Sự đối lập của sư Thích Minh Tuệ khiến Giáo hội Phật giáo quốc doanh tức giận

Ngày 17/5, blog Thiên Hạ Luận trên VOA Tiếng Việt bình luận “Khi muốn tu phải được… công nhận”.

Tác giả đề cập đến việc dư luận vừa dậy lên thành bão, sau khi Hội đồng Trị sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi Thông báo cho Ban Trị sự Giáo hội các tỉnh, thành phố, về “người được mạng xã hội gọi là “sư Thích Minh Tuệ” không phải là tu sĩ Phật giáo”.

Đáng lưu ý là, tác giả cho biết, Hội đồng Trị sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị, Ban Trị sự các tỉnh, thành phố “có biện pháp ngăn chặn hành vi sử dụng mạng xã hội tạo làn sóng dư luận, xúc phạm Giáo hội Phật giáo Việt Nam”.

Tác giả bình luận, trên thực tế, người đàn ông tên Lê Anh Tú được nhiều triệu người Việt, cả trong lẫn ngoài Việt Nam, ngưỡng mộ, tán thán với tên “sư Thích Minh Tuệ”, không phải nguyên nhân dẫn tới thực trạng mà Giáo hội Phật giáo cho là “dư luận xúc phạm”. Dư luận đã xúc phạm Giáo hội từ lâu, sau khi nhiều tăng ni của Giáo hội vừa phô bày sự xa hoa, vừa đốc thúc Phật tử dâng sao giải hạn, cúng dường…

Không chỉ Phật tử, mà công chúng nói chung, chú ý đến “sư Thích Minh Tuệ”, bởi sự khiêm cung, con đường tu tập mà ông chọn, cho thấy nghị lực phi thường, nỗ lực buông bỏ tất cả để đạt đạo.

Tác giả dẫn nhận xét châm biếm của ông Thái Đức Phương, khi so sánh cách thức tu trì của sư Minh Tuệ với các tăng ni trong Giáo hội Phật giáo, chỉ ra 7 cái sai của “ông Minh Tuệ”.

Theo đó, ông chỉ “khất thực” chứ không chịu nhận “cúng dường”, đặc biệt là từ chối nhận tiền. Ông chọn lối tu tập “khoe hình ảnh” đầu trần, chân đất ngoài đường, trong khi, nhiều vị tăng nổi tiếng ở Việt Nam thường khiêm tốn “ẩn mình” trong Mercedes, Audi,… Ông làm “tổn phước” vì không biết tu theo “miệng đời”, sửa mình cho khớp với cái tham – sân – si của thiên hạ. Ông còn sai ở chỗ, chỉ tu cho mình, “không chịu hoằng dương đạo pháp”…

Thái Đức Phương cho rằng: Hình ảnh của ông Minh Tuệ đã truyền cho tôi rất nhiều cảm hứng, khi thực hành tâm nhẫn trong công việc. Một người “tập học” theo Đức Phật, chưa làm gì lỗi đạo, thì đáng được tán thán, chứ không đáng bị gọi là “thằng ba trợn”… Và ông kết luận, “chỉ có thực hành đạo pháp mới mong vực dậy được đạo pháp”.

Tác giả cũng dẫn một loạt bình luận khác trên mạng xã hội:

Phạm Hải phẫn nộ: “Phật giáo có từ hàng ngàn năm, Giáo hội Phật giáo Việt Nam lấy tư cách gì định đoạt ai là tu sĩ, ai không phải tu sĩ?”

Phạm Minh mỉa mai: “Vợ em không tham gia Hội Phụ nữ Việt Nam, vậy vợ em có phải phụ nữ không ạ?”

Tran Nhat Binh mỉa mai: “Người này làm gì có “chùa” mà được nhận vào băng nhóm của các ông! Người này vô sản, làm sao ngồi chung với các ông dưới một mái nhà! Người này không vợ, không con, ăn chay… làm gì được ngồi chung mâm với các ông!… Người này chân trần, áo rách, da bọc xương, làm sao có thể lên chung một xe với các ông! Người này ăn nói khiêm nhường, một lòng tu thân tích đức, làm sao dám đi cùng một đường với các ông.”

Chanh Tam thắc mắc: “Hội đồng Trị sự sức giấy cho Ban Trị sự các tỉnh, thành phố, chuyện nội bộ của Giáo hội, mà nơi gởi có A02 Bộ Công an? Để nhờ công an phối hợp đôn đốc, nhắc nhở hay gì?”

Hai Tran cảm nhận: “Ông Minh Tuệ đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến phong trào vận động cúng dường và giải oan gia trái chủ của Hiệp hội Doanh nghiệp cổ phần chùa Việt Nam.”

Hoàng Thanh Tâm bỡn cợt: “Đề nghị “người đàn ông mang hình dáng nhà sư” trả lại NỒI CƠM cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam, vì đã làm bể nồi cơm của hội rồi!”

Tri Do thở dài: “Văn phong của Trung ương Phật giáo quốc doanh mạnh như nghị quyết của chính quyền. Kinh thật! Chuyển qua Bộ Công an theo dõi, xử lý? Sợ lắm! Ôi thời mạt vận, miệng mồm mấy thầy chùa quốc doanh có gang, có thép gớm.”

 

Hoàng Anh – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023