NGHĨ VỀ "HIỆN ĐẠI HÓA"

Cách đây mấy hôm, một bạn của mình nói rằng chỉ khi nào dẹp hết được hàng rong thì khi đó Sài Gòn mới trở thành một đô thị hiện đại được. Mình gật đầu không tí suy nghĩ nào vì thật ra đó cũng là quan điểm lâu nay của mình. Hôm nay thì mình đọc thêm một tin nữa khiến mình suy nghĩ. Một anh grab biker dừng đón khách ở quận 10 và bị một nhóm xe ôm truyền thống hành hung.

Nó khiến mình suy nghĩ về hai chữ “hiện đại”. Với Nhà nước mình, khẩu hiệu “công nghiệp hóa – hiện đại hóa” có lẽ là khẩu hiệu xuất sắc nhất sau chiến tranh. Nó tạo nên một nhận diện thương hiệu, một ý thức chung rằng những gì hiện đại đều là tốt, những gì công nghiệp đều là cái đáng hướng đến. Nông nghiệp, thủ công, buôn gánh bán bưng trở thành những thứ tạm bợ, những hiện tượng xã hội tạm chấp nhận bây giờ nhưng sẽ sớm phải dẹp bỏ. Không lạ khi chiến dịch dọn dẹp vỉa hè khắp nơi được tung hô vì nó đại diện cho nỗ lực tiến đến sự hiện đại.

Nhưng câu chuyện của các tài xế xe ôm hành hung tài xế grab bike làm mình nhớ đến phong trào đập máy móc mà những người công nhân Anh đã làm cách đây ngót 3 thế kỷ. Khi đó, những người công nhân nghĩ rằng máy móc khiến cuộc sống của họ bần cùng hóa và họ trút cơn giận vào máy móc. Chỉ đến khi Marx xuất hiện và nói cho họ rằng chính chủ tư bản mới là thủ phạm, thì máy móc mới được để yên và chủ nghĩa cộng sản ra đời. Câu chuyện này liệu có giống với những gì mình đọc gần đây, rằng không phải là người nhập cư mà chính là sự cải tiến thiết bị là nguyên nhân khiến thất nghiệp gia tăng, chứ không phải là người nhập cư? Liệu rằng mọi thứ có đang quay trở lại như cách đây 3 thế kỷ? Khi tài xế taxi Paris tụ tập đập xe uber, xe ôm Việt Nam đánh anh grab biker, còn hàng rong Việt Nam mất kế mưu sinh vì nhu cầu hiện đại hóa?

Có hôm mình buột miệng bảo rằng hình như chúng ta đã thay thế thành công chủ nghĩa toàn trị lý tưởng bằng chủ nghĩa giáo điều về vật chất. Hiện đại giờ đây được hiểu là nhà cao, cửa rộng, xe đẹp, tiền nhiều. Trên con đường hiện đại hóa đó, những thứ mà giá trị của nó không đong đếm được bằng tiền hoặc có hại cho bộ mặt chung như nhà thờ Thủ Thiêm, hang Sơn Đoòng, hàng rong, nhân quyền.. sẽ phải nhường chỗ cho lợi ích kinh tế, sự tiện dụng, công nghệ?

Nhưng có cách nào giúp mọi người cùng tiến lên con đường hiện đại hóa không, thay vì chấp nhận bỏ lại một bộ phận “chậm tiến”? Những công nhân người Anh có lẽ đã cảm thấy tiếng nói của họ không được lắng nghe khi họ đập máy móc. Những tài xế xe ôm hẳn phải cảm thấy đau lòng khi thấy thu nhập của bản thân mất đi bởi sự hiện đại, trong khi giải pháp duy nhất để họ tiếp tục tham gia thị trường lao động là… có tiền (để mua smartphone, xe máy mới). Và những người hàng rong nghĩ thế nào khi họ bị cho là biểu tượng của sự chậm tiến? Mình không bao giờ biết được.

Định nghĩa hiện đại của mình xin được khác mọi người. Mình đo đếm sự hiện đại không chỉ bằng vật chất của xã hội mà là cách xã hội đối xử với những nạn nhân của nó như thế nào, tức là bên trong mỗi người. Chúng ta có trân quý nhà thờ cổ đang nằm chắn ngang một dự án đô thị cho giới thượng lưu không? Chúng ta có nghĩ đến sinh kế tiếp theo của những người bán hàng rong sau chiến dịch giải cứu vỉa hè không? Mình nghĩ thành tựu của một chiến dịch, hay công cuộc hiện đại hóa của một quốc gia phải được thụ hưởng bởi toàn bộ người dân của xứ sở đó chứ không chỉ của một thiểu số có tiền, hay thậm chí một đa số không nghèo. Con người hiện đại không chỉ bằng cách vươn tay lên và chinh phục những đỉnh cao mới mà còn bằng cách thả thang xuống và động viên mọi người cùng trèo lên. Mình nghĩ vậy và hy vọng nó không bị dán cho một cái nhãn thiên tả hay cánh hữu nào đó một cách vô bổ.

Lê Nguyễn Duy Hậu 

Kasse animation 7.8.2023