Ngày 6/10, một hãng tin quốc tế cho hay, “Việt Nam và Trung Quốc chuẩn bị cho chuyến thăm Hà Nội của ông Tập Cận Bình vào tháng tới”. Đây là một thông tin không bất ngờ, vì trước chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden, đã có những đồn đoán.
Theo hãng tin quốc tế này, các quan chức Việt Nam và Trung Quốc đang chuẩn bị cho chuyến thăm có thể có, của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Hà Nội, vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11 tới đây. Nhưng cũng có ý kiến cho biết, chuyến thăm này vẫn chưa được thông báo, vẫn có thể bị hủy hoặc hoãn lại, tuy nhiên, các công tác hậu cần đã được xúc tiến.
Trong cuộc họp báo hôm 5/10 tại Hà Nội, khi được hỏi về chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Hà Nội, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nói: “Tất cả các hoạt động ngoại giao quan trọng của Việt Nam sẽ được thông báo cho các bạn khi thích hợp”. Nghĩa là, phía Việt nam cũng chưa chắc chắn và không mấy mặn mà với chuyến thăm này.
Được biết, Trung Quốc đã cử một đoàn công tác đến thủ đô Hà Nội, để chuẩn bị chỗ ăn, ở cho phái đoàn của ông Tập Cận Bình. Cụ thể, nhóm công tác của Trung Quốc đang sắp xếp để đặt 800 phòng tại các khách sạn ở Hà Nội. Con số đó đã cho thấy tầm mức và quy mô hùng hậu chuyến thăm cấp nhà nước, của Ban lãnh đạo Bắc Kinh lần này.
Tin cũng cho biết, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cũng có kế hoạch tới thăm Hà Nội vào giữa tháng 10 tới đây, để hoàn thiện tuyên bố chung giữa hai nước.
Vấn đề là, chuyến thăm sắp tới của ông Tập Cận Bình đến Hà Nội, sẽ trùng với kỳ họp của Quốc hội Việt Nam khóa 15. Không biết ông Tập có phát biểu tại kỳ họp này hay không.
Trước đó, ông Tập Cận Bình đã từng phát biểu tại kỳ họp Quốc hội Việt Nam, trong chuyến thăm Hà Nội năm 2015. Việc này sẽ đánh giá đúng và đầy đủ về thực chất mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Chuyến thăm Việt Nam lần này của ông Tập Cận Bình, diễn ra trong bối cảnh, Việt Nam vừa nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ vào trung tuần tháng 9 vừa qua, một mối quan hệ ngang hàng với Bắc Kinh. Điều này khiến cho lãnh đạo Trung Nam Hải rất không hài lòng. Trong lúc hiện nay, Bắc Kinh và Hà Nội đang có vấn đề tranh chấp liên quan đến hồ sơ Biển Đông.
Trong quá khứ, giữa Trung Quốc với Việt Nam có những vấn đề bất đồng, mà đỉnh điểm là cuộc Chiến tranh Biên giới phía Bắc, diễn ra vào đầu năm 1979. Cho đến Hội nghị Thành Đô năm 1990, trong bối cảnh hệ thống các nước Xã hội Chủ nghĩa tan rã ở Đông Âu, lãnh đạo Việt Nam buộc phải thúc thủ trước Trung Quốc. Kể từ đó cho đến nay, về mặt chính trị, Bắc Kinh luôn chủ động “áp đặt luật chơi” đối với lãnh đạo Việt Nam.
Nhận xét về chuyến thăm sắp tới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, một cựu lãnh đạo báo chí Việt Nam nay đã nghỉ hưu, từ Hà Nội, nói với thoibao.de với điều kiện ẩn danh, cho biết:
“Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ ý muốn áp đảo đối với Việt Nam ở Biển Đông, mà còn trên tất cả các lĩnh vực, đó là những vấn đề sống còn của Việt Nam. Nếu như Trung Quốc bị mất vị thế nước lớn, thì bằng mọi cách, họ sẽ cà khịa và gây sự đến cùng. Do đó, nếu Việt Nam không cảnh giác, thì rất dễ vướng vào cạm bẫy do họ giăng ra.”
Và ông này cũng cho biết thêm: “Vấn đề giải bài toán Trung Quốc như thế nào là vấn đề mà chính quyền [Việt Nam], nếu vẫn theo nếp cũ, thì đó gần như là đã đầu hàng và bán nước, chứ không còn là nhân nhượng nữa. Và cứ như thế, thì họ sẽ đánh mất hết quyền lợi của quốc gia và dân tộc.”
Công luận ở Việt Nam cho rằng, Trung Quốc đã luôn dùng cái vòng kim cô “Chủ nghĩa Xã hội” để kiềm toả, ràng buộc Việt Nam. Chỉ mới đây thôi, khi tin đồn Việt – Mỹ sẽ nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất, thì ông Vương Nghị đã lập tức gặp Phó Thủ tướng Việt Nam Trần Lưu Quang, để cảnh báo Việt Nam không được xa rời lý tưởng Xã hội Chủ nghĩa. Liệu lãnh đạo Việt Nam có vượt qua được rào cản ý thức hệ hay không?./.
Trà My – Thoibao.de