Ăn chia Hội nghị Trung ương 9, chiếc ghế quyết định Tô là kẻ săn mồi hay thành con mồi?

Hội nghị Trung ương 9 sắp tới sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 16 đến ngày 18/5, để bàn về nhân sự cho 2 vị trí “Tứ trụ” đang bỏ trống. Cho đến thời điểm này, gần như chắc chắn, Tô Lâm sẽ là tân Chủ tịch nước và Trần Thanh Mẫn sẽ là Chủ tịch Quốc hội.

Trường hợp ông Trần Thanh Mẫn không được dư luận quan tâm nhiều, bởi ông Mẫn chỉ là kẻ vô tình vớ được bảo bối, do các phe phái chiến nhau gây ra. Ông Mẫn vốn hiền lành, không tham gia đấu đá, thế mà tự nhiên lại được lên Tứ trụ, trong khi bao nhiêu người tham gia phe này đánh phe kia, để mưu cầu quyền lực, thì lại không được gì. Có lẽ, chỉ ông Mẫn ngồi vào ghế Chủ tịch Quốc hội, mới khiến Tô Lâm an tâm, bởi ông không có tham vọng tranh đoạt với Tô Lâm, như Vương Đình Huệ.

Ông Tô Lâm được dư luận quan tâm nhiều nhất, bởi ông chính là kẻ gây ra hỗn loạn trên thượng tầng chính trị. Ghế Chủ tịch nước bị ông đốn ngã, nhưng chính ông lại không chịu ngồi vào. Bởi ông phải dẹp hết những đối thủ có thể cạnh tranh với ông, và thiết lập một hậu phương vững chắc, thì mới chịu ngồi. Chính vì thế mới gây ra cảnh ghế này bỏ trống suốt gần 2 tháng qua.

Giờ đây, ghế Chủ tịch nước đã định hình, tuy nhiên, dư luận vẫn không rõ, ai sẽ là Bộ trưởng Bộ Công an. Chỉ còn rất ít thời gian trước Hội nghị Trung ương 9, nhưng cả dư luận và những tờ báo lớn uy tín vẫn chưa xác định được nhân vật sẽ ngồi ghế Bộ trưởng Công an là ai. Có đến 6 cái tên được đưa ra, đó là: ông Phan Đình Trạc, ông Nguyễn Hòa Bình, ông Trần Cẩm Tú, ông Trần Quốc Tỏ, ông Lương Tam Quang và ông Nguyễn Duy Ngọc.

Ba người đầu tiên có lợi thế vì là đương kim uỷ viên Bộ Chính trị, trong đó, có 2 người từng công tác trong ngành công an. Ba cái tên sau cùng là cấp phó của ông Tô Lâm. Cả 3 đều mang hàm thượng tướng và đều là uỷ viên Trung ương Đảng.

Một số phân tích dựa vào tiền lệ đối với ghế Bộ trưởng này. Từ đó, người ta đưa ra suy luận, Bộ trưởng Bộ Công an phải là Ủy viên Bộ Chính trị và thường là Đại biểu Quốc hội. Thậm chí, trước đây, có trường hợp ông Lê Hồng Anh chưa hề kinh qua vị trí nào trong ngành Công an, nhưng được phong Đại tướng, rồi giao cho chức Bộ trưởng Bộ Công an. Lúc đó, ông Lê Hồng Anh là Ủy viên Bộ Chính trị. Chưa có tiền lệ nào từ Ủy viên Trung ương Đảng lên nắm chức Bộ trưởng này.

Như vậy, nếu căn cứ vào tiền lệ, thì rõ ràng, các ông Trần Quốc Tỏ, Lương Tam Quang và Nguyễn Duy Ngọc bị loại. Thậm chí, cả Lương Tam Quang và Nguyễn Duy Ngọc đều không phải là đại biểu Quốc hội.

Vậy thì, nếu căn cứ vào tiền lệ, 2 đệ ruột của ông Tô Lâm bị loại trước tiên.

Thực ra, tiền lệ chỉ là một yếu tố để xem xét, mà không phải là luôn đúng. Bởi chế độ này vận hành dựa vào quy tắc “mạnh thắng yếu thua”, và kẻ mạnh sẽ tạo ra tiền lệ. Chẳng phải, chính ông Nguyễn Phú Trọng đã ỷ vào thế của mình quá mạnh, để phá bỏ giới hạn tuổi và giới hạn nhiệm kỳ, để tự cho mình 2 lần được hưởng “suất đặc biệt” đấy sao? Nếu không có sức mạnh vô đối trên chính trường, thì ông có làm như thế được không?

Khả năng để đưa Lương Tam Quang hoặc Nguyễn Duy Ngọc ngồi ghế Bộ trưởng Bộ Công an, phụ thuộc rất nhiều vào thế và lực của ông Tô Lâm. Nếu Tô Lâm đủ mạnh, vượt qua được phần còn lại trong Bộ Chính trị, thì ông hoàn toàn có thể đưa đàn em lên. Nếu không, phe Hưng Yên của ông sẽ thất thủ tại Bộ Công an. Cuộc chiến hiện nay đang phụ thuộc vào sức mạnh của mỗi bên, chứ không phụ thuộc vào tiền lệ.

Ghế Bộ trưởng Bộ Công an hiện nay, sẽ quyết định sức mạnh thực sự cho Chủ tịch nước. Nếu phe Hưng Yên nắm Bộ Công an, Tô Lâm sẽ là kẻ săn mồi, còn nếu không, có khả năng Tô Lâm lại trở thành con mồi cho thế lực khác. Dư luận đang đợi để xem, ai sẽ trở thành Bộ trưởng Bộ Công an.

 

Hoàng Phúc – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023