hải của Mỹ và tất cả các nước khác.

Úc hôm 23/7/2020 cũng gửi công hàm lên LHQ bác bỏ bất kỳ yêu sách nào của Trung Quốc trái với Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển năm 1982 và thể hiện lập trường ủng hộ Mỹ.

Gần đây nhất là hôm 16/9/2020, Pháp, Đức và Anh đệ trình lên LHQ một công hàm chung bác bỏ “các quyền lịch sử” của Trung Quốc ở Biển Đông, lập luận rằng những quyền này không phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982. Công hàm chung này cũng đề cập đến hàng loạt công hàm Trung Quốc đã gửi cho LHQ trước đó.

Ngày 22 tháng 9 năm 2020, Tổng thống Rodrigo Duterte phát biểu trước Đại hội đồng LHQ. Ông Duterte khẳng định “cam kết của Philippines ở Biển Đông phù hợp với UNCLOS và Phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016”. Duterte tuyên bố phán quyết của tòa là một phần của luật pháp quốc tế và Phillipines kiên quyết từ chối những nỗ lực nhằm phá bỏ việc tuân thủ phán quyết này.

Tóm lại, khi Tòa án quốc tế đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông vào năm 2016 thì hầu hết các quốc gia trong vùng tranh chấp đều công nhận hoặc giữ im lặng. Nhưng vào năm 2020, do hành vi của Trung Quốc trong bốn năm qua đã tạo cho các quốc gia khác đồng loạt lên tiếng bày tỏ quan điểm rõ rệt ủng hộ Công ước LHQ về Luật Biển và Trung Quốc đã bị cô lập về mặt ngoại giao.”

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp thì gọi việc các quốc gia phương Tây lên tiếng là một bước ngoặc, bởi trước đây họ không nói gì cả, họ chỉ nói là phải tôn trọng luật pháp.

 

Dù tất cả những công hàm cũng chỉ dựa trên công ước quốc tế về luật biển chứ không dựa trên một cái gì khác, nhưng điều này rất có lợi cho các nước Đông Nam Á.

Ảnh: Vào lúc 11 giờ trưa ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền và đường chín đoạn của Trung Quốc trên Biển Đông do Phillipines đứng đơn kiện

 

Tháng 7 năm 2016 Phillipines được tòa quốc tế đưa ra phán quyết bác bỏ chủ quyền của Trung Quốc theo đường lưỡi bò. Năm nay Mỹ và các nước tái khẳng định điều đó. Ông Hà Hoàng Hợp phân tích thêm:

Nói đến ASEAN là mình chỉ nói đến ba nước (Việt Nam, Philippines, Malaysia) chứ những nước khác họ sợ Trung Quốc. Họ có quyền lợi về kinh tế, văn hóa, lịch sử hoặc sắc tộc liên quan đến Trung Quốc. Họ sợ Trung Quốc nên họ đưa ra cái luận điểm là không theo bên nào, không đứng về phía bên nào cả. Vừa chiều lòng được Trung Quốc vừa chiều lòng Mỹ.

Hơn nữa, chính quyền Mỹ dưới thời ông Donald Trump có những hành động và chính sách rất rõ ràng với Trung Quốc thì có những nước nể sợ Trung Quốc bắt đầu có những hành động phê phán chính quyền của Donald Trump. Đấy là sự thật!”

Theo ông Đinh Kim Phúc, một số nhà lãnh đạo cao cấp của Việt Nam từng nhấn mạnh Việt Nam không từ bỏ vấn đề pháp lý, tức là sẽ đưa Trung Quốc ra các cơ quan tòa án quốc tế. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu Việt Nam chọn bước đi nào trong vấn đề đấu tranh với Trung Quốc trên thực địa khi nguyên thủ Việt Nam vẫn khẳng định tình hữu nghị Việt Trung là dòng chảy chính trong mối quan hệ hai nước?

Nếu năm tới Việt Nam đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế thì Việt Nam sẽ chọn nội dung gì, kiện tòa nào và có chắc thắng hay không vì tất cả những vấn đề trong mối quan hệ Việt Trung chưa được giải mã.

Hồ sơ Biển Đông đã được Quốc tế hóa; Công khai hóa; Phi nhạy cảm hóa. Bây giờ phải Minh bạch hóa nữa thì mới đánh giá được trận chiến này sẽ tiếp diễn như thế nào” – ông Đinh Kim Phúc kết luận.

 

Trung Kiên – Thoibao.de (tổng hợp)

>>> Tổng thống Donald Trump liên tiếp ra đòn nhằm vào Việt Nam

>>> Việt Nam: Đốt lò nóng, nhưng tham nhũng quyền lực thì sao?

>>> Vỡ sòng bài trăm tỷ – lộ mặt Công an bảo kê cờ bạc

Ông Trọng khơi lại vụ án Tisco II, Hoàng Trung Hải đang run


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT


Kasse animation 7.8.2023