Cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có mối quan hệ thâm tình với cả đương kim Tổng Bí thư Tô Lâm và đương kim Thủ tướng Phạm Minh Chính. Chính nhờ các mối quan hệ khủng này, nên ông Ba Dũng hoàn toàn an toàn trước Đảng luật và pháp luật. Hơn nữa, ảnh hưởng của ông có thể đưa được cậu cả nhà ông, tức Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, vào Bộ Chính trị.
Sau khi ông Nguyễn Phú Trọng qua đời, ông Ba Dũng như được “cởi trói”, để chứng tỏ khả năng của ông. Trong số các “Tứ trụ” về hưu, công luận đánh giá ông Nguyễn Tấn Dũng là nhân vật có ảnh hưởng nhất trong chính trường Việt Nam hiện nay. Đây là lợi thế không nhỏ cho ông Nguyễn Thanh Nghị.
Tuy nhiên, trên chính trường, ghế thì ít mà người thì đông, nên dù được nâng đỡ, ông Nghị cũng phải tự mình tham chiến, thì may ra mới đạt được mục tiêu. Mà đối thủ của ông Nghị không hề “nhẹ cân”.
Hiện nay, Bộ Chính trị đã được bổ sung để có 16 người, vẫn còn thiếu 2 người so với đầu nhiệm kỳ này. Trong khi đó, có rất nhiều nhân vật đang muốn chen chân, để giành lấy một trong 2 suất còn trống trong Bộ Chính trị. Đáng chú ý, nhóm Nghệ An vẫn rất đông, trong đó có thể kể đến Hồ Đức Phớc, Trần Sỹ Thanh.
Tô Lâm cũng muốn đưa 2 đệ tử ruột vào Bộ Chính trị, đó là Nguyễn Duy Ngọc và Trần Lưu Quang. Ông đang cố gắng để đưa ông Ngọc vào ghế Bí thư Thành ủy Hà Nội, để từ đó vào Bộ Chính trị. Ông đã đưa ông Trần Lưu Quang vào ghế Trưởng ban Kinh tế Trung ương, để từ đó vào Bộ Chính trị.
Tuy nhiên, việc Tô Lâm đưa Trần Lưu Quang vào bệ phóng, mà bỏ quên Nguyễn Thanh Nghị, đã khiến ông Ba Dũng không hài lòng. Mà ông Tô Lâm thì khó phớt lờ lời đề nghị của cựu Thủ tướng, bởi Ba Dũng là người có uy tín, có khả năng “quy tụ quần hùng” đối với cánh miền Nam.
Sau khi ông Dũng “ra uy” ở bữa tiệc sinh nhật rầm rộ, ông Tô Lâm cũng cả nể và chấp nhận sắp xếp cho ông Nghị vào bệ phóng.
Nguồn tin nội bộ cho thoibao.de biết, ông Tô Lâm đang muốn lấy chức Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh, để giao cho Nguyễn Thanh Nghị. Nếu thành công, bệ phóng này có khả năng đẩy được ông Nghị vào Bộ Chính trị, trong thời gian sớm nhất.
Tham vọng đưa Nguyễn Thanh Nghị vào Bộ Chính trị trước Đại hội 14, của Ba Dũng, là bài toán rất khó cho Tô Lâm. Do đó, nếu ông Nghị muốn vào Bộ Chính trị trước Đại hội 14, thì phải đích thân đấu với ông Trần Lưu Quang, để tranh suất tại một Hội nghị Trung ương bất thường nào đó trong năm 2025.
Như vậy, ông Ba Dũng đã làm hết sức. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu thì ông Nghị cần phải thể hiện bản lĩnh chiến đấu trên đấu trường sinh tử này, sau khi vào được ghế Phó Bí thư Thường trực Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh.
Sức chiến đấu của ông Nghị như thế nào, đang là một câu hỏi bỏ ngỏ. Có ý kiến cho rằng, khả năng tự xoay xở của ông Nghị không bằng ông Trần Lưu Quang. Ông Nghị vẫn bị coi là “công tử bột”, hơn là “chiến binh”.
Nếu vào được Bộ Chính trị trước Đại hội 14, thì lợi thế sẽ tốt hơn nhiều, bởi lúc đó, ông Nghị có thể yên tâm để giành vị trí “ngon” trong Bộ Chính trị. Nếu đợi đến Đại hội 14, thì ông chỉ có thể nỗ lực đến kiếm ghế, chứ khó có thể “giành ăn” trong Bộ Chính trị.
Nguyễn Thanh Nghị đã có 3 nhiệm kỳ là Ủy viên Trung ương Đảng, thời gian đã quá dài. Trong khi, Lương Tam Quang vào cả Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, ngay trong một nhiệm kỳ. Đây có thể xem là cơ hội tốt nhất của ông.
Nếu ông Nghị không đủ sức để chiến đấu, thì tương lai của ông sẽ rất mù mịt. Không vào được Bộ Chính trị, thì đấy là thất bại lớn đối với Nguyễn Thanh Nghị.
Thái Hà – Thoibao.de