Ba Đình ngập trong “xú uế” – 10.000 tấn rác rác rải khắp thủ đô

Link video: https://www.youtube.com/watch?v=amHogzMA0RY

Đường phố nội thành ở thủ đô của Việt Nam ngập trong khoảng 10.000 tấn rác thải sinh hoạt, sau 3 ngày người dân ở huyện ngoại thành Sóc Sơn ngăn chặn xe rác đi vào bãi rác Nam Sơn, nhiều báo bao gồm cả Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Lao Động và VNExpress đưa tin hôm 26/10.

Đây là lần thứ hai trong năm 2020 và là lần thứ 15 trong gần 20 năm bãi rác Nam Sơn hoạt động, người dân địa phương chặn xe chở rác, các báo cho hay.

Theo tường thuật của báo chí trong nước, người dân trong bán kính vài trăm mét gần bãi rác – đã và đang chịu ảnh hưởng tồi tệ trong nhiều năm – lẽ ra phải được chính quyền hỗ trợ, bồi thường để di dời, nhưng cho dù trước đây họ nêu kiến nghị về những nội dung này không ít lần, chính quyền vẫn giải quyết rất chậm chạp.

Một trong những người dân chặn xe chở rác, ông Nguyễn Văn Tuấn, 63 tuổi, được Thanh Niên trích lời nói rằng đến nay người dân quanh bãi rác “chỉ mong được giải thoát mà các cấp chính quyền mãi chưa giải quyết cho đi”.

Ở góc độ nào đó, chúng tôi cảm thấy có sự tàn nhẫn của cơ quan chức năng với người dân ở gần bãi rác Nam Sơn”, ông Tuấn thuộc thôn Đông Hạ, xã Nam Sơn nói với Thanh Niên.

Vào chiều tối 25/10, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ họp với các sở, ngành liên quan về vụ việc, báo chí trong nước cho biết.

Bí thư Vương Đình Huệ được Tuổi Trẻ dẫn lời nói rằng cấp chính quyền thành phố và các sở, ngành liên quan chưa làm tròn trách nhiệm với người dân Nam Sơn khi chưa giải quyết kịp thời, hiệu quả những kiến nghị họ.

Về vấn đề giải phóng mặt bằng và tiền đền bù, theo tường thuật của các báo, cuộc họp của ông Vương Đình Huệ chưa đi đến giải pháp cụ thể, song bí thư thành ủy của Hà Nội đề nghị cấp dưới “rà soát kỹ để trả lời cho người dân trên tinh thần giải quyết hết mức vì lợi ích của người dân trong khuôn khổ pháp luật và quy định của thành phố, vận dụng được cái gì có lợi nhất cho dân thì vận dụng”.

Bà Ngụy Thị Khanh, giám đốc Trung tâm Sáng tạo Phát triển xanh (GreenID), nói với VOA rằng tình trạng thỉnh thoảng Hà Nội lại ngập trong rác có nguyên nhân sâu xa là nhu cầu dân sinh gia tăng trong khi cách thức quản lý lại không phù hợp.

Theo tìm hiểu của VOA, hiện nay, mỗi ngày Hà Nội tạo ra khoảng 6.500 tấn rác thải sinh hoạt. Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn ở huyện Sóc Sơn giải quyết được khoảng 5.000 – 5.300 tấn/ngày đêm, Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn ở thị xã Sơn Tây giải quyết được khoảng 1.200 – 1.300 tấn/ngày đêm.

Ảnh 1: một đoạn đường ngập rác kéo dài hơn 500 mét, nội thành Hà nội đang ngập trong rác thải, do ùn ứ nhiều ngày

Chuyên gia Ngụy Thị Khanh cho rằng việc chỉ có hai khu xử lý là một phần của vấn đề.

Bên cạnh đó, theo bà Khanh, cần chú ý đến việc phải phân loại để giảm lượng rác đem chôn lấp ở các khu xử lý, cũng như cần tăng ý thức của người dân và cải thiện chính sách của chính quyền.

Có một số vấn đề nan giải. Đã có những dự án thí điểm về phân loại rác, nhưng xong rồi đâu lại vào đấy. Thứ nhất, quản lý rác tại nguồn chưa làm được tốt. Thứ hai là ý thức của người dân. Thứ ba là quy hoạch, lựa chọn phương thức quản lý. Bây giờ vẫn là hình thức chôn lấp. Có những doanh nghiệp làm về xử lý rác, chẳng hạn như muốn làm điện rác, lại không có rác để xử lý”, nữ giám đốc của GreenID nói với VOA.

Một phóng sự của báo Nhân Dân hồi tháng 8/2020 chỉ ra rằng công nghệ xử lý rác bằng chôn lấp dễ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân chung quanh các khu xử lý, cộng thêm việc phụ thuộc vào chỉ có hai khu xử lý mà nay đã quá tải, khiến số phận rác thải sinh hoạt nội đô của Hà Nội luôn trong tình trạng bấp bênh.

Chỉ một đường vào khu xử lý rác thải bị chặn, nội đô Hà Nội sẽ lại xuất hiện những bãi rác tự phát chất đống, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng triệu người dân cũng như mỹ quan đô thị”, tờ Nhân Dân đưa ra cảnh báo khi đó.

Nhưng tờ báo cũng cho biết trong tương lai không xa, Hà Nội sẽ thoát khỏi cảnh chỉ xử lý rác bằng chôn lấp, vì một nhà máy điện rác đang được xây dựng huyện Sóc Sơn.

Ảnh 2: Bãi rác chất thành đống cao hơn 1,5 m, dài gần 100 m trên phố Trần Hữu Dực, quận Nam Từ Liêm, sáng 26/10. Nhiều người đi đường phải bịt mũi vì mùi hôi.

Báo Nhân Dân tiên liệu rằng từ năm 2021, nếu dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn đúng tiến độ, trong số khoảng 7.000 tấn rác thải sinh hoạt của Hà Nội, tối đa 4.000 tấn rác sẽ được xử lý bằng công nghệ đốt phát điện.

Lượng rác thải còn lại, khoảng 3.000 tấn, sẽ tiếp tục được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh ở hai khu Nam Sơn và Xuân Sơn, cho đến khi có các dự án xử lý rác thải sử dụng công nghệ mới thay thế, Nhân Dân cho biết.

Song song với các biện pháp xử lý, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc GreenID, nhấn mạnh với VOA rằng vai trò của người dân cũng rất quan trọng.

Đối với người dân, chúng ta phải hạn chế phát sinh rác thải. Có rất nhiều cách: phân loại tại nguồn, tái sử dụng, tái chế, không đốt trong khu vực dân cư. Nếu chúng ta cứ chôn rác và người dân quanh bãi chôn rác cứ tiếp tục phản đối, thì chúng ta sẽ không bao giờ có lời giải cả”, bà Khanh đưa ra ý kiến.

Trên Facebook cá nhân, Giáo sư Mạc Văn Trang có bài bình luận với tựa đề CHUYỆN RÁC HÀ NỘI, nội dung như sau:

Hà Nội đang ngập rác!

Chuyện người thành phố Hà Nội lâu nay tiêu xài, rồi muốn sạch thì đem rác về vùng quê chôn lấp, đã gây nên bao nỗi bức xúc cho người dân nông thôn. Hãy tự đặt mình vào hoàn cảnh gần bãi rác xem có chịu được mùi xú uế và bao nhiêu hệ luỵ không? Vậy mà mỗi lần dân phản ứng, ngăn rác thì lại bị coi như “gây rối“, “chống đối“! Toàn hệ thống chính trị lại “ra sức tuyên truyền vận động“, có lần công an phải can thiệp… Khi bãi rác bị dân chặn, rác ứ đọng gây ô nhiễm ở thành phố, chính quyền đều đổ lỗi cho người dân cản trở, mà không quan chức nào phụ trách ngành này bị kỷ luật. Trăm tội cứ đổ vào đầu dân!

Ảnh 3: góc đường Ngã Tư Sở cạnh hầm đi bộ, ngập rác dưới lòng đường

Nhưng theo nhà báo Như Phong:

“- Tại sao HN chưa có nhà máy xử lý rác thải công suất lớn theo công nghệ hiện đại như của Châu Âu, của Hàn, của Nhật? Các nhà máy này vừa biến rác hữu cơ thành phân vi sinh, vừa đốt rác vô cơ chạy máy phát điện?

– Tại sao nhiều Tập đoàn xử lý chất thải của Hàn, của Nhật, của Hà Lan… từng đưa dự án, từng đặt vấn đề làm nhà máy xử lý rác nhưng mặc dù lãnh đạo chủ chốt HN trong khoảng 10 năm trở lại đây đều rất OK, nhưng vì sao không dự án nào thành công?

– Xin Bí thư Thành ủy cho điều tra làm rõ vai trò của Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Kế hoạch Đầu tư và một số Sở, Ban ngành khác trong việc họ đã gây khó dễ, họ đã ” hành các doanh nghiệp” như thế nào? Mà làm ăn mất dạy nhất là Sở Kế Hoạch và Đầu tư. Có Dự án làm nhà máy xử lý rác của Hà Lan đã ” lăn lóc” với HN gần 10 năm , nhưng bị hành” lên bờ xuống ruộng”… Thậm chí bà Đại sứ của Hà Lan phải gặp, phải gửi công văn…phải năn nỉ đủ kiểu nhưng bị các Sở cứ lươn lẹo, đùn đẩy cho nhau…

– Xin Bí thư Thành ủy chỉ đạo lực lượng CA điều tra, làm rõ mánh khóe, thủ đoạn “ăn rác” của các công ty vệ sinh môi trường đô thị?”.

Vậy là đã rõ!

Năm 2017, tôi đã có bài viết, Tại sao quan chức Việt Nam đi tham quan học tập các nước văn minh rất nhiều, mà Hà Nội và các thành phố khác lại không làm những nhà máy xử lý rác như ở Tp Viên (Wien) của Áo?

Nhớ hồi tháng 6/2017, tôi có thăm TP Viên, anh bạn ở đó dẫn đi chơi, khi đến gần trung tâm TP, anh bạn chỉ một công trình đồ sộ, kiến trúc lạ, màu sắc ấn tượng, bảo: Đố anh biết công trình ấn tượng kia là gì? Tôi ngắm thấy một cột cao, trên có khối tròn lớn “dát vàng” lấp lánh, liên tưởng đến tháp truyền hình ở Berlin, liền bảo:

– Chắc là Đài truyền hình của TP.

– Không phải! Đài truyền hình đặt bên kia sông Danube, xa TP đỡ bị ô nhiễm sóng, mà  sóng TV ở xa mấy chẳng bắt được, cần gì phải ở trung tâm TP.

– Trông màu sắc ấn tượng thế kia, có thể là khu triển lãm nghệ thuật?

– Không phải! Đó là nhà máy xử lý rác của TP.

– Ô! Nhà máy xử lý rác đẹp như một công trình văn hoá, nghệ thuật ư? Mà sao lại đặt nhà máy xử lý rác ở trung TP?

– Nhà máy ở trung tâm để rác từ toàn TP đưa đến thuận lợi nhất.

Ảnh 4: Người dân căng bạt ngồi gác không cho xe tải vào bãi rác Nam Sơn. Các hộ dân này đã đưa ra một số đề nghị liên quan đến tiến độ, chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư cũng như việc giải quyết vướng mắc liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, di dân khỏi vùng ảnh hưởng môi trường

Tôi sững sờ, ngạc nhiên, bảo anh bạn đưa đến gần nơi xem sao. Chà chung quanh tường rào là cây xanh. Thấy các xe ô tô lớn, chở rác nối đuôi nhau chui xuống đường hầm của nhà máy…

Tôi căng mũi ra “hít” nhưng chẳng thấy mùi gì của rác… Không thấy mùi, không thấy khói! Chung quanh nhà máy thấy mấy “khẩu hiệu“, anh bạn giải thích: “Bạn hãy học ngay cách dọn rác từ gia đình“; “Hãy tư duy về năng lượng mới“; “Nguồn năng lượng mới từ đây!”… Anh bảo, nhà máy xử lý rác này cũng là công trình người dân TP rất tự hào; là điểm tham quan của khách du lịch và nhất là địa điểm cho học sinh, sinh viên đến học hỏi từ thực tế…

Nhật bản và một số nơi đã mời kiến trúc sư này sang xây dựng cho họ những nhà máy xử lý rác kiểu này đấy.

Tôi xem trên mạng, đúng là Nhật Bản đã mời kiến trúc sư người Áo Friedensreich Hundertwasser sang Nhật để xây dựng nhà máy lớn hơn của Áo tại TP Osaka, với mong muốn nó sẽ trở thành biểu tượng tiêu biểu cho sự kết hợp tuyệt vời giữa môi trường, công nghệ và nghệ thuật. Và năm 2001 nhà máy xử lý rác Maishima đã được xây dựng ở TP Osaka. Nhà máy này xử lý gần 900 tấn rác một ngày.

Nhà máy xử lý rác lại như một công trình văn hoá độc đáo nên thu hút rất nhiều người muốn được “mục sở thị“, thế là nó thành điểm tham quan không chỉ của dân địa phương mà còn của du khách. Vậy nên nhà máy phải đón khoảng hơn 12.000 lượt khách ghé thăm mỗi năm…

Hỡi các ngài quan chức! Sao các ngài đi nước ngoài quanh năm, tốn bao nhiêu tiền thuế của dân mà không học được điều gì khôn, làm lợi cho dân?

Sao các ngài chỉ mơ đưa nước thành hổ, thành rồng, đến 2035, 2045 thành cái này cái nọ, mà cái rác thối thì cứ đùn đẩy nhau mãi không mở mắt ra học các nước văn minh người ta đã xử lý ra sao?” GS Mạc Văn Trang nêu quan điểm.

Ảnh 5: một nhà máy xử lý rác thải ở Copenhagen Đan mạch

Nhà báo Lê Kiên đưa ra bình luận trên Facebook cá nhân như sau:

RÁC đang đợi tân Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh xử lý

Ít nhất đã 2 lần trong năm nay, người dân chặn đường ngăn xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn, khiến nội thành Thủ đô Hà Nội ngập ngụa trong rác. “Khủng hoảng rác” thi thoảng lại xảy ra, khiến người dân bất an.

Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung từng được khen ngợi vì lập dự án trồng mới hàng triệu cây xanh giúp người dân Thủ đô dễ thở hơn. Nhưng xử lý rác thải, nước thải thì khó hơn rất nhiều, bởi nó cần đến tư duy, tầm nhìn, công nghệ (hãy nhìn cá Hồ Tây chết thảm và những cãi cọ xung quanh thí điểm xử lý nước sông Tô Lịch thì thấy ông Chung chưa đủ tầm với đến lĩnh vực này).

Theo các quy hoạch “tầm nhìn rác” của Hà Nội đến 2030, định hướng 2050, Thủ đô ta định hình tới 17 khu xử lý rác thải, nhưng mới 03 dự án được triển khai với tốc độ “rùa bò”. Một dự án điện rác đang được triển khai tại Nam Sơn, với công suất đốt 3.000 tấn mỗi ngày, nhưng chưa hẹn giờ vận hành. “Công nghệ” xử lý rác ở một Thủ đô tầm cỡ chục triệu dân, về cơ bản, vẫn là thu gom và chôn lấp. Riêng lượng rác thải sinh hoạt, dân Hà Nội thải khoảng 7.000 tấn mỗi ngày, không được phân loại tại nguồn thải.

Gần 3/4 lượng rác thải sinh hoạt của cả thành phố TP hiện vẫn tề tựu về bãi rác Nam Sơn, nơi đã quá tải từ lâu so với công suất được quy hoạch. Việc người dân chặn đường các xe rác hẳn là việc chẳng đặng đừng, bởi cuộc sống của họ bị bủa vây bởi mùi hôi thối, ruồi nhặng, nguy cơ bệnh tật…

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhắn nhủ ekip lãnh đạo mới của Thủ đô rằng: Hà Nội không chỉ là kinh tế, Hà Nội phải là văn hoá, giáo dục, khoa học, là con người Hà Nội.

Đúng như vậy, không chỉ kinh tế, thách thức đầu tiên cho ekip lãnh đạo mới mà người có trọng trách nhất, Chủ tịch Chu Ngọc Anh, là việc xử lý bài bản cuộc khủng hoảng rác.

Tất nhiên rồi, rác cũng không chỉ là vấn đề của riêng Hà Nội. Vấn đề nan giải này chỉ được xử lý tốt với sự cộng hưởng của ekip lãnh đạo và đội ngũ doanh nghiệp có tầm, có tâm. Các chính sách lỗi thời cho lĩnh vực này cần sớm được sửa đổi, cũng như những nhóm lợi ích trục lợi trên rác cần phải được loại bỏ.

Tôi không quan tâm nhiều đến nhan sắc lãnh đạo như từng có trend trên mạng xã hội. Cựu Tổng thống Đại Hàn Dân Quốc Lee Myung-bak xấu giai mắt híp từng “biến” một dòng kênh nước thải đen ngòm thành “suối tình yêu” ở Thủ đô Seul và tiến hành nhiều dự án làm sạch TP này trước khi trở thành Tổng thống xứ kim chi đấy thôi.” Nhà báo Lê Kiên nhận định.

Ảnh 6: ông Chu Ngọc Anh (trái) và cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Hoàng Trung – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Cố nhốt Hồ Duy Hải – Chánh án Nguyễn Hòa Bình quyết tâm giữ ghế?

>>> Việt – Trung: Qua thiên tai mới thấy rõ ‘bạn vàng’

>>> Công bố bất ngờ – Thủy Tiên uy tín gấp 70 lần Mặt trận

Cho ngay 200 triệu cứu cả gia đình – Thủy Tiên nêu lý do

Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT


Kasse animation 7.8.2023