Nền kinh tế Trung Quốc đang dần rơi vào bế tắc

Ngày 7/5, blog Ngô Nhân Dụng trên VOA bình luận “Tập Cận Bình xóa bỏ bản hợp đồng xã hội”.

Tác giả cho biết, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc mới họp và quyết định sẽ tổ chức họp Ban Chấp hành Trung ương vào tháng 7 – một hội nghị đáng lẽ phải diễn ra vào tháng 10 hoặc tháng 11 năm ngoái.

Thông báo của Bộ Chính trị Trung Quốc không cho biết nội dung nghị sự, cũng không giải thích lý do phiên họp này bị trì hoãn 8 tháng. Tuy nhiên, Bộ Chính trị Trung Quốc đã đề cập đến những khó khăn về kinh tế và xã hội.

Theo tác giả, kinh tế Trung Quốc đang phải đối đầu với 2 mặt của cùng một vấn đề: người tiêu thụ giảm bớt chi tiêu, đơn đặt hàng giảm; và các nhà sản xuất phải giảm giá bán, nhưng “số cung cấp vẫn thặng dư”, nạn giảm phát bắt đầu đe dọa.

Tác giả dẫn báo SCMP ngày 30/4 cho hay, trong tháng 3/2024, lợi nhuận trong ngành công nghiệp chế hoá đã giảm 3.5% vì phải giảm giá bán, trong khi phải mua nguyên liệu và đồ phụ tùng nhập khẩu với giá cao hơn, do tỷ giá đô Mỹ tăng. Điều tất yếu là, khi lợi nhuận giảm, thì người ta cũng giảm đầu tư, giảm tuyển dụng. Và ông Tập đã phải hô hào lại những khẩu hiệu cũ từ thời Mao Trạch Đông: Kêu gọi sinh viên trở về với đồng ruộng, học tập nông dân.

Tác giả cho hay, nhiều sinh viên đã phải thi hành khẩu hiệu đó, vì không có cách nào khác. Gần 1/4 thanh niên Trung Quốc không kiếm ra việc làm. Trước sự lo âu gia tăng, nhà nước Trung Quốc đối phó bằng cách ngưng công bố tỷ lệ thất nghiệp, tuy nhiên, điều này càng khiến mối lo của giới trẻ trầm trọng hơn.

Trên mạng xã hội xuất hiện những ngôn ngữ mới, mô tả tình trạng thanh niên theo “chủ nghĩa nằm dài”, hoặc trở về sống nhờ cha mẹ, đóng vai “con ngoan vĩnh viễn”.

Vẫn theo tác giả, tình trạng thanh niên có học vẫn thất nghiệp là một vấn đề xã hội. Cuối năm 2022, cả thế giới đã ngạc nhiên chứng kiến cảnh thanh niên Trung Quốc biểu tình im lặng. Họ không hô, không trương một khẩu hiệu nào, mà chỉ nâng lên những tờ giấy trắng! Sự phản kháng thầm lặng này cho thấy, họ chỉ có một yêu cầu quan trọng nhất: Chúng tôi muốn sống như những con người!

Tác giả bình luận, phương pháp biểu tình im lặng của giới trẻ đã diễn tả tâm trạng của hàng tỷ người Trung Hoa. Dân Trung Hoa có một “hợp đồng ngầm” với Đảng Cộng sản. Dân chịu sống theo sự sắp đặt của Đảng, chấp nhận theo mệnh lệnh, dù không được tự do. Đổi lại, Đảng phải bảo đảm kinh tế phát triển, mọi người được sống bình thường, an ổn.

Tuy nhiên, tác giả đánh giá, bản “Công ước Xã hội” ngầm này đã bị ông Tập Cận Bình từ từ xé bỏ, vì tham vọng cá nhân cũng như vì các đường lối sai lầm. Ông đã cho thay đổi cương lĩnh, tu chính Hiến pháp để làm một hoàng đế suốt đời.

Nhưng ông Tập không chấp nhận dùng các loại vaccine mới của phương Tây, mà chỉ dùng vaccine nội địa, khiến dịch Covid bùng mạnh. Trong cảnh tai họa đó, ông Tập theo phương pháp quen thuộc nhất, là ra lệnh cho hàng trăm triệu người phải đóng cửa ở trong nhà.

Tác giả nhắc đến sự kiện 10 người chết cháy ở Urumqi, Tân Cương, ngày 24/11/2022, trong một tòa nhà đóng kín, bị cấm ra ngoài vì chống Covid. Trong khi, hàng triệu dân chúng ở các thành phố khác cũng đang bị “cấm cung” giống như vậy. Hầu như, cùng một lúc, cả nước Trung Hoa bùng nổi giận. Dân tổ chức biểu tình tại nhiều thành phố khắp nước, để tang cho 10 người đã chết ở Tân Cương.

Tác giả nêu vấn đề: Điều gì gây ra cái chết thảm khốc của 10 nạn nhân này?

Không riêng chính sách độc đoán, dốt nát, do thói quen không tham khảo ý kiến của các nhà chuyên môn của ông Tập. Cả chế độ độc tài chuyên chế, “hồng nặng hơn chuyên” là thủ phạm. Đảng Cộng sản không bảo vệ được cuộc sống an toàn của dân. Kinh tế đang rơi dần vào bế tắc. Bản hợp đồng ngầm giữa Đảng và dân đang bị Tập Cận Bình bỏ qua.

 

Minh Vũ – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023