Khi Trung Quốc không còn là mối nguy cho thế giới, thì ngày cáo chung của chế độ sẽ đến

Khi ‘rõ ràng, sòng phẳng, … , sợ gì’ là chủ trương đối ngoại của chế độ

Ngày 1/3, diễn đàn của VOA Tiếng Việt có bài “Khi “rõ ràng, sòng phẳng,… sợ gì” là chủ trương đối ngoại của chế độ”.

Tác giả cho rằng, người Việt sẽ dễ dàng bật cười khi nghe phát biểu tự tán dương của ông Nguyễn Phú Trọng về hiện tình đất nước, như “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Nhưng thật ra, một phần trong lời tán dương ấy là có cơ sở, bởi những ứng xử đầy tính quả quyết, thậm chí ngạo mạn đến mức thiếu nghiêm túc của chế độ đối với cộng đồng quốc tế, cho thấy điều ấy.

Tác giả nhắc lại một sự việc mà ông được nghe kể, đó là, trong một buổi trao đổi công việc giữa giới ngoại giao quốc tế và Hà Nội, ngay khi vừa nghe nhắc đến vấn đề tù nhân chính trị, thì người đại diện phía Việt Nam đã cắt ngang và cho rằng: Chủ đề này sẽ chẳng giải quyết được gì, vui lòng không đề cập đến nữa.

Cũng như việc, Hà Nội cam kết 8 điểm với Liên Hiệp Quốc, vào cuối tháng 12/2023, rằng, họ sẽ “cải thiện hồ sơ nhân quyền và một số lĩnh vực khác vào cuối năm 2099, tức là 76 năm nữa?!

Những điều này cho thấy thái độ ngạo mạn, thiếu nghiêm túc của chế độ đối với cộng đồng quốc tế.

Tác giả đánh giá, mặc cho sự ứng xử của Việt Nam như thế nào đi nữa, nhưng chính quyền Hoa Kỳ và các đồng minh của họ vẫn một mực giữ thái độ hết sức vuốt ve đối với Hà Nội, thông qua một loạt hoạt động đối ngoại trong năm 2023.

Tác giả nêu thắc mắc: Tại sao, Việt Nam – một đất nước nghèo nàn, tụt hậu so với thế giới về mọi mặt, không hề chia sẻ những giá trị chung, mang tính phổ quát với thế giới văn minh, thậm chí trái lại, còn là một quốc gia độc tài, phản dân chủ, đàn áp nhân quyền… lại được ưu ái trong mối bang giao với các cường quốc phương Tây như vậy?

Câu trả lời không quá bí hiểm, tất cả chỉ gói gọn trong một lý do: Vì vị thế địa chính trị của Việt Nam quan trọng trong thế cờ bao vây Trung Quốc của Hoa Kỳ và đồng minh.

Tác giả phân tích, sự “trỗi dậy” của Trung Quốc trở thành mối nghi ngại cho hoà bình thế giới, khiến Hoa Kỳ phải “xoay trục châu Á”, bắt đầu từ nhiệm kỳ của Tổng thống Obama, bao hàm chiến lược bao vây, khống chế Trung Quốc.

Giả sử, khi xảy ra một cuộc chiến giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ và đồng minh, thì vô hình trung, Việt Nam trở thành một tiền đồn án ngữ, ngăn chặn quân đội Trung Quốc tràn xuống phía nam bằng đường bộ. Về phía đông, nhờ sở hữu ven biển kéo dài, cho nên, không cần phải đưa tàu chiến ra biển, thì Việt Nam vẫn có khả năng khống chế toàn bộ khu vực biển Đông.

Thế nên, tác giả nhận định, giữ cho Việt Nam không trở thành đồng minh của Trung Quốc, hoặc ít nhất, không quá ngả về phía Trung Quốc một khi xảy ra trận chiến, là giải pháp mang tính chất quyết định của bàn cờ thế bao vây Trung Quốc. Làm được điều đó, không có cách gì hay hơn là đành phải ve vãn chính quyền Cộng sản Việt Nam, dù biết rõ, tình trạng đàn áp nhân quyền của chính quyền Cộng sản hiện tại là không thể chấp nhận.

Tác giả kết luận, các thành tựu ngoại giao mà chính quyền Cộng sản đang tự tán dương, hoàn toàn xuất phát từ vị thế địa chính trị của Việt Nam mà thôi, và nguồn gốc của địa chính trị Việt Nam là di sản, là thành quả mở mang bờ cõi của tiền nhân để lại. Chúng không phải là công trạng gì của Đảng Cộng sản như ông Nguyễn Phú Trọng đang cố ra sức tán dương.

Thế nhưng, tác giả tiếp tục phân tích, những thoả thuận khi ký kết chỉ đang tồn tại ở dạng những lời hứa hẹn đẹp mắt, bùi tai, mà không thực chất. Vì không mấy ai tin vào sự thành thật của chính quyền Cộng sản Việt Nam, khi luôn chứng kiến mối bang giao thâm tình, nồng ấm trong quan hệ Việt – Trung. Thế nên, mối nghi ngại về việc chính quyền Cộng sản Việt Nam đóng vai con ngựa thành Troa là khả năng có thật.

Mặt khác, theo tác giả, sự ưu ái mà Hoa Kỳ và đồng minh dành cho chính quyền Cộng sản Việt Nam chỉ có tính giai đoạn. Một khi vấn đề Trung Quốc được giải quyết, chiến lược bao vây Trung Quốc không còn cần thiết nữa, thì mặc nhiên, sự ưu ái đó sẽ chấm dứt. Khi đó, sự cáo chung của chế độ độc tài là lẽ đương nhiên.

Vấn đề còn lại, tác giả dự đoán, sự cáo chung ấy đánh dấu bằng biện pháp hòa bình hoặc đổ máu, là hoàn toàn tùy thuộc vào tương quan lực lượng giữa các bên và phản ứng của chế độ Cộng sản vào thời điểm ấy.

 

Minh Vũ – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023