Có thể, Tô Đại sẽ chỉ ngự ghế Chủ tịch nước tính bằng tháng, vì sao?

Sự bất ổn của hệ thống chính trị Việt Nam đã khiến cho các quốc gia phương Tây lo ngại, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này sẽ ảnh hưởng sâu rộng tới nền kinh tế quốc gia.

Do không thể kéo dài tình trạng 2 ghế Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội bị bỏ trống, nên Hội nghị Trung ương 9 đã khai mạc sáng 16/5, để giải quyết vấn đề này.

Tại kỳ Hội nghị này, Tô Lâm là tâm điểm sự chú ý của công luận, khi có luồng dư luận khẳng định, khả năng cao, ông Tô Lam phải rời khỏi chiếc ghế đầy quyền lực – Bộ trưởng Bộ Công an, để nhận nhiệm vụ mới – trở thành tân Chủ Tịch nước, một chiếc ghế có tiếng là thuộc “Tứ trụ”, nhưng thực chất không có mấy quyền uy.

Nghĩa là, về hình thức, chức vụ của Tô Lâm đi lên, nhưng về quyền bính thì lại đi xuống, nhất là trong trường hợp ông không còn kiểm soát được Bộ Công an – nơi ông đã ngồi 2 nhiệm kỳ trên ghế Bộ trưởng, với hệ thống chân rết nhằng nhịt, và toàn những tay chân thân tín.

Việc Tô Lâm phải nhận chức Chủ tịch nước là điều bắt buộc, vì ông đã giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an được 2 nhiệm kỳ, ông không thể tiếp tục thêm một nhiệm kỳ nữa vì quá tuổi về hưu theo quy định. Nếu Tô Lâm không lọt vào một trong các ghế “Tứ trụ,” thì nghiễm nhiên, ông sẽ phải về hưu vào năm 2026.

Chỉ trước đây không lâu, công luận vẫn tin rằng, với quyền lực vô song, vì có thể đánh gục 2 nhân vật “Tứ trụ” – những người có khả năng kế nhiệm Tổng Trọng, Tô Lâm không còn lực cản khi tiến tới giành chiếc ghế đỉnh cao quyền lực.

Đà tiến công thần tốc vũ bão, đã khiến cho cả hệ thống lãnh đạo cấp cao thuộc tất cả các phe cánh khác nhau trong Đảng sợ hãi, và chỉ biết im lặng chờ đến lượt bị Bộ Công an gọi tên. Đến mức, ngay cả Thường trực Ban Bí thư kiêm Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai, cũng phải chủ động xin nghỉ, để tránh tai bay vạ gió như Thưởng và Huệ.

Thế nhưng, Tô Lâm chỉ thực sự có quyền lực và an toàn khi ngồi ghế Chủ tịch nước, với điều kiện bắt buộc là phải kiểm soát được Bộ Công an. Điều này đồng nghĩa, tân Bộ trưởng Bộ Công an phải là một trong hai đệ tử Hưng Yên của Tô Lâm – Lương Tam Quang hoặc Nguyễn Duy Ngọc. Nhưng trớ trêu thay, cả 2 tướng Quang và Ngọc đều chưa đủ một nhiệm kỳ làm uỷ viên Trung ương Đảng, nên không đủ điều kiện để lọt vào Bộ Chính trị.

Tuy nhiên, theo tin rò rỉ, Thứ trưởng – Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, có thể sẽ được cơ cấu vào ghế Chánh Văn phòng Trung ương Đảng. Đồng thời, Tướng Ngọc còn được bầu bổ sung vào Ban Bí thư – một cơ quan giúp việc đắc lực cho Bộ Chính trị và Tổng Trọng. Điều đó chứng tỏ, Tướng Nguyễn Duy Ngọc được phe Đảng của ông Trọng tin dùng hơn Tướng Quang.

Điều này liệu có liên quan gì đến các đồn đoán cách đây chưa lâu, khi giới thạo tin cho rằng, dù là đồng hương Hưng Yên, nhưng Nguyễn Duy Ngọc vẫn có tâm địa phản trắc đối với Tô Lâm. Tướng Ngọc trong tư cách là Thứ trưởng, kiêm Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát Điều tra của Bộ Công an, đã ngấm ngầm bắt tay với Phan Đình Trạc – Trưởng ban Nội chính Trung ương – một cánh tay đắc lực của Tổng Trọng.

Từ lâu đã có những đồn đoán cho rằng, ông Trọng có ý định để Phan Đình Trạc thay thế Tô Lâm, tiếp thu chiếc ghế Bộ trưởng Bộ Công an. Rõ ràng, những đồn đoán đó đến nay có thể trở thành sự thật.

Việc ông Tô Lâm nhanh chóng và bất ngờ hạ bệ Vương Đình Huệ, là mầm mống tai hoạ cho Tô Lâm. Bởi việc hạ bệ diễn ra chỉ 10 ngày, sau khi ông Huệ kết thúc chuyến thăm Bắc Kinh – một chuyến đi đặc biêt quan trọng. Theo giới thạo tin, chuyến thăm của ông Huệ, là dịp mà Đảng Cộng sản Việt Nam và Tổng Trọng muốn ngầm giới thiệu với Trung Nam Hải, một nhân vật sẽ trở thành Tổng Bí thư trong tương lai. Ấy vậy mà, chỉ 1 tuần sau khi Huệ Vương về nước, tình hình đã đảo lộn đến mức khó tin.

Do đó, một số người cho rằng, với tình thế “tứ bề thọ địch”, khả năng cao, Tô Lâm sẽ không còn đường sống. Họ Tập và Tổng Trọng dứt khoát sẽ phải ra tay xử lý, tính sổ với Tô Lâm, là việc không thể đảo ngược.

Mới đây, cũng theo tin rò rỉ, đa số trong tập thể Bộ Chính trị đã “ép” Tô Lâm phải ngồi vào ghế Chủ tịch nước, đồng thời chặt đứt sự kiểm soát của Tô Lâm đối với Bộ Công an. Đây là kế hoạch nhốt Tô Lâm vào trong chiếc “lồng quyền lực” của Tổng Trọng, với mục đích vô hiệu hóa và tiến tới triệt tiêu mầm mống phản loạn mang tên Tô Lâm.

Một kế hoạch không thể có phương án khác hoàn chỉnh hơn.

Chúng ta hãy chờ xem./.

 

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023