Thêm một nhà cải cách công đoàn bị bắt

Ngày 21/5, BBC Tiếng Việt cho hay, “Việt Nam bắt thêm một nhà cải cách công đoàn, ông Vũ Minh Tiến?”

BBC dẫn tuyên bố của Dự án 88 – một tổ chức phi chính phủ hoạt động về nhân quyền cho Việt Nam – cho hay: Công an Hà Nội đã bắt giữ ông Vũ Minh Tiến – Trưởng phòng Chính sách, Pháp luật của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, kiêm Giám đốc Viện Công nhân và Công đoàn.

Trong khi đó, theo BBC, Công an Việt Nam chưa công bố việc bắt giữ cũng như cáo buộc với ông Tiến.

Hôm 20/5, một nguồn tin tiết lộ cho Dự án 88, ông Tiến đang bị Cơ quan An ninh điều tra Công an Hà Nội tạm giam theo Điều 337 Bộ luật Hình sự, về tội “cố ý làm lộ bí mật nhà nước, chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước”. Tội danh này có khung hình phạt từ 2 tới 15 năm tù.

BBC cho biết, vụ “mất tích” của ông Tiến khá giống với trường hợp của ông Nguyễn Văn Bình – Vụ trưởng Vụ pháp chế của Bộ Lao động.

Trên trang YouTube được cho là của ông Tiến, có một số video đăng cách đây 3 năm, trong đó có các nội dung như “Các hành vi không công bằng trong lao động”, “Người lao động làm gì khi quyền lợi bị xâm phạm”.

BBC đặt nghi vấn: Phải chăng, có một “Làn sóng đàn áp mới nhằm vào các nhà cải cách” công đoàn?

Theo BBC, cả ông Tiến và ông Bình đều đang dẫn đầu các nỗ lực đưa luật về lao động của Việt Nam phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Trong vai trò của mình tại Tổng Liên đoàn Lao động, ông Tiến được giao nhiệm vụ sửa đổi Luật Công đoàn, dự kiến được Quốc hội ký thành luật vào cuối năm nay.

Trong khi đó, trước thời điểm bị bắt, ông Bình đang dẫn đầu nỗ lực đưa Công ước 87 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) trình Quốc hội.

Công ước này nếu được thông qua, sẽ đảm bảo cho người lao động Việt Nam quyền thành lập công đoàn độc lập mà không cần sự cho phép trước – điều mà chính phủ Việt Nam không muốn.

BBC cũng cho biết, Viện Công nhân và Công đoàn, nơi ông Tiến làm Giám đốc, là cơ quan tiến hành nghiên cứu các vấn đề lao động và cung cấp tư vấn chính sách cho Chính phủ Việt Nam.

Viện này cũng là thành viên của Nhóm Tư vấn Trong nước (DAG) của Việt Nam – Nhóm có nhiệm vụ giám sát việc tuân thủ các cam kết lao động và bền vững của Chính phủ, theo Hiệp định Thương mại Tự do EVFTA.

Vẫn theo BBC, gần đây, một liên minh các nhóm xã hội dân sự Việt Nam đã đệ đơn khiếu nại lên EU, với cáo buộc Hà Nội vi phạm quyền của người lao động.

Sau đó, vào tháng 4/2024, Việt Nam đã bắt giữ ông Nguyễn Văn Bình – người đang thúc đẩy Chính phủ phê chuẩn Công ước 87 của ILO.

Giờ đây, việc bắt giữ Vũ Minh Tiến, đồng nghĩa Giám đốc một tổ chức có đại diện tại DAG của Việt Nam cũng bị bắt.

“Bất chấp thành tích tồi tệ này, EU vẫn chưa thực hiện bất kỳ biện pháp cụ thể nào để trừng phạt Việt Nam vì vi phạm các điều khoản của hiệp định,” Dự án 88 cho hay.

BBC cho biết thêm, vào tháng 11/2023, Viện Công nhân và Công đoàn báo cáo rằng, tại cuộc họp song phương giữa DAG của EU và DAG của Việt Nam, các tổ chức xã hội dân sự châu Âu đã chỉ trích việc Chính phủ Việt Nam vi phạm nhân quyền, bao gồm cả việc bắt giữ các nhà hoạt động và việc không đảm bảo quyền tham gia của người lao động, trong các hoạt động thương lượng tập thể.

“Có thể, quan chức Viện Công nhân và Công đoàn đã chia sẻ thông tin với EU DAG, và điều này được lấy làm cớ để bắt ông Tiến”, Dự án 88 nhận định.

Ông Ben Swanton, đồng Giám đốc của Dự án 88, nói: “Những vụ bắt giữ này là một ví dụ nữa về sự thất bại của các tổ chức quốc tế, trong việc lên tiếng vì những nhà cải cách mà họ rất muốn bảo vệ, cho đến khi những người này phải vào tù”.

Hoàng Anh – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023