Ngồi ghế Chủ tịch nước, Tô đang thách thức cả “hồn ma” ám ghế?

Cuộc chiến cung đình do Tô Lâm phát động, giờ đây sắp kết thúc giai đoạn 1, để chuyển sang giai đoạn 2. Giai đoạn 1 với mục tiêu tạm chiếm ghế Chủ tịch nước. Đạt mục tiêu này, Tô Lâm sẽ tránh được giới hạn tuổi, giới hạn 2 nhiệm kỳ ở Bộ Công an, và kiếm “suất đặc biệt” để bước lên đỉnh cao danh vọng – ghế Tổng Bí thư.

Tuy nhiên, ghế Chủ tịch nước lại là chiếc ghế đầy hung hiểm, xui xẻo. Từ sau cái chết đầy bí ẩn của ông Trần Đại Quang, không một ai ngồi ghế này mà được yên ổn, kể cả Tổng Trọng. Trong trường hợp ông Lương Tam Quang nắm ghế Bộ trưởng Bộ Công an và Tô Lâm ngồi ghế Chủ tịch nước, thì rõ ràng, vị thế của Tô Lâm không giống Nguyễn Xuân Phúc và Võ Văn Thưởng. So với 2 vị Chủ tịch nước đã ngã ngựa, ông Tô Lâm có thế tựa vững chắc hơn.

Giả sử, việc ông Lương Tam Quang trở thành Bộ trưởng Bộ Công an và ông Tô Lâm ngồi ghế Chủ tịch nước trở thành sự thật, thì liệu, Tô Lâm có thể vượt qua được “lời nguyền” của chiếc ghế ma ám này hay không? Khi Tổng Trọng kiêm nhiệm Chủ tịch nước vào năm 2018, thì thế và lực của ông còn hơn cả Tô Lâm bây giờ. Ông Trọng lúc đó vừa là nhân vật số 1 trong “Tứ trụ”, vừa nắm Bộ Công an, vừa là Bí thư Quân ủy Trung ương. Thế mà, ông Trọng còn suýt chết, và để lại hậu quả là, dù chữa trị thế nào ông cũng không thể đi đứng bình thường được. Cho đến nay, vụ ngã bệnh của ông Trọng tại Kiên Giang là do người làm hay do “trời làm”, vẫn là một bí ẩn.

Nếu Tô Lâm ngồi vào ghế Chủ tịch nước, mà Lương Tam Quang hay Nguyễn Duy Ngọc không nắm được chức Bộ trưởng Bộ Công an, thì thế của Tô Lâm chẳng khác với thế của Trần Đại Quang trước đây. Và cái kết cho Trần Đại Quang thế nào thì ai cũng rõ. Thậm chí, nếu rơi vào trường hợp này, Tô Lâm còn gặp nguy hiểm hơn Nguyễn Xuân Phúc và Võ Văn Thưởng rất nhiều, bởi Tô Lâm đã gây thù chuốc oán quá nhiều với các “đồng chí” trong Bộ Chính trị và Trung ương Đảng.

Kết thúc giai đoạn 1, có thể Tô Lâm đạt được mục đích. Tuy nhiên, ở giai đoạn 2, việc giành lấy ghế Tổng Bí thư có lẽ sẽ không dễ dàng với Tô Lâm. Trong vai trò Bí thư Quân ủy Trung ương, ông Trọng có thể đem quân đội ra để đối phó với Tô Lâm. Hơn nữa, Phan Văn Giang cũng không thể ngồi yên để cho Tô Lâm tự tung tự tác. Bởi một khi Tô Lâm chiếm ghế Tổng Bí thư, thì ông cũng mặc nhiên trở thành Bí thư Quân uỷ Trung ương, là cấp trên của Phan Văn Giang về mặt Đảng.

Một khi Phan Văn Giang ra mặt đối đầu, thì Tô Lâm sẽ không còn dễ dàng như những trận chiến vừa qua. Trong quân đội, có đầy đủ các cơ quan an ninh, cơ quan điều tra, và Tổng cục tình báo. Ở khía cạnh điều tra, quân đội không thua gì công an, nếu không nói là còn mạnh hơn ở mặt tình báo.

Hiện nay, Công ty Xuân Cầu của Tô Dũng – em trai Tô Lâm, đang bị quân đội điều tra. Đây chính là mối hiểm họa tiềm ẩn lớn nhất đối với Tô Lâm. Dù nắm chắc Bộ Công an, nhưng trước quân đội, có thể Tô Lâm vẫn bị gục ngã. Khi Tô Lâm vẫn chưa đoạt được ghế Tổng Bí thư, thì vẫn chưa có điều gì chắc chắn, mọi khả năng đều có thể xảy ra.

Như vậy, dù ngồi ghế Chủ tịch nước và vẫn nắm được Bộ Công an, nhưng cũng không thể an tâm bằng ngồi ghế Tổng Bí thư. Trở thành Chủ tịch nước thì cũng mặc nhiên là Ủy viên Thường trực Quân ủy Trung ương, là Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang trên danh nghĩa. Tuy nhiên, vẫn là cấp dưới của Tổng Bí thư về mặt Đảng, mà trong hệ thống chính trị Việt Nam, Đảng lãnh đạo chính quyền.

Ở thế phải ngồi ghế Chủ tịch nước, Tô Lâm cần phải điều khiển Bộ Công an đi đúng quỹ đạo của mình, may ra mới có thể an toàn. Tuy nhiên, đó chỉ là cách đối phó với con người, còn một khi “trời hại”, thì Tô Lâm có mà thoát đằng trời!

 

Hoàng Phúc – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023