“Giả chết bắt quạ”? Câu hỏi hóc búa về sự kế nhiệm ở Việt Nam

Ngày 24/1, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Giang có một bài bình luận về sự kế nhiệm ở Việt Nam, đăng trên trang Fulcrum. Bài viết được dịch giả Trúc Lam chuyển ngữ với tiêu đề ‘“Giả chết bắt quạ”? Câu hỏi hóc búa về sự kế nhiệm ở Việt Nam”, đăng trên báo Tiếng Dân trong cùng ngày.

Theo tác giả, gần đây, những tin đồn về việc Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng lâm bệnh nặng, thậm chí đã qua đời, bị cường điệu hóa rất nhiều. Tuy nhiên, chuyện đồn đoán nêu bật sự yếu kém trong Đảng về tư duy và việc chuẩn bị cho sự kế thừa chính trị tất yếu sẽ xảy ra.

Tác giả cho biết, sự xuất hiện trở lại của ông Trọng đã dẫn đến hai giả thuyết về tin đồn: Hoặc Trọng dùng chiến lược “giả chết bắt quạ” để đánh giá xem, phe nào có thể tranh giành quyền lực quá sớm; hoặc để phát hiện ra phe đối phương nào đã tung tin giả về sức khỏe của ông, gây áp lực buộc ông phải đẩy nhanh chuyện kế thừa chính trị.

Tác giả nhận xét, trong bối cảnh Việt Nam, thông tin về sức khỏe của các lãnh đạo Đảng cao cấp và những điểm yếu tiềm tàng khác được giữ bí mật. Do vậy, sự tò mò và suy đoán của công chúng về sức khỏe của họ là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, phản ứng miễn cưỡng của Đảng và nhà nước trong việc xác nhận hoặc phủ nhận những tin đồn, càng làm trầm trọng thêm sự lan truyền tin giả và thông tin sai lệch.

Tác giả đánh giá, những lúc như vậy, càng làm cho các nhà quan sát, doanh nghiệp và giới ngoại giao trong và ngoài nước lo lắng thêm, cho thấy sự không chắc chắn về người kế nhiệm, trở thành một yếu tố rủi ro đáng kể ở Việt Nam như thế nào.

Tác giả phân tích 3 yếu tố chính góp phần vào tình trạng khó khăn này:

Thứ nhất, sự cai trị kéo dài hơn một thập niên của Trọng đã chứng kiến sự tập trung quyền lực rõ rệt. Sự thay đổi này thách thức mô hình lãnh đạo tập thể truyền thống của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trọng hiện ở trong Bộ Chính trị 6 nhiệm kỳ liên tiếp, trong khi các ủy viên khác, mỗi người chỉ có mặt nhiều nhất là hai nhiệm kỳ. Nhiệm kỳ và sự thâm niên kéo dài của Trọng khiến ông trở thành một tộc trưởng gần như không thể thiếu. Sẽ là sự thách thức rất lớn đối với người kế nhiệm ông.

Thứ hai, người kế nhiệm Trọng sẽ kế thừa một vị trí đầy quyền lực, nhưng điều này có nghĩa là cơ cấu lãnh đạo tập thể vốn đã yếu kém, có thể có nguy cơ bị xói mòn thêm. Là người kế nhiệm trẻ hơn, có nhiều thời gian hơn, có thể bị cám dỗ để củng cố quyền lực vì lợi ích cá nhân. Trường hợp không có sự kiểm tra và cân bằng thể chế mạnh mẽ, chiến dịch chống tham nhũng của Trọng có thể bị tổn hại dưới sự lãnh đạo mới.

Thứ ba và quan trọng nhất là, Đảng thiếu một kế hoạch kế nhiệm rõ ràng. Ngay cả trước khi xuất hiện những tin đồn, Đảng đã phải chật vật tìm người thay thế Trọng. Tình hình này vẫn không có nhiều thay đổi. Không ai trong số những người nằm trong danh sách kế nhiệm, gồm Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai, và Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, có lợi thế mạnh. Điều này có thể dẫn đến những cuộc đấu đá phe phái gay gắt khi Trọng ra đi, làm suy yếu sự ổn định chính trị của Việt Nam.

Tác giả cho rằng, để tránh cuộc khủng hoảng tiềm tàng này trong kịch bản đấu đá nội bộ thời kỳ sau khi Trọng ra đi, Đảng Cộng sản Việt Nam cần phải thể chế hóa hơn nữa quá trình kế nhiệm.

Sự kế thừa theo kiểu chuẩn mực là một trong những trụ cột chính của khả năng phục hồi độc tài. Sự mù mờ hiện nay xung quanh quá trình kế nhiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ gây ra bất ổn chính trị: Nó biến những tin đồn về sức khỏe của Trọng thành âm mưu quốc gia và mối lo ngại lớn hơn. Đối với Trọng, việc thực hiện các bước để tạo ra một sự kế nhiệm dễ dự đoán hơn, có thể là đặc điểm nổi bật trong di sản của ông.

Minh Vũ – thoibao.de

24.1.2024

Kasse animation 7.8.2023