Vì sao đại dịch Covid-19 khiến nhiều cặp vợ chồng đổ vỡ

Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=KRid5acNc6s

Sau bảy năm chung sống, Sophie Turner, 29 tuổi, và chồng đã đệ đơn ly hôn.

Họ chưa bao giờ bàn về việc chia tay trước khủng hoảng virus corona, nhưng trong trận đại dịch, hôn nhân của họ đã trở nên cay đắng.

Tôi căng thẳng hơn, và tất cả mọi thứ chỉ cứ dồn thêm vào, và chúng tôi quyết định có thể là ly thân thử nghiệm,” cô Turner, một nhân viên hỗ trợ dịch vụ xã hội cho trẻ em ở Suffolk, Anh, nói. “Rất nhanh chóng, chúng tôi nhận ra rằng việc ly thân sẽ kéo dài lâu hơn thế.”

Đại dịch Covid-19 là cơn bão nhấn chìm hôn nhân.

Trải nghiệm của họ ngày càng trở nên phổ biến, với số đơn ly hôn và vụ chia tay tăng vọt trên khắp nước Anh và trên toàn thế giới.

Công ty luật hàng đầu của Anh, Stewarts, ghi nhận lượt liên hệ xin tham vấn về việc ly hôn tăng 122% từ tháng 7 đến tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổ chức Charity Citizen’s Advice cho biết có sự tăng đột biến trong số lượt tìm kiếm lời khuyên trực tuyến về làm sao kết thúc mối quan hệ.

Tại Mỹ, một trang web tạo hợp đồng pháp lý gần đây đã công bố doanh số thỏa thuận ly hôn cơ bản tăng 34%, trong đó các cặp đôi mới cưới kết hôn trong 5 tháng trước đó chiếm 20%.

Ở Trung Quốc, vốn thực thi một trong những lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất thế giới vào đầu đại dịch, cũng có xu hướng tương tự.

Ảnh 1: cuộc sống vợ chồng vốn dễ xung đột nay lại càng có nguy cơ cao hơn trong cơn đại dịch

Điều này cũng xảy ra ở Thụy Điển mà mãi đến gần đây vẫn chủ yếu dựa vào các ý thức tự nguyện của người dân để làm chậm sự lây lan của Covid-19.

Việc đại dịch đã ảnh hưởng đến nhiều mối quan hệ cốt lõi của chúng ta không là điều gì mới mẻ.

Nhưng các luật sư, nhà trị liệu và các học giả đang bắt đầu hiểu rõ hơn về nhiều yếu tố thúc đẩy sự bùng nổ ly hôn trong thời Covid-19 – và tại sao nó sẽ tiếp tục xảy ra cho đến năm 2021.

Carly Kinch, luật sư thành viên công ty luật Stewarts, mô tả đại dịch này là ‘cơn bão hoàn hảo’ cho các cặp vợ chồng, với những đợt phong tỏa và giãn cách xã hội khiến họ dành nhiều thời gian ở bên nhau hơn.

Trong nhiều trường hợp, điều này đã làm chất xúc tác cho những cuộc chia tay có thể đã manh nha, nhất là khi những nề nếp riêng rẽ của vợ chồng trước đó đã giúp che đậy các vấn đề.

Tôi không nghĩ rằng lý do khiến mọi người ly hôn nhất thiết đã thay đổi.

Luôn có dòng chảy ngầm rằng ‘Tôi không hài lòng với chuyện này chuyện kia ở nhà’.

Nhưng tôi nghĩ dịch bệnh đã đưa những chuyện dàn xếp trong nhà thực sự trở thành trọng tâm rõ ràng hơn nhiều so với bình thường.”

Luật sư Kinch cho biết nhóm của bà không hề bất ngờ trước sự gia tăng số đơn ly hôn sau đợt phong tỏa toàn quốc đầu tiên của Anh kết thúc, vì các vụ tan vỡ thường tăng đột biến sau khi gia đình ở bên nhau nhiều hơn, chẳng hạn trong kỳ nghỉ học hoặc Giáng Sinh.

Tôi nghĩ phong tỏa về cơ bản giống như những khoảng thời gian nghỉ kéo dài đó, nhưng với áp lực cộng thêm rất lớn,” bà nói.

Điều khác biệt là sự gia tăng đáng kể số lượng phụ nữ chủ động ly hôn, với 76% số vụ ly hôn mới là từ các khách hàng nữ, so với 60% một năm trước.

Bà tin rằng xu hướng này cũng khớp với những phát hiện của nhiều nghiên cứu về cuộc sống của các cặp vợ chồng có con cái và đi làm trong thời Covid-19, vốn cho thấy sự phân chia công nhà và chăm sóc con cái vẫn đè nặng lên vai người phụ nữ một cách bất cân xứng, ngay cả ở các cặp vợ chồng dị tính mà người chồng cũng làm việc tại nhà.

Tôi nghĩ rằng một số người bước vào phong tỏa với suy nghĩ rằng: ‘À, đây chẳng phải là chuyện hay hay sao! Chúng tôi sẽ có nhiều thời gian hạnh phúc bên nhau.

Và người bạn đời của tôi, vốn thường có mặt ở thành phố hoặc phải đến sở làm, sẽ có mặt ở nhà và sẽ giúp được nhiều hơn.’ Và tôi cho rằng đối với nhiều người thì thực tế lại khác quá xa so với những gì họ ngỡ lúc ban đầu,” bà nói thêm.

Ảnh 2: quan hệ vợ chồng dễ trở nên căng thẳng hơn trong đại dịch

Căng thẳng trong mối quan hệ

Turner nói rằng cả hai vợ chồng cô thuận tình chia tay và họ vẫn là bạn.

Đối với họ, ngòi nổ của vụ việc là do quyết định ngủ riêng để giảm nguy cơ lây nhiễm cho Turner, vốn có bệnh từ trước và nhận ra rằng điều đó ‘không thực sự tạo nên khác biệt’ đối với chất lượng mối quan hệ của họ.

Nhưng giống như nhiều vụ ly dị trong đại dịch, trường hợp của họ cũng xảy ra các vấn đề giao tiếp. “Chúng tôi đã gây căng thẳng cho nhau và không thực sự nói chuyện đàng hoàng,” cô cho biết.

Khối lượng việc nhà của Turner tăng lên khi cô dạy học cho con trai ở nhà và chăm sóc con của một người bà con, cũng gây xích mích.

Cô nói rằng bạn đời của cô cảm thấy khó chịu khi sự tập trung của cô là ở chỗ khác, trong khi cô bất mãn với việc anh có thể ra khỏi nhà để gặp đồng nghiệp làm việc chung tại một công chuyên về dịch vụ sửa chữa đường ống nước gia đình, còn cô thì luôn bị kẹt ở nhà.

Đối với các cặp vợ chồng khác, việc chia tay có nguyên do từ sự gia tăng các vấn đề tâm thần do đại dịch.

Khi Marie, một biên tập viên 43 tuổi ở Amsterdam, dính Covid-19 hồi tháng 3, nó khiến chứng lo âu của bạn đời của cô ‘đi đến chỗ mất kiểm soát’. “Tôi đã phải xử lý mọi thứ trong khi hai chúng tôi bị cách ly – trong gần một tháng – và điều đó khiến tôi hết sức mệt mỏi,” cô cho biết.

Là một nạn nhân bị chứng ‘Covid kéo dài’, cho đến tháng 7, cô vẫn cảm thấy chật vật để sắp xếp thời gian ngoài ‘những thứ cần thiết’ của công việc bán thời gian và chăm sóc đứa con bốn tuổi.

Thật không may, mối quan hệ của chúng tôi là một trong những yếu tố đòi hỏi tôi phải nỗ lực quá nhiều: về mặt tình cảm, tinh thần và thể xác. Vì vậy, tôi đã yêu cầu anh ấy ly thân. Nó giống như vấn đề sống còn vậy.”

Nhưng các chuyên gia về quan hệ hôn nhân tin rằng ngay cả những cặp vợ chồng có mối tình cảm bền chặt – vốn không hề trục trặc gì trước đại dịch và thường muốn tránh tạo những thay đổi lớn trong quan hệ vợ chồng hay nếp sinh hoạt trong gia đình – cũng có thể dễ đổ vỡ.

Điều này là do đại dịch đã lấy đi “những nề nếp đã đi vào khuôn khổ vốn đem lại sự thoải mái, ổn định và nhịp nhàng“, Ronen Stilman, nhà trị liệu tâm lý và phát ngôn nhân của Hội đồng Trị liệu Tâm lý Anh, giải thích.

Nếu không có những điều này, những người bạn đời sẽ có ít cơ hội “đi tìm các hình thức hỗ trợ hoặc khích lệ khác” ngoài mối quan hệ chính thức, và điều đó có thể khiến họ thấy căng thẳng.

Giống như một cái nồi áp suất không để chút áp suất nào thoát ra ngoài, cuối cùng nắp nồi có thể bị bật lên và mối quan hệ tan vỡ,” Stilman phân tích.

Đau đầu về tiền bạc

Luật sư Kinch chỉ ra đại dịch có thể là một trong những thách thức lớn đầu tiên trong cuộc sống mà các cặp vợ chồng trẻ phải đối mặt cùng nhau, điều này có thể giải thích phần nào sự gia tăng đơn ly hôn của các cặp vợ chồng mới cưới ở một số quốc gia, bao gồm cả Mỹ và Canada.

Nếu bạn là vợ chồng mới cưới hoặc mới yêu nhau chưa bao lâu, thì mối quan hệ đó có thể không được thử thách giống như các cuộc hôn nhân kéo dài được 30 năm, trải qua nhiều năm với những gian nan, thách thức khác nhau,” bà nói.

Trong khi đó, cuộc sống bị cắt giảm mà khủng hoảng dịch bệnh tạo ra trái ngược với những gì mà các cặp vợ chồng mới cưới hình dung về “hạnh phúc hôn nhân của cuộc sống hoàn hảo sẽ như thế nào“.

Thêm vào đó, các chuyên gia tình cảm cho biết tác động tài chính của Covid-19 cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đổ vỡ, khi mọi người bị thất nghiệp, cho nghỉ không lương hoặc nhận lương thấp hơn.

Số lượng các cuộc ly hôn có xu hướng gia tăng không có ngoại lệ trong thời kỳ kinh tế đi xuống, ít nhất là kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai,” Glen Sandström, người nghiên cứu lịch sử nhân khẩu học tại Đại học Umeå ở bắc Thụy Điển, giải thích.

Do chúng ta đang trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, nhất là về kinh tế, chúng tôi tin rằng kết quả cuối cùng sẽ là bất ổn hôn nhân gia tăng.”

Tiền bạc đã là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra xung đột trong hôn nhân.

Thu nhập giảm làm tăng nguy cơ căng thẳng cho mối quan hệ do xung đột về ưu tiên các nhu cầu tiêu dùng khác nhau và căng thẳng tâm lý đến lượt nó cũng làm tăng xung đột, kết quả là chất lượng mối quan hệ giảm đi do lo lắng về làm sao kiếm đủ tiền,” Sandström cho biết.

Bị sa thải cũng có thể là một đòn giáng mạnh vào lòng tự trọng, nhất là ở những người đàn ông, những người mà “giá trị bản thân vẫn dựa vào khả năng đảm bảo kinh tế cho gia đình, nhiều hơn phụ nữ“. Điều này có thể thể hiện ra ở sự lo lắng, tức giận và ức chế cũng như tăng nguy cơ bạo lực gia đình.

Tuy nhiên, không giống như các cuộc khủng hoảng tài chính khác, đại dịch đã ảnh hưởng nhiều hơn đến những người đã và đang làm những công việc không ổn định trong các ngành có thu nhập thấp như khách sạn, giải trí, bán lẻ và du lịch – những ngành nghề mà phụ nữ, thanh niên và các nhóm thiểu số có mặt đông đảo.

Sandström chỉ ra rằng tác động tài chính của Covid-19 có thể dẫn đến suy thoái dài hạn, có nghĩa là các mối quan hệ gia đình có thể bị căng thẳng do các vấn đề tiền bạc tiếp tục.

Nếu cú ​​sốc kinh tế lan rộng, khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng mạnh, nhiều cuộc hôn nhân sẽ gánh chịu,” ông nói. Nhưng ông nói thêm rằng điều ngược lại cũng có thể xảy ra nếu các nước phục hồi nhanh hơn dự kiến ​​trong năm 2021.

Trung Nam – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Việt Nam khó đột phá trên nền “tư duy cũ”?

>>> Đảng mục nát – Chính phủ đề xuất cấy nhân tài

>>> Dân bị cấm bàn tán về nhân sự tứ trụ?

Quốc tế đồng loạt phản đối nhà cầm quyền VN vì „xử“ 3 nhà báo độc lập


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT


Kasse animation 7.8.2023