Vì sao Tổng thống Đức tới Hà Nội, Tô Đại bị đuổi sang Cam!

Ngày 27/1, BBC Tiếng Việt đăng bài bình luận “Ngoại giao Đức: Thương mại, nhân quyền và chuyển đổi năng lượng công bằng” của tác giả Thục Quyên.

Theo tác giả, chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier là minh họa sống động cho đường lối ngoại giao của nền kinh tế số một EU.

Tác giả nhận xét, sự chú ý hợp tác ngày càng tăng với các nước Đông Á và cuộc chiến Ukraine có liên quan nhiều đến nhau. Đức đã quay lưng với Nga và đang cố cách xa Trung Quốc, nên muốn hợp tác nhiều hơn với các nước láng giềng của Trung Quốc – chẳng hạn Việt Nam.

Tác giả cho rằng, trong chiều hướng đó, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier cùng phái đoàn kinh doanh đến thăm Việt Nam và Thái Lan, với trọng tâm là thúc đẩy hợp tác kinh tế.

Tác giả đề cập đến cộng đồng người Việt tại Đức. Theo đó, từ thập niên 1950 đến thời điểm Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, hàng ngàn sinh viên và 60.000 người lao động Việt Nam đã tới Cộng hoà Dân chủ Đức, tức Đông Đức. Sau chiến tranh Việt Nam, khoảng 40.000 thuyền nhân tị nạn Cộng sản đã đến Cộng hòa Liên bang Đức, tức Tây Đức. Mối quan hệ Việt – Đức có sự đóng góp đáng kể của cộng đồng này.

Tác giả dẫn Văn phòng Thống kê Liên bang Đức, năm 2022, có khoảng 207.000 người gốc Việt sống tại Đức.

Tác giả dẫn đánh giá của truyền thông Đức, nguyên nhân thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa Đức và Việt Nam, một trong những quốc gia Cộng sản cuối cùng, là việc thiếu lao động có tay nghề tại Đức, hiện lên khoảng 2 triệu người.

Tác giả cho biết, Cộng hòa Liên bang Đức và Việt Nam đã được liên kết trong mối quan hệ “đối tác chiến lược” kể từ năm 2011. Tuy nhiên, cuối năm 2017, mối quan hệ đối tác này đã bị đình trệ, liên quan đến sự việc ông Trịnh Xuân Thanh biến mất tại Berlin.

Sau vụ bắt cóc này, các dự án hợp tác kinh tế vẫn được tiếp tục nhưng không có dự án mới nào được khởi động. Đại diện Chính phủ Đức chỉ hội đàm ở cấp chuyên viên và các nhà ngoại giao Việt Nam bị loại khỏi danh sách mời của Bộ Ngoại giao. Hiệp định thương mại tự do của EU với Việt Nam khi đó chưa được phê chuẩn cũng bị đình trệ một thời gian.

Vẫn theo tác giả, cuối năm 2018, Đức giảm bớt áp lực và sau nhiều thương lượng ở hậu trường, do Đức muốn khôi phục và thúc đẩy trở lại hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, và do lợi ích về chính sách an ninh, khi Việt Nam là láng giềng của Trung Quốc.

Tháng 11/2022, Thủ tướng Olaf Scholz đã có mặt tại Hà Nội để bắt đầu vực lại mối quan hệ giữa hai nước.

Tác giả đánh giá, chuyến thăm 2 ngày của Tổng thống Steinmeier được truyền thông Việt Nam đồng loạt hân hoan đưa tin là đạt kết quả mỹ mãn.

Tuy nhiên, có những nhắn nhủ quan trọng của vị khách châu Âu đã bị truyền thông nước chủ nhà lờ đi.

Tác giả cho hay, trong bài nói chuyện tại Đại học Việt Đức (Bình Dương), Tổng thống Đức đã nhắc đến nhiều chủ đề, mà theo ông, là đóng một vai trò quan trọng trong cuộc thảo luận ngày hôm trước của ông tại Hà Nội, với giới lãnh đạo Việt Nam. Đó là các vấn đề tự do báo chí, tự do ngôn luận, chuyển đổi năng lượng công bằng.

Về chuyển đổi năng lượng công bằng, tác giả cho biết, Tổng thống Steinmeier hứa sẽ hỗ trợ song phương Việt Nam. Ông nhấn mạnh đến việc tuân thủ các quy tắc chung, đồng thời nói rằng, chính sách bảo mật là tiêu chuẩn cho một mối quan hệ hợp tác đáng tin cậy và tin tưởng lẫn nhau.

Tác giả cho biết thêm, trong cuộc tiếp kiến, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã đề nghị Đức hỗ trợ việc phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. Đề nghị của ông Thưởng được đưa ra trong bối cảnh hiệp định này đặc biệt tùy thuộc vào sự lên tiếng của các tổ chức phi chính phủ, về tình trạng nhân quyền “u ám” năm 2023 tại Việt Nam, mới nhất là sự phản đối của Liên minh Bảo vệ Khí hậu về việc bắt giữ luật sư môi trường Đặng Đình Bách.

 

Minh Vũ – thoibao.de

27.1.2024

Kasse animation 7.8.2023