Khủng hoảng của VietJet Air lúc này, liên quan gì đến Tướng Nguyễn Chí Vịnh?

Việt Nam trong những năm vừa qua là một trong những thị trường hàng không phát triển nhanh nhất thế giới. Hàng trăm máy bay đã được đặt mua, và ngành hàng không chiếm khoảng 5% GDP cả nước.

Hiện tại, ở Việt Nam, ngoài hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam – Vietnam Airlines – là hãng hàng không của nhà nước, chiếm thị phần lớn trong vận chuyển khách quốc tế và thị phần khách nội địa, khoảng hơn 36%. Ngoài ra, còn có các hãng hàng không tư nhân cùng tham gia kinh doanh, như Vietjet Air, Jetstar Pacific, Bamboo Airways…

Ngày 26/10, mạng xã hội Việt Nam xôn xao, khi bản tin với tiêu đề, “4 máy bay bất ngờ vướng tranh chấp, VietJet đề nghị được bảo vệ pháp lý” của báo Thanh Niên online, đột ngột bị gỡ sau vài giờ đăng tải.

Cho đến thời điểm hiện tại, nếu theo đường link cũ khi bấm vào, thì bản tin không còn truy cập được và hiện lỗi 404, với thông báo “không tồn tại”.

Được biết, kể từ tháng 4/2023, truyền thông quốc tế và Việt Nam đã có các bản tin, bài bình luận liên quan đến vụ tranh chấp về quyền thu hồi 4 máy bay của hãng VietJet Air. Do hãng hàng không này bị bên cho thuê máy bay của Airbus và Boeing cáo buộc vi phạm các thỏa thuận, trong việc thanh toán tiền thuê.

Liên quan sự việc, hãng tin Reuters ngày 6/4 đã đưa tin: “Việt Nam bị đặt vào danh sách theo dõi sau vụ tranh chấp thu hồi máy bay có tên VietJet”, liên quan đến vụ việc này.

Reuters cho hay, “Việt Nam bị một tổ chức phi chính phủ chuyên theo dõi luật tài chính thay mặt cho các nhà sản xuất máy bay và bên cho thuê đưa vào danh sách theo dõi, sau một vụ tranh chấp thu hồi máy bay gần đây.”

Vẫn theo Reuters, Nhóm Công tác Hàng không vừa kể không cho biết tên cụ thể hãng hàng không nào liên quan đến vụ việc, nhưng một phiên bản cập nhật về cảnh báo trên mạng của tổ chức này, có đường link dẫn đến tệp tin có tên “Cập nhật số 1 về VietJet”.

Được biết, hãng VietJet Air là một hãng hàng không tư nhân của Việt Nam và là một trong những hãng hàng không giá rẻ lớn nhất ở châu Á.

Theo Reuters tiết lộ, tính đến thời điểm đầu năm 2023, VietJet đang sử dụng các máy bay của hãng Airbus và đã đặt hàng tổng cộng 186 chiếc, bao gồm cả 114 chiếc A320 neo chưa được bàn giao. Ngoài ra, hãng Vietjet cũng đặt mua 200 chiếc Boeing 737 Max.

Nhóm Công tác Hàng không (AWG) đã xác nhận với Reuters rằng, họ đã đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi, sau khi một tòa án ở Hà Nội ngăn chặn những nỗ lực tịch thu máy bay của VietJet Air. Theo đó, thoạt đầu cơ quan quản lý của Việt Nam đã đồng ý trả lại 4 chiếc máy bay mà VietJet Air thuê. Nhưng sau đó, vào tháng 2/2023, một tòa án ở Hà Nội đã hủy bỏ quyết định đó, sau khi có một vụ kiện từ một trong những cổ đông của hãng hàng không VietJet.

AWG cũng cho biết, vào tháng 11/2022, bên cho thuê đã tiến hành yêu cầu thủ tục tố tụng, và đến tháng 1/2023, họ đã  nhận được lệnh của tòa án ở Anh Quốc hỗ trợ, cho phép tòa án có thẩm quyền phán quyết đối với hợp đồng cho VietJet thuê máy bay.

Theo một hiệp ước có tên Công ước Cape Town (CTC) mà Việt Nam là thành viên, Hiệp ước cho phép việc bỏ đăng ký hoặc xóa khỏi sổ đăng ký máy bay tại nước sở tại, trong trường hợp có yêu cầu hợp pháp từ bên cho thuê, và đưa máy bay vào đăng ký quốc tế, cho phép hãng chủ được phép đưa máy bay đó đi.

Trong bài viết, “Bà chủ thực sự của hãng hàng không VietJet là ai?” của trang tin Điện tử của Hội Sở hữu trí tuệ, ngày 30/1/2018, cho biết:

“… ít ai biết, trong dàn lãnh đạo của hãng bay này, còn có một “nữ tướng” đóng vai trò quan trọng nhất, đó là bà Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Hội đồng Quản trị VietJet Air. Bà Hà chính là “nữ tướng” đứng đầu hãng hàng không tư nhân lớn nhất Việt Nam. Bà Hà là con gái thứ 2 của cố Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, bà Hà là chị gái của Tướng Nguyễn Chí Vịnh.”

Câu hỏi mà công luận đặt ra là, khủng hoảng của hãng VietJet Air, có liên quan gì tới sự qua đời đột ngột của Tướng Nguyễn Chí Vịnh, người từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đặc trách công tác đối ngoại hay không?./.

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023