Ngày 19/2, tại Hội nghị Tổng kết Công tác thuế năm 2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng lại nhắc đến việc “còn tiền đâu để phát triển?”. Theo Bộ trưởng Thắng, các nước phát triển có tỷ lệ chi thường xuyên chỉ chiếm 48 – 50% tổng chi ngân sách. Trong khi đó, tỷ lệ chi thường xuyên hiện nay của Việt Nam chiếm 70% chi ngân sách. Vậy làm gì còn tiền chi cho đầu tư phát triển?
Trước đó, trong bài viết “Chống lãng phí” đăng ngày 13/10, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hành tiết kiệm và chống lãng phí. Theo ông Tô Lâm, tiết kiệm chi tiêu ngân sách phải trở thành ý thức tự nguyện, tự giác của mọi cán bộ, đảng viên thì đất nước mới phát triển được.
Vậy mà, vào ngày 19/12, trên cơ sở đề xuất của Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư vừa ra chủ trương thực hiện 3 đề án, dự án quan trọng của Đảng. Bao gồm: Đề án Xây dựng Bảo tàng Đảng Cộng sản Việt Nam; Đề án Chuyển đổi số trong các cơ quan đảng; Và Dự án cải tạo, nâng cấp và xây mới Khu nhà khách Hồ Tây.
Với lý do, đây là những đề án, dự án quan trọng, góp phần tôn vinh những giá trị vẻ vang của Đảng, hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đáng chú ý, cho đến nay, Ban Bí thư đã ban hành Quyết định phê duyệt 2 đề án, và Nghị quyết của Quốc hội Khóa 15 đã cho phép thực hiện một số cơ chế, giải pháp cấp bách, cần thiết để triển khai 3 dự án. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư của 3 dự án này.
Nội dung kể trên, ngay lập tức, đã khiến mạng xã hội dậy sóng. Nhất là khi nhiều ý kiến cho rằng, 3 dự án này lại được thúc đẩy trong lúc Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra các yêu cầu về việc đòi hỏi cần có những biện pháp chống lãng phí và tăng hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước.
Tại sao Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội và Chính phủ đã bất chấp chỉ thị của người đứng đầu, vẫn tiếp tục cho triển khai các dự án, đề án chưa thực sự cần thiết như kể trên?
Theo giới quan sát, trong thời gian gần đây, một số chủ trương và chỉ thị của Tổng Bí thư Tô Lâm đã không được các cơ quan trong bộ máy nhà nước thực hiện nghiêm túc và triệt để.
Trong nỗ lực tinh gọn bộ máy nhà nước cũng vậy, Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu các lãnh đạo các cấp phải đi đầu, và gương mẫu để làm gương. Tuy nhiên, việc thực hiện đã và đang gặp nhiều khó khăn do sự phản đối từ các nhóm lợi ích, và dẫn đến thiếu sự đồng thuận trong nội bộ Đảng.
Truyền thông quốc tế đánh giá về các thách thức mà ông Tô Lâm gặp phải trong việc củng cố quyền lực, và thực hiện các cải cách. Theo đó, mặc dù ông Tô Lâm có tham vọng lớn, nhưng việc triển khai các chính sách cải cách đang bế tắc, do gặp trở ngại từ chính bộ máy do ông lãnh đạo.
Về vấn đề chống lãng phí và tham nhũng cũng vậy, Tổng Bí thư đã chỉ đạo quyết liệt việc chống lãng phí và tham nhũng trong bộ máy nhà nước. Nhưng việc xử lý các vụ án lớn vẫn chưa triệt để, một số trường hợp bị trì hoãn hoặc xử lý không nghiêm minh.
Vụ xử lý kỷ luật ông Nguyễn Xuân Phúc là một ví dụ điển hình. Nguyên nhân chủ yếu do sự can thiệp của các mối quan hệ cá nhân của ông Phúc và các nhóm lợi ích. Một số cá nhân và các cơ quan trong bộ máy nhà nước chưa thực hiện nghiêm túc các chỉ thị của Tổng Bí thư, thậm chí có biểu hiện chống đối ngầm.
Tại Hội nghị Trung ương bất thường ngày 25/11, ông Tô Lâm đề nghị bổ sung một số nhân sự vào Bộ Chính trị Khóa 13 đang còn khuyết. Tuy nhiên, đề nghị này bị đa số ủy viên Trung ương bác bỏ, dẫn đến việc hội nghị kết thúc nhanh chóng chỉ sau hơn 3 tiếng đồng hồ.
Trà My – Thoibao.de