Link Video: https://youtu.be/gW6nZHGHKoE
Ngày 6/12, trên trang cá nhân của nhà báo Trương Huy San, tức Huy Đức, có bài bình luận “Người Việt có thực sự hiểu Trung Quốc”.
Bài bình luận được viết trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chuẩn bị sang thăm Việt Nam vào ngày 12 và 13/12. Nhiều đồn đoán cho rằng, Tập sẽ ép lãnh đạo Việt Nam ký kết về việc tham gia vào “Cộng đồng chung vận mệnh” với Trung Quốc trong chuyến thăm này.
Giới lãnh đạo Việt Nam được cho là “không mặn mà” với việc ký kết này, và đã có một năm ngoại giao vô cùng sôi động, cùng với những động thái xích lại gần phương Tây hơn, khi vừa nâng cấp quan hệ với Mỹ xong thì đã nâng cấp tiếp quan hệ với Nhật Bản – một đồng minh quan trọng của Mỹ ở Đông Á.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, Việt Nam vẫn tỏ ra khắng khít với Trung Quốc, thông qua những chuyến thăm liên tục của giới lãnh đạo cấp cao đến Trung Quốc những tháng qua.
Thoibao.de giới thiệu bài bình luận của nhà báo Huy Đức đến bạn đọc, nội dung như sau:
Cho đến bây giờ, vốn tiếng Hoa của tôi, chỉ còn có thể nói gần đúng một câu: “Wo shi ba nian ji xue sheng (Tôi là học sinh lớp 8)”. Vì, năm tôi học lớp 9, quan hệ Việt – Trung đã rất căng thẳng. Trường có hai giáo viên dạy tiếng Trung, thì thầy Cát phải nhập ngũ, còn cô Thủy phải chuyển sang làm thủ thư kiêm đánh trống. Thầy Hiệu trưởng cũng gặp không ít khó khăn do họ “Quách” của mình.
Sáng 17/2/1979, “Trung Quốc nổ súng gây chiến tranh trên toàn tuyến Biên giới”, tôi bỏ học, đi bộ đến thẳng Ủy ban thị trấn Nông trường Thạch Ngọc, nộp đơn xung phong nhập ngũ.
Năm ấy, những bài xã luận phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam làm máu sục sôi, chúng tôi coi những phản ứng ấy của “hệ thống chính trị” là không có gì phải bàn cãi.
Đất nước mình là thế.
Không có người Việt nào nghi ngờ về những tham vọng của Trung Quốc với Việt Nam. Nhưng Trung Quốc còn là một nền kinh tế lớn và một nền văn hóa lớn. Không ai thực sự tự hỏi, chúng ta muốn đánh thức ở đấy “nguy”, hay đánh thức “cơ”.
Trong lịch sử nghìn năm giữ nước, cha ông ta hẳn phải rất hiểu Trung Quốc mới thắng họ và giữ được nền độc lập. Thời đại nào, Trung Nam Hải cũng khát khao Đại Hán, và để phát triển được như hiện nay, hẳn họ cũng đã phải rất tư duy chiến lược.
Chúng ta cần biết những đứt gãy ở đâu, để giờ đây, người Việt gần như chỉ học được từ người Hoa tiểu xảo.
Khi Trung Quốc sai, những người Việt Nam Cộng sản đã tin một cách ngây thơ vào “Chủ nghĩa Quốc tế Vô sản”, gần họ đến mức sợ “môi hở răng lạnh”. Khi Trung Quốc bắt đầu đúng, 1978, Việt Nam lại phải coi họ là kẻ thù.
Khi đã coi họ là kẻ thù, như trường hợp của lớp tôi năm 1978, đến tiếng Hoa chúng ta cũng không thèm học.
Đừng nhìn mối quan hệ với Trung Quốc chỉ bằng “chủ nghĩa dân tộc cực đoan”. Ở nhiều tỉnh biên giới phía Bắc, người Kinh là “dân tộc thiểu số”. Cả về kinh tế và văn hóa, người dân ở đấy gần gũi với phần người Hoa giáp biên hơn Hà Nội.
Giá cả sầu riêng, thanh long và cả lợn, tôm hùm… lên xuống, nông dân Việt Nam không hề có khả năng dự báo. Chúng ta quan hệ với thị trường xuất khẩu lớn thứ hai chỉ chủ yếu qua thương lái. Chúng ta không chỉ thiếu một đội ngũ người Việt hiểu Trung Quốc từ bên trong Lục Địa, chúng ta thiếu cả những người Việt để hướng dẫn du lịch, để giao tiếp với người Hoa ở ngay trên đất nước mình.
Không phải bao giờ quyền lợi của dân chúng Việt – Hoa cũng tương đồng với quyền lợi giữa Bắc Kinh và Hà Nội. “A.Q.” không muốn “nắm tóc Chí Phèo”. Dân chúng cần một đường biên hòa bình. Muốn để đường biên ấy hòa bình, ngay cả khi ta nghĩ Trung Quốc xử sự như một “láng giềng tốt”, người Việt cũng cần phải học để biết lòng dạ họ; ngay cả khi Trung Quốc hành xử như kẻ thù, người Việt càng phải học để làm sao thắng họ.
Minh Vũ
>>> Danh hão Nghệ sĩ Nhân dân để làm gì?
>>> Hồng vệ binh và vụ Nhân văn Giai phẩm
>>> Hệ lụy của việc bơm nóng triệu tỷ vào nền kinh tế thời điểm cuối năm
>>> Tập sẽ hối thúc Việt Nam tham gia tích cực hơn vào Sáng kiến Vành đai Con đường
Truyền hình Hàn Quốc đưa tin về vụ học sinh bao vây cô giáo ở Tuyên Quang