Nhân sự cấp cao sẽ được sắp xếp như thế nào?

Ngày 13/5, BBC Tiếng Việt bình luận “Trung ương Đảng sắp họp: bố trí nhân sự cho “Tứ trụ”?”.

BBC phát hiện, lịch làm việc mới được cập nhật của một số ủy viên Trung ương Đảng cho thấy, những người này sẽ đi “họp Trung ương”, từ ngày 16 đến 18/5 tại Hà Nội. Cuộc họp này có thể liên quan đến vấn đề nhân sự cấp cao của Việt Nam.

Theo đó, trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Hậu Giang, BBC nhận thấy, ông Nghiêm Xuân Thành – Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng – có lịch “đi công tác tại Hà Nội” trong những ngày này.

Lịch làm việc của ông Lê Trường Lưu – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế, đăng trên cổng thông tin của Hội đồng Nhân dân tỉnh, cho biết, ông sẽ họp Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hà Nội vào ngày 16/5 (cho đến ngày 18/5).

Lịch làm việc của một số ủy viên khác cũng có nội dung tương tự.

BBC nhận xét, quy trình bầu chọn nhân sự cấp cao của Việt Nam là “Đảng chọn” trước, rồi mới đến Quốc hội bầu chọn.

Với quy trình như vậy, cơ bản một khi Đảng đã “quyết”, thì mọi chuyện coi như xong.

Điều đáng nói là, các cuộc họp của Đảng để đưa ra những quyết định trọng đại với đất nước nói trên, đều không được thông báo công khai.

BBC cho rằng, hiện nay, chỉ có bà Trương Thị Mai và ông Tô Lâm là 2 người đủ tiêu chuẩn và được coi là phù hợp nhất, cho các vị trí Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch nước.

Nếu có trường hợp ngoại lệ thì cơ hội vào “Tứ Trụ” sẽ rộng cửa hơn cho nhiều người khác, trong đó có ông Trần Thanh Mẫn – Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, người đang được phân công điều hành hoạt động của Quốc hội, sau khi ông Huệ bị miễn nhiệm.

BBC dẫn nhận định của một số nhà quan sát, cho rằng, ông Tô Lâm sẽ ưu tiên ghế Tổng Bí thư hơn, vì Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội đều không có nhiều thực quyền, nhất là khi quyền lực của Tổng Trọng lấn át.

Tuy nhiên, BBC dẫn đánh giá của Giáo sư Thayer, một nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm, cho rằng, tham vọng trở thành Tổng Bí thư của ông Tô Lâm không thuận lợi, vì nhiều người ở Trung ương không thích ông, do ông có quyền lực quá lớn.

Theo Điều lệ Đảng, đảng viên phải “phục tùng tuyệt đối sự phân công và điều động của Đảng”.

Vì vậy, nếu Ban Chấp hành Trung ương quyết định chọn ông Tô Lâm cho chức vụ Chủ tịch nước, thì ông phải phục tùng.

Việc Tô Lâm lên làm Chủ tịch nước cũng giúp ông có cơ hội cao hơn, để kéo dài sự nghiệp chính trị của mình vào Đại hội Đảng 14, khi ông đã quá 65 tuổi.

BBC dẫn nhận định của một nhà quan sát dấu tên, từ Hà Nội cho hay:

“Trong lịch sử, chưa từng có trường hợp Bộ trưởng Bộ Công an lên thẳng vị trí Tổng Bí thư. Vì vậy, nếu ông Tô Lâm muốn lên chức vụ này, ông phải vào Tứ trụ hoặc Thường trực Ban Bí thư trước, rồi sau đó củng cố quyền lực để trở thành trường hợp đặc biệt vào chiếc ghế Tổng Bí thư.”

Với trường hợp của Trần Thanh Mẫn, Giáo sư Thayer cho rằng, ông Mẫn có thể là giải pháp tạm thời cho ghế Chủ tịch Quốc hội, để chờ đến Đại hội 14.

BBC cho biết, ông Mẫn là một trong hai ủy viên Bộ Chính trị hiếm hoi từ miền Nam. Ông Mẫn sinh năm 1962, quê ở Hậu Giang, là tiến sĩ kinh tế, cử nhân chính trị, là Uỷ viên Bộ Chính trị khóa 13 và là đại biểu Quốc hội các khóa 13, 14, 15.

BBC bình luận, với nhân sự hội đủ tiêu chuẩn quá ít ỏi như hiện nay, một số ủy viên Bộ Chính trị là Phan Văn Giang, Lương Cường, Phan Đình Trạc, Trần Cẩm Tú, cũng được đánh giá là có khả năng vào “Tứ trụ”, hoặc là Thường trực Ban Bí thư thay thế bà Trương Thị Mai, nếu bà nhận vị trí khác.

 

Quang Minh – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023