Người dân phản đối Bộ Công an thu hồi đất vàng thủ đô để mở rộng trụ sở 

Link Youtube: https://youtu.be/Zr-lsntNtwA

 

Ngày 1/9, một đài truyền thông quốc tế tiếng Việt đưa tin về việc dự án mở rộng trụ sở Bộ Công an ở 44 Yết Kiêu, Hà Nội đang gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ người dân sinh sống ở khu vực này. 

 

Bài báo dẫn Trích lục Quyết định số 35/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ mà chính quyền quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, cho người dân xem. Theo đó, dự án mở rộng trụ sở Bộ Công an ở số 44 phố Yết Kiêu, sẽ thu hồi 0,6 ha đất của người dân và các tổ chức để xây dựng mở rộng trụ sở này.

Người dân sẽ được bồi thường bằng đất tại khu tái định cư thuộc xã Mai Lâm, huyện Đông Anh.

Bài báo dẫn lời người dân cho biết, hơn 130 hộ dân ở khu vực ngõ Hàng Lọng, mặt phố Yết Kiêu và mặt đường Lê Duẩn có nguy cơ bị thu hồi nhà đất đã nộp đơn kiến nghị đến các đoàn đại biểu Quốc hội khắp cả nước.

Người dân trong khu vực này, trong đó có những người đã sống ở đây ít nhất 50 năm, và những gia đình mới chuyển đến gần đây, bức xúc và phẫn nộ vì đề xuất thu hồi đất mà theo họ là “vô lý và mờ ám”.

Chưa kể, việc đẩy người dân nội đô ra các vùng xa, nơi trị giá nhà đất thấp hơn nhiều so với các quận nội thành Hà Nội, đang gây ra thêm bức xúc.

Bài báo dẫn lời ông Phạm Bình Hà, 55 tuổi, sinh ra ở ngõ Hàng Lọng và hiện vẫn sống ở đây, cho biết ông và gia đình rất bất ngờ.

“Bình thường muốn thu hồi đất người ta phải thông báo trước nhiều năm, cấm người dân buôn bán, xây dựng. Nhưng ở đây chúng tôi vẫn mua bán, xây dựng nhà cửa bình thường. Nhiều nhà vừa xây xong còn đang ướt, nhiều nhà mới mua sổ đỏ còn chưa ráo mực thế mà tự nhiên lại mang giấy đến đòi lấy đất.”

Theo bài báo, tờ VOV dẫn lời ông ông Nguyễn Anh Quân, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm hôm 3/7 nói, việc thu hồi đất để mở rộng Trụ sở Bộ Công an 44 Yết Kiêu là vì “mục đích quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng”. “Do đó, dự án không mang tính hiệp thương hay thoả thuận.”

 

Hình: Trích lục Quyết định số 35/QĐ – TTg do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký, mà chính quyền quận Hai Bà Trưng cho người dân xem

 

Bài báo dẫn lời đại diện Hội đồng Bồi thường hỗ trợ tái định cư quận Hoàn Kiếm giải thích: Trụ sở Bộ Công An số 44 Yết Kiêu, được xây dựng từ năm 1976, bị “xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng yêu cầu công tác, chiến đấu”. Việc trụ sở nằm giữa một khu đông dân cư, khiến “nguy cơ lộ lọt bí mật nhà nước, lộ lọt thông tin triển khai các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Công an bên trong trụ sở là rất cao”

Tuy nhiên, bài báo cho biết, người dân thấy lý do này không thuyết phục.

Bài báo dẫn lời bà BN nói, việc thu hồi nhà đất của dân “vô lý” ở chỗ, Bộ Công an đã được xây dựng trụ sở làm việc tại 47 phố Phạm Văn Đồng “quá to, quá hiện đại” rồi.

Trụ sở cũ đã rất là to rồi, sao lại không xây cao lên? Chúng tôi đang ăn ở, có nguồn sống nguồn thu nhập rất ổn định. Bây giờ đưa chúng tôi đến một nơi cách xa đây 15km thì chúng tôi sẽ sống bằng gì?”

Ông Phạm Bình Hà thì cho rằng, “Người dân nghi ngờ hay là có lợi ích nhóm”.

Bài báo nhắc đến sự việc ngày 11/8, Ủy ban Nhân dân phường Nguyễn Du và Ban dự án cử một lượng rất đông, gồm công an, tự vệ, đoàn thanh niên vv, tới cưỡng chế đo đạc, kiểm đếm. Đa số các hộ dân khóa cửa không cho cán bộ vào nhà đo đạc, và ra đầu ngõ phản đối, theo lời kể của người dân.

 

Đại diện của người dân chia sẻ hình ảnh cho thấy, nhiều người dân mặc áo phông đỏ có in dòng chữ “Không lấy đất của dân”. Họ giương biểu ngữ “Đất Lê Duẩn, Nguyễn Du, Ngõ Hàng Lọng không phải đất an ninh quốc phòng”, “Nhân dân Ngõ Hàng Lọng, Lê Duẩn, Nguyễn Du phản đối việc lấy nhà đất của chúng tôi để mở rộng trụ sở 44 Yết Kiêu”.

Lực lượng của chính quyền chắn ở đầu ngõ, ngăn cản không cho dân đi về phía nhà họ, theo tường thuật của bà BN.

Nhưng họ không vào được trong nhà dân nên chỉ đo bên ngoài và ghi lại.

“Hôm đó, có một nhóm mọi người rất là uất ức vì chính quyền làm như vậy nên có lớn tiếng phản đối. Họ bị những người không mặc đồng phục lôi lên xe buýt đưa đi để gây hoang mang cho chúng tôi những người ở lại”, bà BN kể.

Sau nhiều giờ xe buýt đi lòng vòng, họ được trả về nhà trước nửa đêm.

Hôm đó chính quyền còn mang máy phá sóng tới để làm gián đoạn việc liên lạc của người dân với nhau.

Người dân cũng thấy có người “ngồi hàng nước quanh quẩn theo dõi” mọi người ở đây.

Bà BN cho biết, “Thông điệp mà chúng tôi muốn gửi đến chính quyền là hãy lo cho nhân dân, vì dân đúng nghĩa. Đất của chúng tôi là đất được sử dụng lâu dài, không phải đất nông nghiệp. Nếu chúng tôi phải đi thì chúng tôi phải được cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.”

Bài báo cho biết thêm, từ lâu, các quyết định về quyền liên quan tới đất đai mà ở Việt Nam là do Nhà nước quản lý, tuy có thừa nhận qua khái niệm chung chung là thuộc “sở hữu toàn dân” thường gây ra tranh chấp, đôi khi rất gay gắt. Tuy thế, các cơ quan lập pháp Việt Nam liên tục hoãn việc nhìn vào vấn đề này.

 

Xuân Hưng – thoibao.de

>>>Mua quốc tịch Cyprus, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đưa Tổng – Tô vào thế kẹt “bi” trong họng!

>>>Thích Thanh Quyết quyết làm tượng Phật ngọc lớn nhất thế giới

>>>Sức sống của nền kinh tế quyết định sinh mệnh chính trị của Thủ Chính

>>>Nghịch lý trong kỷ lục vốn hóa của VinFast

Đại Án Việt Á: Nguyễn Thanh Long bắt tay với Việt Á gây tai họa cho dân VN như thế nào?

Kasse animation 7.8.2023