Ngư dân Việt Nam: con mồi cho Trung Quốc ở Biển Đông

Thuyền chìm, ngư cụ bị đánh cắp. Ngư dân trở thành  con mồi khi Trung Quốc xâm chiếm vùng biển chiến lược

LÝ SƠN, Việt Nam 

Vào một buổi sáng ấm áp, trời trong hồi tháng 6 trong vùng biển Đông tĩnh lặng, một con tàu khổng lồ lao vào một chiếc tàu đánh cá bằng gỗ sơn màu xanh và treo cờ Việt Nam.

Thuyền trưởng đánh cá nổ máy tàu định bỏ chạy, nhưng tàu lớn đã thả hai xuồng máy xuống biển với các sĩ quan mặc sắc phục. Hai xuồng cao su đua nhau áp sát hai bên tàu đánh cá, siết chặt lại như gọng kìm.

Khi thuyền trưởng giảm tốc độ để tránh va chạm, con tàu lớn liền lao vào họ. Trên thân tàu bằng thép của nó ghi: Trung Quốc.

Chen chúc trong cabin để đảm bảo an toàn, 17 ngư dân bị hất văng xuống boong vì một cú va chạm gần như lật thuyền. Sau đó tiếp một cú đâm, một cú nữa và tiếp tục một cú đâm khác. “Giống như đánh nhau”, ngư dân Nguyễn Day nhớ lại.

Tàu Trung Quốc đập liên tiếp vào tàu cá, làm hư hỏng cabin. Bốn ngư dân bị hất ngã xuống biển. Khi những người Trung quốc kéo họ lên khỏi mặt nước, Day, 41 tuổi, và những người Việt Nam khác bị nhồi nhét vào một thuyền cứu sinh và đứng nhìn chiếc thuyền của họ – chất đầy hàng trăm ký cá ngừ, cá thu, cá mú và cá chuồn – bắt đầu trôi đi.

Cuộc tấn công ngày 10 tháng 6 là một phần trong cuộc tấn công kín kẽ của Bắc Kinh ở Biển Đông. Các tàu Trung Quốc đang sử dụng các chiến thuật ngày càng gây hấn để ngăn cản các quốc gia đối thủ và giành quyền kiểm soát trên tuyến đường thủy chiến lược.

Không lo lắng trước những lời chỉ trích toàn cầu ngày càng nhiều, hạm đội hải quân, tuần duyên và bán quân sự của Trung Quốc đã đâm tàu ​​đánh cá, quấy rối các tàu thăm dò dầu khí, tổ chức các cuộc diễn tập chiến đấu và theo sát các cuộc tuần tra của hải quân Mỹ.

Các cuộc phô trương vũ lực ngày càng leo thang đã áp đảo các quốc gia Đông Nam Á nhỏ hơn cũng yêu sách các vùng biển, một trong những ngư trường và tuyến thương mại nhộn nhịp nhất thế giới cũng như trũ lượng dầu và khí tự nhiên chưa được khai thác.

Chủ nghĩa bành trướng hàng hải của Bắc Kinh không chỉ thể hiện sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, mà còn thể hiện sự sẵn sàng thách thức các nước láng giềng và luật pháp quốc tế để thực hiện tầm nhìn sâu rộng về quyền lực của Tập Cận Bình.

Trong nhiệm vụ chiến lược nhằm thống trị tuyến đường thủy ngăn cách đại lục châu Á với đảo Borneo và quần đảo Philippines, Trung Quốc đã xây dựng các tiền đồn quân sự trên các đảo và rạn san hô đang tranh chấp mà theo ông Tập, “là lãnh thổ của Trung Quốc từ thời cổ đại… do tổ tiên để lại cho chúng ta.” Mạng lưới các căn cứ, bến cảng và bãi đáp sâu trong vùng biển quốc tế đã tạo ra vùng đệm cho đường bờ biển phía nam của Trung Quốc, tiếp tục bao vây Đài Loan và thách thức khả năng di chuyển tàu của Mỹ vào châu Á.

Có vẻ như Trung Quốc đang nhanh chóng phát triển năng lực nhằm loại trừ các lực lượng hải quân khác khỏi Biển Đông”, Bill Hayton, một tác giả và cộng sự tại cơ quan tư vấn Chatham House, nói với một ủy ban quốc hội vào tháng 9.

Dưới thời chính quyền Trump Mỹ đã điều nhiều tàu chiến hơn mức bình thường qua khu vực vào năm 2020 để khẳng định quyền hàng hải. Mỹ gọi Trung Quốc là “kẻ bắt nạt” đang tìm kiếm một “đế chế hàng hải”. Nhưng các hoạt động này đã không làm được gì để giành lại các đảo nhỏ và vùng biển mà 5 quốc gia Đông Nam Á và Đài Loan tuyên bố là Bắc Kinh đã chiếm đoạt.

Các quốc gia này gần như không có đủ sức mạnh hải quân riêng để làm mất lòng Trung Quốc. Thay vào đó, chính phủ Việt Nam, Philippines và các quốc gia khác đã tiến hành một hình thức phản kháng yên lặng hơn bằng cách khuyến khích các cộng đồng ngư dân truyền thống tiếp tục mạo hiểm vào các vùng biển tranh chấp – đặt họ vào tuyến đầu trước sự xâm lược của Trung Quốc.

Mèo vờn chuột

Đây là một trò chơi mèo vờn chuột trên biển, nhắm vào một siêu cường với hạm đội vũ trang lớn nhất thế giới – với hơn 300 tàu hải quân, 130 tàu tuần duyên lớn và lực lượng dân quân hàng hải với hàng trăm nghìn thuyền cơ giới – đối đầu với những ngư dân được trang bị ít chẳng gì hơn ngoài lưới đánh cá để kiếm được vài trăm đô la cho mỗi chuyến ra khơi.

Các tàu gỗ cũ kỹ được trang bị hệ thống định vị đơn giản, ngư dân phải tránh bị bắt trong khi săn lùng hải sản hiếm hoi trên một vùng biển bị tàn phá do hoạt động đánh bắt và nạo vét không được kiểm soát mà phần lớn là do Trung Quốc thực hiện.

Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến ​​Minh bạch Hàng hải Châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết: “Khi nguồn hải sản suy giảm do khai thác quá mức và môi trường bị tàn phá, ngư dân Việt Nam và Philippines ngày càng đi đánh bắt xa bờ hơn và chấp nhận rủi ro lớn hơn ở các vùng biển tranh chấp. Điều đó giúp giải thích tại sao họ là những tác nhân thường xuyên tiếp xúc với lực lượng hành pháp và quân y Trung Quốc”.

Ngư dân Trần Hồng Thọ thừa nhận những ngày này người Việt Nam đi biển xa hơn. “Biển gần bờ đã hết cá”, anh nói.

Bắc Kinh không biện hộ về các hành động của họ, mà họ cho đó là lực lượng hải cảnh chống đánh bắt cá trái phép. Vào tháng 9, hải cảnh Trung Quốc báo cáo rằng họ đã trục xuất 1.138 tàu đánh cá nước ngoài khỏi phía bắc của Biển Đông trong 4 tháng trước đó, lên tàu và kiểm tra hàng chục tàu khác, đồng thời bắt giữ 11 tàu thuyền và 66 thuyền viên nước ngoài, “bảo vệ hiệu quả lợi ích nghề cá và quyền hàng hải.”

Đối với các cộng đồng ngư dân ven biển miền Trung của Việt Nam, đối đầu với Trung Quốc thể hiện nghĩa vụ tập thể – bảo vệ vùng biển mà nhiều thế hệ đã kiếm sống ở đó.

Chính phủ Việt Nam coi ngư dân như một tượng đài sống để khẳng định chủ quyền biển Đông”, ông Lê Khuân, Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá trên đảo Lý Sơn nói.

Biển Đông đã kết nối các nền văn minh trong hàng nghìn năm – từ những con tàu buôn Mã Lai đến mua lụa Trung Quốc, gia vị Ấn Độ và trầm hương Ả Rập dọc theo hành lang thương mại cổ đại giữa châu Âu và châu Á, đến những tàu chở hàng và tàu container băng qua các đại dương và quyền lực thương mại toàn cầu hóa ngày nay. Hàng năm ước tính có khoảng 3,4 nghìn tỷ USD hàng hóa đi qua vùng biển, trong đó có 14% tổng thương mại của Hoa Kỳ, 40% của Trung Quốc và 86% của Việt Nam.

Một phần ba trong số 96 triệu dân của Việt Nam sống ở bờ biển ngoằn ngoèo, nơi những đàn thuyền nhỏ màu xanh và đỏ giống hệt nhau nhấp nhô trên những bến cảng xiêu vẹo. Với khoảng 12% sản lượng đánh bắt cá toàn cầu vào năm 2015, biển đã đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu và nuôi sống gia đình của ít nhất 1,8 triệu người làm nghề đánh cá trên biển.

Vụ va chạm ngày 10 tháng 6 xảy ra ngoài khơi một trong những khu vực gây tranh cãi nhất: quần đảo Hoàng Sa, do Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan cùng tuyên bố chủ quyền, nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng hoàn toàn kể từ khi quân đội Trung Quốc đánh đổi lực lượng Việt Nam Cộng Hoà vào năm 1974.

Chuỗi các đảo và rạn san hô – được gọi là Hoàng Sa trong tiếng Việt và Tây Sa trong tiếng Trung – nằm cách cả bờ biển miền Trung Việt Nam và đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng 150 hải lý. Trên đảo Phú Lâm, là lớn nhất trong quần đảo, Bắc Kinh đã xây dựng trung tâm hành chính và quân sự chính trên biển, hoàn chỉnh với một đường băng, hai bến cảng, dàn tên lửa đất đối không, hệ thống giám sát và trinh sát, nhà máy khử muối – thậm chí là một khu du lịch cho Trung Quốc đại lục.

Việt Nam đã tố cáo việc Trung Quốc chiếm đóng các đảo là bất hợp pháp và hậu thuẫn bởi các cộng đồng đánh cá bằng trợ cấp nhiên liệu, các khoản vay ưu đãi và hỗ trợ khiêm tốn khác.

Ở đảo Lý Sơn, một hòn đảo có các ngôi chùa Phật giáo và các ruộng tỏi cách bờ biển 20 dặm, hơn 500 tàu thuyền đánh cá đi vào những vùng biển tranh chấp. Phòng khách của các cựu thuyền trưởng có treo bằng chứng nhận của chính quyền cấp tỉnh về những năm đánh bắt cá của họ ở Hoàng Sa.

Bất lực

Mặc dù không có ngư dân nào được cho là đã thiệt mạng trong một vụ va chạm cố ý, nhưng mỗi chuyến đi giờ đây đều có nguy cơ xảy ra đụng độ – và thiệt hại tài chính.

Tôi đã không biết bao nhiêu lần thuyền của tôi bị tàu Trung Quốc tấn công hoặc xua đuổi – rồi thì cũng quen,” Dương Minh Thanh, một thuyền trưởng 65 tuổi ở Lý Sơn, bắt đầu đánh bắt ở Hoàng Sa từ những năm 1980.

Người Trung Quốc từng bắt ngư dân đòi tiền chuộc; những ngày này, họ có nhiều khả năng phá những chiếc thuyền nhỏ hơn, cho ngư dân vào các cabin trước khi can thiệp. Hải sản đánh bắt được và thiết bị thường bị tịch thu, ngư dân đôi khi bị đánh đập. Lần đụng độ gần đây nhất của ông Thanh diễn ra vào tháng 8, khi anh ta thoát khỏi một tàu Trung Quốc đã tấn công thuyền ông và yêu cầu trở về Việt Nam.

So với họ, con thuyền của chúng tôi nhỏ như một con kiến,” ông nói. “Đánh bắt gần bờ an toàn hơn, nhưng chúng tôi kiên quyết đánh bắt ở Hoàng Sa vì đó là kế sinh nhai của chúng tôi từ bao đời nay. Nó giống như sân sau của chúng tôi. Hoàng Sa là của chúng ta, vậy tại sao lại sợ hãi?

Đầu tháng 6, anh Nguyễn Lộc, thuyền trưởng tàu cá QNG 96416, tạm biệt vợ và 4 con, rời ngôi nhà hai tầng khang trang ở Lý Sơn. Lộc đi tàu về hướng đảo Linh Côn ở Hoàng Sa đông, cách đảo Phú Lâm khoảng 20 dặm, nơi nổi tiếng có nhiều hải sâm.

Chiếc thuyền dài hơn 15 mét chất đầy hải sâm với giá trị gần 200 triệu đồng khi bị tàu Trung Quốc và hàng chục sĩ quan chặn lại, họ chĩa vũ khí vào thủy thủ đoàn.

Các sĩ quan Trung Quốc đã kéo bốn ngư dân bị rớt xuống biển lên, sau đó đưa tất cả 17 người lên mũi tàu của họ. Ngư dân chứng kiến ​​cảnh lính Trung Quốc nhảy lên tàu cá chòng chành, thu giữ lưới, thiết bị định vị và mọi thứ họ đánh bắt được.

Lộc cầu xin bằng tiếng Việt để người Trung Quốc neo thuyền của mình ở vùng nước nông để nó không trôi đi, nhưng họ từ chối. Không bên nào hiểu bên nào. Sau đó xảy ra cự cãi, một người đá vào đầu Lộc.

Sau đó thì chẳng ai nói gì.

Ngư dân được yêu cầu ký vào các mảnh giấy in bằng tiếng Trung Quốc, sau đó được phép quay trở lại tàu đã bị lục soát của họ. Cabin gần như bị lật và các cửa sổ bị vỡ vụn. Nước đã ngấm vào máy, vì vậy họ phải làm khô máy trước khi có thể cho thuyền đi trở lại.

Phải mất hai ngày hai đêm họ mới quay lại được Lý Sơn với bằng la bàn cầm tay. Ngư dân ngủ ngoài trời, gặm bún sống và bánh tráng.

Cuối cùng khi họ lên bờ, chính quyền địa phương đã ra lệnh cách ly họ. Một quan chức giải thích rằng vì họ đã gặp những người Trung Quốc, có thể họ đã nhiễm virus corona.

Mặc dù có chung hệ thống chính quyền cộng sản, nhưng người Việt Nam vẫn có lòng chống Trung Quốc sâu sắc từ ngàn năm đô hộ và ba cuộc xung đột chết người trong những năm 1970 và 1980. Năm 2014, căng thẳng trên biển bùng phát sau khi một giàn khoan dầu Trung Quốc tiến sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gây ra một cuộc biểu tình kéo dài nhiều tuần và bạo lực trên khắp đất nước.

Lãnh đạo Việt Nam thậm chí không thoải mái hơn sau khi Trung Quốc từ chối chấp nhận phán quyết của tòa trọng tài năm 2016 bác bỏ “quyền lịch sử” của Trung Quốc về đường 9 đoạn.

Trong khi Philippines, quốc gia đã đệ đơn vụ kiện và các bên tranh chấp khác đã giảm căng thẳng với Trung Quốc, thì Việt Nam đã lên tiếng kiên định hơn chống lại chủ nghĩa bành trướng của Bắc Kinh, góp phần vào quan hệ hợp tác với Washington.

Vào tháng 3, Hà Nội đã đón tàu sân bay Theodore Roosevelt cập cảng Đà Nẵng, một động thái khiến Bắc Kinh khó chịu. Bốn tháng sau, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc “hoàn toàn trái pháp luật”, chính thức tán thành phán quyết năm 2016.

Linh Nguyen, nhà phân tích tại Control Risks, một công ty tư vấn, cho biết: “Khi có cảm giác có được sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ các quốc gia khác, kể cả Mỹ, Việt Nam có xu hướng thể hiện bộ mặt cứng rắn hơn với Trung Quốc”. Bà nói thêm, với việc đại hội đảng 5 năm một lần dự kiến ​​vào đầu năm tới, “ban lãnh đạo tập trung vào việc xây dựng tính chính danh với người dân, vì vậy điều quan trọng hơn là mềm mỏng với Trung Quốc”.

Thất vọng

Vào tháng 4, Hà Nội đã đưa ra một tuyên bố gay gắt bất thường, nói rằng hành vi của Trung Quốc “đe dọa tính mạng và thiệt hại tài sản và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam”. Vài ngày trước đó, ông Trần Hồng Tho đang thả neo chiếc tàu mới dài gần 20 mét ngoài khơi đảo Phú Lâm thì phát hiện đèn xanh đỏ của một tàu Trung Quốc đang tiến đến. Người Trung Quốc phun vòi rồng và đá trước khi đâm vô làm cho chiếc tàu muốn gãy làm đôi.

Người Trung Quốc đưa tám người Việt Nam ướt sũng lên tàu của họ chứng kiến ​​chiếc tàu đánh cá mà anh Tho đóng chỉ mới một năm chìm xuống nước cùng với sáu tấn hải sản đánh bắt được.

Anh Tho và ngư dân khác vẫn bị giữ cho đến chiều hôm sau, chỉ được cho nước và bánh mì, khi ba chiếc thuyền khác của Việt Nam đến tìm họ. Ông Tho nói, người Trung Quốc cũng đuổi theo họ, trước khi giải vây và giao ông và các ngư dân lại.

Mình  làm được gì giờ?” Tho cho biết khi một phóng viên đến thăm anh tại ngôi nhà một tầng của anh ở xã ven biển Bình Châu. “Tàu của Trung Quốc lớn gấp hàng chục lần tàu của mình. Tất cả đều được trang bị vũ khí. Chúng tôi không dám đối đầu”.

Tho bắt đầu đi đánh cá cho một thuyền trưởng khác, với hy vọng kiếm lại được một số tiền đã vay để đóng tàu. Vào tháng 10, chính quyền tỉnh đã từ chối trợ cấp 3.200 đô la nhiêu liệu cho anh để đi chuyến đánh bắt định mệnh vào tháng 4 với lý do anh ta đã ở 15 ngày ở Hoàng Sa.

Chỉ trích chính phủ rất nguy hiểm trong chế độ độc đảng Việt Nam, nhưng Tho không thể che giấu sự tuyệt vọng của mình.

Ông nói: “Ngư dân chúng tôi phải tự mình chống chọi và khổ sở để khắc phục thiệt hại khi tàu thuyền của chúng tôi bị Trung Quốc tấn công. Thành thật mà nói, tôi thất vọng.

Các nhà lãnh đạo ngành đánh cá cho biết Chính phủ Việt Nam đã chậm trễ trong việc tăng cường hỗ trợ tài chính cho các ngư dân bị tấn công. Một vụ chìm tàu ​​có thể dẫn đến thiệt hại hàng chục nghìn đô la, nhưng các chủ tàu thường chỉ được bồi thường một phần nhỏ.

Ông Nguyễn Việt Thắng, cựu Thứ trưởng Bộ Thủy sản, cho biết các chính sách hiện hành của chính phủ “chỉ nhằm động viên tinh thần, không giúp ngư dân khắc phục thiệt hại”.

Vô vọng?

Các sáng kiến ​​khác đã được thành lập. Một kế hoạch trị giá 400 triệu USD để giúp ngư dân nâng cấp lên những chiếc thuyền vỏ thép được sản xuất thủ công không đạt tiêu chuẩn đã nhanh chóng bị bỏ rơi. Theo thống kê của chính phủ, một lực lượng dân quân hàng hải chính thức ra mắt cách đây một thập kỷ đã đóng quân trên 8.000 tàu cá, chiếm 1% đội tàu đã đăng ký.

Tháng 12 năm ngoái, Bộ Quốc phòng đã công bố kế hoạch tăng cường lực lượng dân quân biển ở 14 tỉnh để “bảo vệ chủ quyền và phát triển kinh tế”, nhưng ngư dân nói rằng họ vẫn chưa biết đến các đơn vị mới.

Nguyễn Thế Phương, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Sài Gòn cho biết: “Cơ cấu và hoạt động của lực lượng dân quân biển của Việt Nam không được điều phối theo một chiến lược lớn. Hiện tại, chúng tôi đang thiếu cách thức chặt chẽ và hiệu quả hơn để chống lại những gì Trung Quốc đang làm.”

Trung Quốc đã tăng cường chỉ trích, với việc truyền thông nhà nước cáo buộc Việt Nam trang bị cho hạm đội để khuyến khích đánh bắt bất hợp pháp. Từ lâu nay, tàu thuyền Việt Nam được biết là vi phạm không chỉ vùng biển của Trung Quốc mà còn cả những vùng biển của Indonesia và Malaysia – hành động đã khiến Liên minh châu Âu rút “thẻ vàng” hải sản có thể dẫn đến trừng phạt thương mại đối với Hà Nội năm 2017.

Với các ước tính cho thấy trữ lượng cá trên biển đã giảm 70-95% kể từ những năm 1950, một chuyên gia tư vấn của Đại học Bắc Kinh gần đây đã gọi việc đánh bắt bất hợp pháp của Việt Nam là “sự thách thức nghiêm trọng nhất đối với an ninh hàng hải ở Biển Đông”.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc là thủ phạm chính trong việc đánh bắt quá mức, đưa ra những ưu đãi lớn cho hạm đội vũ trang và ngư dân thường xuyên của họ để mạo hiểm đi sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác, từ Mỹ Latinh đến Nam Cực.

Việc bổ sung các tàu vũ trang có thể làm gia tăng căng thẳng, đặc biệt là khi các chính phủ không đạt được tiến bộ về quy tắc ứng xử ràng buộc pháp lý đối với các vùng biển tranh chấp và không quốc gia nào theo đuổi thỏa thuận về cách quản lý nghề cá ở vùng biển đang cạn kiệt nhanh chóng.

Poling cho biết: “Các cuộc đụng độ sẽ gia tăng khi Trung Quốc tăng cường kiểm soát trên thực tế và nguồn dự trữ [cá] mất đi. Cuối cùng chúng ta sẽ thấy thiệt hại đời sống nếu cứ tiếp tục như vậy.”

Ngư dân Lý Sơn không có kế hoạch bỏ Biển Đông. Năm tới, khi mùa bão dịu đi và mặt nước lặng trở lại, Lộc và ngư dân của mình sẽ lại ra Hoàng Sa – tìm kiếm những con cá mà cha ông họ đã bắt được.

Ông Lộc nói: “Tôi đã ra biển được 20 năm rồi và chưa bao giờ nghỉ ngoại trừ những lúc biển động. Tôi sẽ tiếp tục đi biển cho tới chết”./.

Tác giả: Phóng viên đặc biệt Võ Kiều Bảo Uyên tường thuật từ Lý Sơn và Shashank Bengali của Times từ Singapore.

Đây là bài thứ tư trong một loạt các bài báo không thường xuyên về ảnh hưởng từ sức mạnh toàn cầu của Trung Quốc đối với các nước và cuộc sống của người dân.

(Theo bản dịch của Anh Khoa trên Việt Nam Thời Báo)

Nguồn: https://www.latimes.com/world-nation/story/2020-11-12/china-attacks-fishing-boats-in-conquest-of-south-china-sea

Kasse animation 7.8.2023