Kết thúc Hội nghị Trung ương 9, thắng bại chưa rõ?

Sáng ngày 18/5, Hội nghị Trung ương 9 bế mạc. Báo chí quốc doanh đưa tin:

“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Ban Chấp hành Trung ương đã dân chủ thảo luận, kỹ lưỡng xem xét, và thống nhất cao, về phương án kiện toàn chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, để Đảng đoàn Quốc hội giới thiệu với Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 20/5/2024”.

Tuy nhiên, tên tuổi của tân Chủ tịch nước và tân Chủ tịch Quốc hội là ai, thì vẫn chưa được công bố. Buổi chiều cùng ngày, báo chí đã công bố ông Tô Lâm sẽ là Chủ tịch nước và ông Trần Thanh Mẫn sẽ là Chủ tịch Quốc hội.

Có lẽ, do các bên đấu đá nhau tranh vị trí Bộ trưởng Bộ Công an, kéo theo vị trí Chủ tịch nước xảy ra giằng co giữa các bên. Nhưng cuối cùng, các bên cũng đã ngã giá xong.

Hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài đang quay lưng với Việt Nam, vì họ lo lắng về một thời kỳ bất ổn chính trị. Nếu các bên vẫn còn tiếp tục đấu đá, đến mức không thể tìm được tiếng nói chung, thì đấy là là hành động xua đuổi các nguồn vốn từ nước ngoài. Càng khủng hoảng chính trị thượng tầng, thì kinh tế Việt Nam càng điêu đứng.

Việc mà Ban lãnh đạo Đảng và Chính phủ cần làm hiện nay, là phải lấy lại niềm tin với các nhà đầu tư nước ngoài, để hạn chế tình trạng chảy máu vốn đầu tư nước ngoài như hiện nay. Tuy nhiên, với tư duy và sức khỏe của ông Trọng, với tình trạng đấu đá “anh chết – tôi sống” trong Bộ Chính trị, thì khó có thể làm được.

Ông Trọng đã không còn đủ khả năng để kiểm soát Tô Lâm, thì làm sao ông có thể thực hiện được vai trò giữ ổn định chính trị cho Việt Nam? Hơn nữa, bản thân ông đã tạo ra tiền lệ xấu, khi không tôn trọng luật pháp, luật Đảng – thì chính ông là mầm loạn. Bởi không một nơi nào luật lệ không được tôn trọng, mà lại có được sự ổn định.

Kết quả ông Tô Lâm phải ngồi ghế Chủ tịch nước, và việc chọn Bộ trưởng Bộ Công an, dù có thế nào đi chăng nữa, thì cuộc đấu đá vẫn sẽ tiếp diễn, và sẽ diễn biến còn phức tạp hơn, gay cấn hơn, trong thời gian tới. Chỉ có 2 kịch bản: Thứ nhất, ông Tổng ép Tô Lâm lên ghế Chủ tịch nước và chặn không cho nhóm Hưng Yên nắm Bộ Công an; Thứ hai, để Tô Lâm nắm ghế Chủ tịch nước và chấp nhận việc bố trí cho đàn em Tô Lâm nắm Bộ Công an.

Nếu khả năng thứ nhất xảy ra, thì đấy là thắng lợi cho phe ông Tổng. Sau đó, ông còn rất nhiều việc phải làm. Đó là, dần dần cắt sạch vây cánh của Tô Lâm, và cuối cùng thì ra tay với Tô Lâm. Mà việc ra tay với một Chủ tịch nước, thì cũng sẽ tiếp tục gây ra khủng hoảng chính trị.

Với khả năng thứ nhì, Tô Lâm lên Chủ tịch nước, đồng thời đưa được đàn em lên nắm Bộ Công an. Trong trường hợp này, Tô Lâm sẽ làm chủ cuộc chơi tiếp theo, và người rơi vào thế phải chống đỡ, lại là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Hãy đợi xem, Bộ Chính trị sẽ chọn ai thay thế cho Tô Lâm. Bên nào thắng, bên nào bại, thì sẽ rõ sau một vài ngày tới.

 

Thái Hà – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023