Bất ổn chính trị, kinh tế Việt Nam mất nhiều tỷ viện trợ: “Trăm dâu đổ đầu dân”?

Liên quan đến những biến động bất thường của chính trị Việt Nam, theo giới phân tích, việc bà Trương Thị Mai buộc phải ra đi, đã tạo thêm áp lực khiến ông Tô Lâm phải rời Bộ Công an để ngồi ghế Chủ tịch nước. Điều này sẽ làm tăng cơ hội để ông Trọng ngồi lại, làm Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp – điều chưa từng có tiền lệ.

Đáng chú ý, việc bổ nhiệm Đại tướng Lương Cường làm Thường trực Ban Bí thư được đánh giá là động thái khôn ngoan và cần thiết của Tổng Trọng, để điều chỉnh cán cân quyền lực, giữa 2 nhóm lãnh đạo công an và quân đội. Điều đó cho thấy, tình trạng mất đoàn kết “trầm kha” trong bộ máy lãnh đạo Việt Nam, khó có thể chấm dứt.

Lâu nay, tâm lý nói chung của những người quan tâm đến chính sự ở Việt Nam, đều nghĩ rằng, thằng nào lên lãnh đạo thì cũng thế, cũng như nhau. Người dân vẫn phải còng lưng đóng thuế, còn lãnh đạo thì vẫn bòn rút ngân sách nhà nước, chia chác để làm giàu.

Nhưng, thực tế hiện nay cho thấy, những suy nghĩ đó là không đúng.

Một bản tin độc quyền của một hãng thông tấn quốc tế, cho biết “Việt Nam bị mất hàng tỷ đô la viện trợ nước ngoài, trong bối cảnh bộ máy đóng băng vì chống tham nhũng”.

Bản tin cho biết, nhà nước Việt Nam đã mất ít nhất 2,5 tỷ USD tiền tài trợ từ nước ngoài, trong vòng 3 năm qua, và còn có thể mất thêm 1 tỷ USD, do bộ máy hành chính công bị tê liệt.

Bản tin này đã dẫn nguồn từ các báo cáo của Liên Hiệp Quốc, Ngân hàng Thế giới, và các nhà tài trợ nước ngoài, gửi cho Thủ tướng Phạm Minh Chính từ ngày 17/3, mà hãng tin này được tiếp cận.

Báo cáo nêu rõ, ước chừng 1 tỷ USD từ các quỹ phát triển đang chờ được chuẩn thuận, và 2,5 tỷ USD đã phải trả lại, do hết thời hạn tài trợ. Những con số này tương đương gần 1% tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Việt Nam. Nguồn tài trợ hết hạn như vừa kể, có thể làm chậm các dự án cần thiết, phục vụ chương trình nâng cấp cơ sở hạ tầng, như đường xá, cầu cống… ở Việt Nam.

Theo đó, đất nước do Cộng sản cai trị đã rơi vào tình trạng hỗn loạn chính trị chưa từng có, trong 2 năm qua, với hàng ngàn quan chức và giám đốc điều hành các doanh nghiệp bị truy tố, trong một chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng, dẫn đến việc 2 Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội từ chức.

Đấu đá nội bộ thượng tầng ở Việt Nam đã làm chậm đáng kể hoạt động điều hành, trì hoãn việc phê duyệt các dự án và găm giữ hàng tỷ đô la trong các quỹ công và nước ngoài, khiến các nhà đầu tư nước ngoài lo lắng.

Theo giới quan sát, những điều kể trên đã chịu tác động lớn từ cái gọi là “công cuộc chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”. Công cuộc này đã và đang tạo ra một dạng “tê liệt”, vì giới chức lãnh đạo thuộc Chính phủ sợ trách nhiệm, nên đã chậm hoặc không dám phê duyệt các hồ sơ dự án, cũng như các khoản cần giải ngân. Do họ lo sợ phạm phải những quy định liên quan đến công cuộc “đốt lò” của Tổng Trọng.

Một bản tin khác cũng của hãng tin quốc tế nói trên, cho hay, những xáo trộn chưa từng thấy trong nội bộ thượng tầng lãnh đạo Việt Nam, đang ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Cụ thể, “kể từ đầu năm 2023, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán đi gần 2 tỷ đô la chứng khoán, tại Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh, cho dù chỉ số của thị trường chứng khoán lớn nhất Việt Nam này đã tăng 22% từ đầu năm 2023”.

Vẫn theo hãng tin trên, không nơi nào mà sự lo lắng của người nước ngoài thể hiện rõ ràng như ở thị trường chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh – điểm giao dịch lớn nhất Việt Nam.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã giảm gần 2 tỷ USD đầu tư chứng khoán, trên thị trường chứng khoán chính của Việt Nam, kể từ đầu năm 2023, bất chấp mức tăng khả quan của thị trường, với dòng vốn rút ra lớn nhất được ghi nhận trong những tuần biến động chính trị, trong thời gian gần đây.

Dữ liệu từ thị trường chứng khoán cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài đã cắt giảm đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam, đồng thời với việc bán cổ phiếu, quỹ đầu tư và trái phiếu, trị giá khoảng 2 tỷ USD trong cùng kỳ. Doanh số bán vượt quá lượng mua vào, trùng khớp với khoảng thời gian có những tin tức chính trị tồi tệ.

Như vậy, rất rõ ràng, việc đấu đá ở thượng tầng chính trị đã ảnh hưởng to lớn đến nền kinh tế. Và theo vòng xoáy mà nền kinh tế vận hành, điều này rồi sẽ ảnh hưởng đến từng người dân, như: khả năng tìm kiếm việc làm, thu nhập, cũng như các dịch vụ phúc lợi khác…

 

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023