Tượng đài khô ráo – Dân tình ngụp lặn

Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=nMZkpn2GPLc

128 người chết và mất tích, miền Trung lại đón áp thấp nhiệt đới có thể mạnh thành bão, báo tuổi trẻ đưa tin tối ngày 19-10.

Ở Quảng Bình, nước lớn đến nỗi tàu thuyền của làng biển đi sâu được vào trong đất liền để cứu dân. Hàng ngàn người dân bị cô lập trong đói rét trên các nóc nhà.

Ở Hà tĩnh, phương án phá đập tràn của hồ Kẻ Gỗ đã được đưa ra. Hiện hồ Kẻ Gỗ đang xả 1.000 m3/s, nếu phá đập tràn thì sẽ xả trên 4.100 m3/s, Hà tĩnh chắc chắn sẽ chìm trong biển nước.

Từ ngày 15-10 đến chiều 19-10, tại các tỉnh từ Hà Tĩnh – Quảng Trị đã làm 166.782 nhà dân bị ngập. Ba tỉnh này cũng phải sơ tán khẩn cấp 28.938 hộ/90.967 người dân, 461.627 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi.

Về giao thông, 13 tuyến quốc lộ và nhiều tuyến đường giao thông địa phương bị ngập, sạt lở, hư hỏng tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Hiện tại, ngập lụt tiếp tục chia cắt tại 3 điểm trên quốc lộ 1 thuộc tỉnh Quảng Bình và 1 vị trí trên đường Hồ Chí Minh, nhiều tuyến đường nội tỉnh đang ngập lụt, chia cắt.

Từ ngày 6 đến 19-10 đã có 102 người chết, hiện vẫn còn 26 người đang mất tích.

Các quân nhân bị núi lở vùi xác đều đã tìm thấy, nhưng 15 công nhân ở thủy điện Rào Trăng 3 vẫn chưa tìm thấy xác, bên quân đội có lẽ đã buông tay, Facebook Đặng Dung nhận xét:

Vậy là 22 quân nhân của đoàn kinh tế quốc phòng 337 đã lấy được xác. Trước đó 13 sĩ quan và cán bộ bị chết ở trạm kiểm lâm 67 cũng đã tìm thấy và mang về truy điệu ở Huế.

Riêng 15 công nhân ở Rào Trăng dù thiệt mạng trước nhưng hiện vẫn còn nằm dưới đống đất đá nơi đồi núi. Hai công nhân chung nhóm đã mang được xác ra là do may mắn không bị vùi lấp.

Gia đình 15 công nhân này chắc buồn lắm vì con em họ đến nay vẫn chưa được về nhà. Gặp đại nạn như nhau nhưng mỗi người lại có một số phận khác nhau dù đã chết.”

Lũ đặc biệt lớn trên sông Kiến Giang (Lệ Thủy – Quảng Bình) vượt mức lũ lịch sử năm 1979. Thêm nhiều người chết, mất tích do lũ.

Nước lũ cuồn cuộn đổ về nhấn chìm tỉnh Quảng Bình trong đêm hàng ngàn ngôi nhà ngập sâu hơn 3 mét, nhiều ngôi nhà chìm tới nóc. Mất điện, đêm tối như mực, khắp nơi tiếng người dân thất thanh kêu cứu. Cả Quảng Bình một đêm thức trắng để chống chọi với cơn đại hồng thuỷ chưa từng thấy trong lịch sử lũ lụt của tỉnh này.

Ảnh 1: phía dưới là những căn nhà ngập tới nóc ở Quảng Bình, dân kêu cứu tuyệt vọng trong đêm không có lời đáp. Bên trên là ảnh căn nhà sử dụng 80 mét khối gỗ của ông Chi Cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Quảng trị được báo chí cho rằng nguồn gốc gỗ hoàn toàn hợp pháp xây bằng nguồn tiền dành dụm nhiều năm của gia đình ông

12h đêm rạng sáng 19-10, bắt đầu nước cao lên, 4 chân giường được kê lên bằng 4 bình ga, nước lại dâng lên nữa thì bắc ghế lên ngồi”, một người dân được cứu vào sáng hôm sau kể lại.

Rất nhiều người quy tội cho việc phá rừng lấy gỗ và cám cảnh cho những đại hội đầy hoa và chương trình múa hát hoành tráng với chi phí hàng trăm tỷ đồng cho mỗi tỉnh trong khi người dân không có chiếc áo phao để mặc trong cơn lũ dữ.

Nhắn với ông bí thư TpHCM Nguyễn Thiện Nhân, nhà báo Nguyễn Tiến Tường viết trên Facebook của mình:

Bí thư Nhân đừng quên rằng người nhập cư chiếm quá nửa dân Sài Gòn, đa phần đến từ miền trung. Đêm qua nước về, người miền trung xé mái nhà mò mẫm tìm đường sống, tiếng kêu cứu dậy đất trời. Cả một khúc ruột miền trung mòm mọp trong nước bạc, triệu triệu người đều hoảng loạn.

Ngay tại Sài Gòn, người gốc quê cũng không thể nào ngủ được, mắt cay xè nuốt lệ cầu trời. Ngoài van lơn ông trời ra, không biết làm gì nữa cả!

Bí thư nhân tặng hoa cho Tạ Minh Tâm, Đàm Vĩnh Hưng vui bề hát xướng, ông có nghĩ đến dân không?

Thành phố nghĩa tình của bí thư Nhân là như vậy sao?

Ở một quốc gia:

– Nhà tướng lĩnh biên phòng, cán bộ kiểm lâm nhiều gỗ là bình thường

– Quan chức khoe dinh thự gỗ, nhà vườn gỗ là bình thường

– Những ông sư trọc đầu ngồi nói chuyện nhân quả trước một chiếc bàn làm từ cây cổ thụ là bình thường

– Liên hoan văn nghệ song trùng với nỗi đau đồng bào là bình thường

Đó là một quốc gia khủng hoảng đạo đức trầm trọng!

Cho dù đây chưa phải lúc chỉ trích, thì cũng không phải là lúc phô bày những điều bình thường rất dị thường ấy ra khắp nơi như vậy.

Ảnh 2: nước lũ dâng cao khắp nơi ở Quảng bình

Sự cuồng nộ của thiên nhiên chưa chắc đã lớn bằng sự cuồng nộ ẩn chứa trong lòng người đâu!” ông Nguyễn Tiến Tường viết trong giọng văn đầy chua xót.

Facebook Nguyễn Đại đưa lên Facebook ảnh chụp một văn bản của tỉnh Lạng sơn, cho thấy chi phí tổ chức Đại hội Đảng các cấp tỉnh Lạng Sơn là hơn 86 tỷ đồng và đưa ra bản tính toán rằng:

Cứ cho bằng nhau đi, mỗi tỉnh chi phí 86 tỷ

63 (tỉnh thành) nhân với (x) 86 tỷ bằng (=) 5.400 tỷ (năm ngàn bốn trăm tỷ). Đó là số tiền chi cho các Đại hội Đảng cả nước mà thực tế có thể lớn hơn rất nhiều vì Lạng sơn là một tỉnh nhỏ dân số ít.

Một đảng phái chính trị lấy 5.400 tỷ tiền thuế của người dân ra xài cho đại hội của đảng mình. Còn nhân dân thì gồng mình cứu trợ lũ lụt cho nhau!” Ông Nguyễn Đại đưa ra nhận định về con số chi phí tổ chức đại hội khủng khiếp của Đảng Cộng sản lấy từ ngân sách.

Nhà báo Hà Phan khiến mọi người ngạc nhiên vì cứ đổ tội cho lâm tặc. Lâu nay người ta cứ đổ “rừng cơ bản bị phá xong” là do bọn lâm tặc và người dân làm nương rẫy. Nhưng chúng ta đã lầm, xin hãy đọc con số này:

Thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp ( Bộ NN và PTNT), chỉ trong hơn 5 năm từ năm 2012 -2017, diện tích rừng tự nhiên đã bị mất do chặt phá rừng trái pháp luật mất chiếm 11%, 89% còn lại do chuyển mục đích sử dụng rừng tại những dự án được duyệt.

Thế đấy! Rừng tự nhiên bị mất gần 90% là do những dự án được duyệt và thủy điện chiếm phần không nhỏ.

Như nơi xảy thảm họa ở Rào Trăng 3 đã cướp đi sinh mạng 3 công nhân và 13 CBCS khác bị nạn đang tìm kiếm hai ngày nay thì 200 ha rừng của Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền phải ” chuyển đổi mục đích” nhường chỗ cho Rào Trăng 3 và 3 thủy điện khác. Chưa kể mở đường đi vào!

Tàn phá thiên nhiên thì rừng núi nổi giận không có gì lạ, chỉ đau đớn một điều là người gánh chịu thường không phải kẻ duyệt dự án!” nhà báo Hà Phan nhận định.

Ảnh 3: Tối 18-10, bí thư Nguyễn Thiện Nhân tặng hoa cho các nghệ sĩ Tạ Minh Tâm và Đàm Vĩnh Hưng tham gia chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025.

Nhà báo Đoàn Hồng Lê kể: “Một chuyến đi quay, tôi phỏng vấn 4 vị cựu quan chức tại nhà, thì phòng khách cả 4 vị đều đặt những bộ bàn ghế gỗ cẩm lai gỗ hương to nặng nề vật vã màu vàng ệch chình ình như muốn lấy sự giàu có đè bẹp khách.

Không bao giờ tôi chọn khuôn hình phỏng vấn dùng hậu cảnh là những chiếc ghế này, vì tầm vóc thấp bé và màu da đen của người chủ ngồi lọt thỏm trong đó nhìn cực kỳ phản cảm.

Cũng chuyến đó, đến ngôi nhà rông của một làng Bana ở Kon Tum thì nhà rông đúc xi măng lợp tôn, hỏi già làng sao lạ thế, già làng nói gỗ đâu còn mà làm.”

Trận lũ ghi vào lịch sử

Theo Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN Quảng Bình và Đài Khí tượng thủy văn Quảng Bình, lũ trên sông Kiến Giang tại Lệ Thủy đã vượt mức báo động 3 rất cao và vượt mức lũ lịch sử năm 1979.

Trên mạng xã hội, nhiều người dân ở Lệ Thủy đã kêu cứu, chờ đợi lực lượng cứu hộ trong đêm. Một người tên Hiền Trần chia sẻ: “Mấy chục năm chưa hề thấy nước lên nhanh như lần này, và giờ nước còn lên cao nữa. Chỉ mong trời nhanh sáng“.

Theo đó, nhiều nhà dù được xây cao ráo nhưng cũng chìm trong lũ. Có những vùng thấp như Tân Hóa – Quảng Bình đã ngập tận 6 mét. Theo cập nhật của bà Jang Kều, người sáng lập ra dự án Nhà chống lũ, khu vực này các hộ đều có nhà phao nên 100% người dân an toàn về tính mạng.

Nhà báo Dương Phong, trú tại Đồng Hới, Quảng Bình cập nhật: “Lũ vẫn còn lên khủng khiếp. Bất an vì mưa lũ đã xô đổ mọi kỷ lục lịch sử, không chỉ đổ xô vài cm mà cả mét rồi mét rưỡi. Cả đêm tiếng dân kêu giữa trời mưa nước lạnh“.

Trong đêm 17/10 rạng sáng 18/10, nhiều hộ ở khu vực Đông Hà, Quảng Trị cũng bị ngập nặng và cô lập. Người dân đã lên mạng kêu cứu trong vô vọng. Nhiều gia đình có trẻ con, người già và người bệnh bị mắc kẹt, không có xuồng hay cano trong tình trạng nước vẫn tiếp tục lên cao.

Ảnh 4: Văn bản ngày 01-04-2020, của UBND tỉnh Lạng sơn gửi Bộ Tài chính đề nghị duyệt chi kinh phí tổ chức đại hội Đảng các cấp với tổng chi phí là 86.522.000.000 đ – tám sáu tỷ năm trăm hai hai triệu đồng

Lũ lụt miền Trung năm 2020 được xem được xem là một đợt lũ lụt lịch sử mới, được đặt mức báo động IV, thuộc về cấp bậc thiên tai nguy hiểm nhất của Việt Nam.

Đợt bão lũ lụt này bắt đầu từ đêm ngày 06, rạng sáng ngày 07/10/2020, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế của Bắc Trung Bộ, một phần Nam Trung Bộ gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên.

Thiên tai hay nhân tai?

Trước thảm họa sạc lở đất, ông Trần Quốc Thành, Giám đốc sở KHCN Nghệ An đã cảnh báo “Thủy điện cóc” là nguyên nhân cho tình trạng này.

Báo Lao Động trích ý kiến của ông Thành, thủy điện “cóc” là dạng dự án thủy điện có công suất nhỏ. Dạng dự án này được nhiều doanh nghiệp lao vào làm vì suất đầu tư vừa phải, thu hồi vốn nhanh, lợi nhuận lớn.

Tuy nhiên, theo ông Thành, nếu đầu tư thủy điện “cóc” ở khu vực miền Trung nhất là Bắc Trung bộ thì lợi bất cập hại. Bởi đây là khu vực có địa hình độ dốc lớn, sông ngắn lại là nơi tập trung vào nhiều Khu bảo tồn thiên nhiên, địa chất ở vùng này phần lớn thuộc nhóm đất dễ sạt lở.

Về tác hại của loại dự án thủy điện “cóc“, ông Trần Quốc Thành đánh giá, việc đầu tư ở đây vừa góp phần phá rừng hợp pháp lại ở nơi đầu nguồn là chính. Hơn nữa, lại góp phần gây ngập lụt và thiếu nước ở hạ du. Vì mùa khô hạ du cần nước thì thủy điện lại tích, mùa lụt hạ du thừa nước thì lại xả vì dung tích thấp không thể tích.

Nhà báo Bạch Hoàn bình luận trên Facebook cá nhân rằng:

Xin đừng nói rằng thảm hoạ đang xảy ra ở miền Trung là thiên tai. Nó không phải chỉ là thiên tai. Xin hãy gọi đúng tên là nhân tai.

Thiên nhiên nổi giận. Thiên nhiên đòi nợ. Thiên nhiên đòi con người trả giá.

Những gì đang xảy ra hôm nay là bởi chúng ta. Những người dân miền Trung khốn khổ đang phải giành giật sự sống trong cơn lũ dữ là bởi chúng ta.

Là bởi rất nhiều người trong đó có tôi. Chính tôi đã góp phần để xảy ra thảm hoạ này.

Tôi đã nhiều lần im lặng, phớt lờ, lướt qua trước những cánh rừng bị tàn phá, những quả đồi bị cạo trọc. Tôi đã không phẫn nộ trước tình trạng quan lại sai nha, khắp nơi khắp chốn chở gỗ về nhà, biến những khoảnh rừng thành biệt thự, biệt phủ, lâu đài. Tôi đã thờ ơ khi những kẻ phá rừng, tận diệt thiên nhiên, thách thức cả đất trời không phải trả giá.

Ảnh 5: nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường Đặng Hùng Võ ngồi trong nhà riêng với bộ sa lông gỗ quý chạm rồng có giá hàng tỷ đồng

Thế cho nên, nước lũ tràn về, lẽ ra tàn phá một, thì nay sức phá huỷ có thể thành mười.

Chính tôi, tôi đã không quyết tâm phản đối đến cùng khi người ta đổ cả núi tiền – tiền mồ hôi và tiền nước mắt, tiền xương máu và tiền linh hồn – để xây những tượng đài, khắp nơi khắp chốn, nơi này trăm tỉ, nơi kia ngàn tỉ.

Đất nước của những tượng đài. Tượng đài càng lớn thì phận dân càng nhỏ. Tượng đài càng cao thì lưng dân càng còng.

Để rồi, cứ mỗi lần thiên nhiên nổi giận, cứ mỗi lần thiên nhiên đòi trả giá, những người dân thấp cổ bé họng chỉ biết xót xa cho đời dân, phận lính. Để rồi cảm xúc tiếp theo là phẫn nộ, phẫn nộ vì tiền đầu tư cho cơ sở vật chất phục vụ sơ tán, cứu dân, tiền cho cứu hộ cứu nạn được bao nhiêu mà thương đau nối tiếp thương đau, mất mát trùm lên mất mát?

Tượng đài vẫn cứ cao. Biệt phủ, đền đài vẫn cứ lớn. Cơn nước cứ dâng lên. Chỉ có phận người dần chìm xuống, vùng vẫy trong nhân tai. Và rồi bây giờ lại bất lực, không biết bao giờ mới tìm ra lối thoát…” Nhà báo Bạch Hoàn nêu quan điểm.

Trên Facebook cá nhân, nhà báo Vũ Kim Hạnh chia sẻ:

Cả đêm đọc những mẫu tin kêu cứu và cả (ít oi) những tin nhắn trả lời là chưa cứu được, hãy chờ trời sáng… Không thể không nghĩ đến những ngôi nhà toàn bằng gỗ quí, cột kèo, ghế bàn, tủ kệ“.

Lệnh đóng cửa rừng ban hành từ tháng 7-2016 mà không được thực thi? Vì sao? Vì sản phẩm gỗ rừng tự nhiên vẫn cứ được ưa dùng và được tự nhiên bán buôn khắp các tỉnh, còn xuất khẩu tự do sang nước bạn (?). Và thủy điện vẫn cứ được cấp giấy phép. Rào Trăng là một cảnh báo quá bi thảm, đau thương liệu có đủ sức nặng để có biện pháp tức thì ngăn thảm họa? Thiên tai và nhân tai, thứ tai họa nào lớn hơn. Thảm họa kinh hoàng không chừa ai. Mà phá rừng, đắp đập, chỉ một số người ký, một số người làm và hưởng lợi“, bà đặt câu hỏi.

Ảnh 6: Tượng đài trăm tỷ ở Quảng Bình đặt ở nơi cao nhất nên không ngập, trong khi hàng ngàn căn nhà dân ngập lụt tận nóc, dân kêu cứu cả đêm trong tuyệt vọng

Hải Yến – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Tướng, Tá bị bị chôn vùi – Cứu hộ hay Cứu của?

>>> Lê Thanh Hải về vườn – Lê Trương Hải Hiếu cũng “ra ma”

>>> Đảng lo Đại hội, Dân đang chết chìm

Việt Nam: Đấu đá dành quyền lãnh đạo mới – Cuộc chiến vẫn chưa ngã ngũ

Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT


Kasse animation 7.8.2023