Ai sẽ thay Bộ trưởng Công an, khi Tô Đại nhậm chức Chủ tịch nước?

Việt Nam là một quốc gia lạ kỳ, không giống như bất cứ quốc gia nào trên thế giới, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến chính trị.

Hiến pháp Việt Nam khẳng định, “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân”. Nhưng, người dân hoàn toàn không có quyền tham gia cũng như giám sát quyền lực nhà nước.

Tới mức, diễn biến hoạt động của các cơ quan Đảng, nhà nước, từ Trung ương tới địa phương, truyền thông nhà nước cũng chỉ đưa thông tin một chiều, theo hướng có lợi cho họ. Ngược lại, những thông tin được cho là bất lợi cho chính quyền, thì họ dấu kín như bưng.

Đó là lý do vì sao, trong cuộc chiến “vương quyền” ở thượng tầng hiện nay, nhân dân – những chủ thể của quyền lực nhà nước, lại chỉ biết “hóng” các tin đồn trên mạng xã hội.

Nay, tin đồn liên quan đến việc Bộ trưởng Công an Tô Lâm sẽ giữ chức Chủ tịch nước, đã trở thành sự thật, khi Hội nghị Trung ương 9 khóa 13 khép lại.

Bộ trưởng Tô Lâm từng là cánh tay phải đắc lực, hỗ trợ cho Tổng Trọng, kể từ sau Đại hội 12 của Đảng. Tuy nhiên, gần đây, có những biểu hiện được cho là, Tô Lâm và lãnh đạo Bộ Công an đã “nổi loạn”, lợi dụng chủ trương chống tham nhũng không có vùng cấm, không có người ngoại lệ, theo chỉ đạo của Tổng Bí thư.

Cụ thể, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, 3/5 nhân vật lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng đã bị đốn hạ liên tục. Đó là, ông Võ Văn Thưởng – Chủ tịch nước; ông Vương Đình Huệ – Chủ tịch Quốc hội; và bà Trương Thị Mai – Thường trực Ban Bí thư, kiêm Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Đáng chú ý, 3 nhân vật kể trên đều là những lãnh đạo thân cận của Tổng Trọng.

Việc Tô Lâm có tham vọng trở thành ông “trùm” của Đảng – tức là Tổng Bí thư, sau khi Tổng Trọng rút lui, là điều có thật, không phải bàn cãi.

Đó là lý do tại sao, việc Bộ Công an hạ bệ dồn dập các nhân vật Thưởng, Huệ và Mai – 3 ứng viên cho cuộc đua vào ghế Tổng Bí thư của Đại hội 14, được đánh giá là những cú “ngáng chân” có chủ ý.

Thậm chí, có những cáo buộc “nghiêm trọng” hơn, khi cho rằng, Tổng Trọng và phe cánh của ông ta chỉ cần lỡ, hay chậm một nhịp, thì ông Trọng rất có thể sẽ bị Tô Lâm truất phế.

Đó cũng là lý do vì sao, trước khi Hội nghị Trung ương 9 khai mạc ít ngày, trên mạng xã hội đã loan tải tin:“tại một cuộc họp của Bộ Chính trị, đa số các uỷ viên Bộ Chính trị đã thống nhất, gây sức “ép”, buộc Tô Lâm phải ngồi vào ghế Chủ tịch nước”. Mục đích là để kiềm chế sự “nổi loạn” của ông.

Dù rằng, việc ông Tô Lâm bắt buộc phải ngồi vào ghế “Tứ trụ”, để có tên trong “danh sách nhân sự chủ chốt” của Đại hội 14, để đi tiếp. Nếu không, ông sẽ phải về hưu ở tuổi 66, sau khi kết thúc Đại hội 13.

Theo phân tích của một số người, Tô Lâm đã trúng kế “điệu hổ ly sơn” của ông Tổng, để đưa hổ về đồng bằng, rồi bẻ nanh vuốt. Bằng cách cách ly và nhốt quyền bính của Tô Lâm trong chiếc lồng quyền lực, thông qua việc tân Bộ trưởng Công an sẽ không phải là người của ông Tô Lâm.

Việc 2 Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công An, là Lương Tam Quang và Nguyễn Duy Ngọc – đồng hương của Tô Lâm, không có tên trong danh sách bầu bổ sung vào Bộ Chính trị, đã khiến xuất hiện những đồn đoán cho rằng, ông Quang sẽ là tân Bộ trưởng Công an kế nhiệm Tô Lâm, đã hoàn toàn hết hy vọng.

Hai ông Quang và Ngọc đều chưa đủ 1 nhiệm kỳ 5 năm, trên cương vị uỷ viên Trung ương, nên không thuộc danh sách được xét chọn.

Có ý kiến cho rằng, sau khi Tô Lâm bị buộc phải nhận chiếc ghế Chủ tịch nước đầy rủi ro, ông Trọng và phe cánh còn muốn giành lại ghế Bộ trưởng Công an cho Trưởng ban Nội chính Phan Đình Trạc. Nếu kịch bản như vậy xảy ra, thì có lẽ, đây là quyết định kết liễu sự nghiệp chính trị đầy quyền lực của Tô Lâm.

Bởi ông Trạc vốn là kẻ “không đội trời chung” với Tô Lâm. Và chắc chắn, ông Trạc sẽ phải ra tay đòi bằng được “món nợ” của ông Vương Đình Huệ, mà Tô Lâm là kẻ trực tiếp gây ra. Nếu là vậy, cuộc chiến nội bộ giữa các phe phái trong Đảng, sẽ không thể chấm dứt.

Đó cũng lý do vì sao, có những ý kiến cho rằng, phương án ghế Bộ trưởng Công an nên để Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú nắm. Đây là phương án dung hòa, mà các bên có thể chấp nhận được, vì quan hệ giữa ông Tô Lâm và ông Trần Cẩm Tú tương đối “nồng ấm”.

Dẫu rằng, ông Tô Lâm được ví như một con hổ dữ nay đã bị trói chặt, đã hết khả năng cựa quậy. Nhưng ông Trọng cũng không muốn “truy cùng diệt tận” kẻ phản trắc – người đã từng một thời giúp đỡ Tổng Bí thư trong nhiều công việc lớn.

Do vậy, phương án Bộ trưởng Bộ Công an có tên Trần Cẩm Tú, sẽ là một phương án khả dĩ./.

 

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023