Belarus – viễn cảnh khi Ba Đình sụp đổ

Những ngày vừa qua, thế giới đã và đang chứng kiến phong trào đấu tranh của người dân chống lại chính quyền của Tổng thống Alexandre Lukashenko ở Belarus và chính quyền của Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha ở Thái Lan. Những gì đang diễn ra tại một đất nước nằm giữa châu Âu, cái nôi của nền dân chủ và quyền tự do và một đất nước Đông Nam Á ngay sát Việt Nam ngay trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với đại dịch COVID-19 lịch sử, liệu có khiến chính quyền cộng sản Việt Nam rút ra được bài học gì cho riêng mình?

Kết quả 80% phiếu bầu cho Tổng thống mãn nhiệm Loukachenko, cầm quyền từ 26 năm nay, trong cuộc bỏ phiếu ngày 09/08/2020 đã làm dấy lên một làn sóng phẫn nộ, tố cáo chính quyền gian lận tại Belarus.

Căng thẳng tiếp tục dâng cao. Ngày 23/08/2020 vừa qua là chủ nhật lần thứ hai liên tiếp, tại thủ đô Minsk và nhiều thành phố lớn của Belarus, đông đảo người dân xuống đường phản đối Tổng thống Loukachenko, duy trì áp lực đòi chính quyền hủy bỏ kết quả bầu cử tổng thống, bị cáo buộc gian lận. 

Người dân tại các nước láng giềng Baltic, Litva, Estonia, Latvia, cũng xuống đường đông đảo để ủng hộ cuộc tranh đấu của người Belarus.

Liên minh châu Âu cũng không công nhận kết quả bầu cử và ban bố các trừng phạt đối với chính quyền Belarus.

Bất chấp phản đối và áp lực từ cả trong và ngoài nước, Tổng thống Loukachenko đã chọn lựa đối đầu, sẵn sàng đưa đất nước vào vòng xoáy bạo lực khi xuất hiện trong một đoạn phim với áo giáp và súng AK trong tay cùng với con trai ông 15 tuổi mặc quân phục và cũng đeo một khẩu Kalachnikov.

Khi trở thành tổng thống Belarus thời kỳ hậu cộng sản từ năm 1994, Loukachenko vẫn duy trì hệ thống kinh tế chính trị dựa theo mô hình Xô Viết cũ. Chế độ độc tài đã không thể huy động và phát huy được tất cả những nguồn lực cần thiết cho sự phát triển đất nước khiến Belarus là một trong những nền kinh tế kém phát triển nhất châu Âu.

Loukachenko coi Belarus là sở hữu của mình và đang tìm mọi cách để dọn đường cho con trai út Nikolai hay còn gọi là Kolia nối ngôi.

Ảnh: Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, mặc quân phục màu đen cùng áo giáp, tay cầm sung AK khi đến tư dinh tại Minsk, ngày 23/08/2020

Còn tại Thái Lan, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cho họp Hội đồng An ninh quốc gia và chỉ thị sẵn sàng ‘đối phó’ với biểu tình chính trị, sau khi đã có nhiều nhà hoạt động bị cảnh sát nước này bắt giữ.

Chủ nhật ngày 16/08/2020, ít nhất 10.000 người tuần hành tại thủ đô Bangkok kêu gọi cải cách Hiến pháp. Kể từ cuộc đảo chính quân sự năm 2014, đây là lần dân chúng Thái Lan xuống đường đông đảo nhất chống độc tài, đòi cải cách chế độ quân chủ. Những người biểu tình đổ dồn về một trong các ngã tư đông đúc nhất của thủ đô Bangkok, hô vang khẩu hiệu « đả đảo chế độ độc tài » và giương cao hình chim bồ câu bằng giấy, biểu tượng cho hòa bình.

Kể từ tháng trước, các cuộc biểu tình quy mô nhỏ hơn, do sinh viên chủ trì, diễn ra gần như hàng ngày, đòi cải cách các định chế quyền lực, kể cả chế độ quân chủ, vốn được coi là một chủ đề húy kị trong xã hội Thái Lan. Ngày 10/08, khoảng 4.000 người biểu tình tập hợp tại một khu đại học ở Bangkok, và lần đầu tiên thống nhất 10 yêu sách cải cách chế độ quân chủ.

Nếu như trước đây, đích ngắm chủ yếu của phong trào đòi dân chủ là yêu cầu Thủ tướng Prayut Chan-O-Cha – cựu thủ lĩnh quân đội và tác giả của cuộc đảo chính năm 2014 – từ chức, thì giờ đây Quốc vương Thái Lan là đối tượng chính của phong trào. Các sinh viên đòi dân chủ yêu cầu xem xét lại điều khoản 112 Hiến pháp Thái Lan, trừng phạt những người phạm tội khi quân, theo đó, những ai « báng bổ » vua và hoàng gia có thể bị phạt tới 15 năm tù. Điều khoản trừng phạt tội khi quân mà nhiều nhà quan sát cho là khắc nghiệt nhất thế giới.

Vua Thái Lan Maha Vajiralongkorn, vương hiệu Rama X, sở hữu tài sản trị giá 60 tỉ đô la, sau khi lên ngôi năm 2016, đã tiến hành nhiều thay đổi lớn chưa từng có trong chế độ chính trị Thái Lan, đặt nhiều đơn vị vũ trang trực tiếp dưới quyền chỉ huy của nhà vua.

Ảnh: Người biểu tình sử dụng ký hiệu nhằm biểu đạt thông điệp tìm kiếm sự thay đổi ở Thái Lan

Điểm chung của các phong trào biểu tình đang diễn ra ở Belarus và Thái Lan là cuộc đấu tranh của người dân chống lại chế độ mà họ cho là độc tài.

Phong trào biểu tình tại hai quốc gia trên cũng đều có mục đích chung là chống độc tài, đòi tự do dân chủ và hướng đến một sự thay đổi chính quyền, dân chủ hóa đất nước.

Và một điểm chung quan trọng khác là những gì đang diễn ra tại Belarus và Thái Lan hiện nay là phong trào dân chủ thực sự chứ không phải là những biểu hiện của chủ nghĩa dân túy, tranh thủ lòng dân để đạt mục đích, lợi ích chính trị nào đó.

Lý giải cho nhận định này, ông Nguyễn Vũ Bình, cựu Biên tập viên Tạp chí Cộng sản, giải thích: “Đối với Belarus, với hàng trăm ngàn người với đầy đủ các thành phần tham gia biểu tình thì không thể nói là chiêu trò mị dân được.

Còn với Thái Lan, phong trào biểu tình xuất phát từ các trường đại học, giới trí thức luôn đi đầu trong các cuộc xuống đường. Mặt khác, việc đòi xem xét lại vai trò của hoàng gia Thái Lan cũng là chỉ dấu cho thấy đó là nguyện vọng đích thực của người dân.”

Còn Tiến sỹ Mai Thanh Sơn, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam thì lý giải: “Các cuộc xuống đường ở Belarus không có thủ lĩnh. Ở Thái Lan cũng vậy, tất cả các nguồn tin khả tín đều không đề cập đến vai trò tổ chức của các đảng phái hay các nhà hoạt động xã hội có tên tuổi. Một số nhà hoạt động bị bắt là vì những hành vi cá nhân chứ không phải bị kết tội tổ chức biểu tình.”

Trên thực tế, giống như phong trào của giới trẻ Hồng Kông, phong trào sinh viên đòi dân chủ tại Thái Lan không có người lãnh đạo thực sự, mà chủ yếu dựa vào các mạng xã hội để đưa ra các lời kêu gọi.

Ảnh: Người dân Belarus biểu tình ôn hòa phản đối kết quả bầu cử “gian lận” tại quảng trường Độc Lập, Minsk, ngày 25/08/2020

Từ các phong trào biểu tình đòi dân chủ tại Belarus và Thái Lan, trong cuộc phỏng vấn với BBC, các nhà quan sát Việt Nam nhận định ban lãnh đạo nhà nước và Đảng Cộng sản đang cầm quyền ở Việt Nam có thể rút ra được những bài học đáng kể.

Ông Nguyễn Vũ Bình cho rằng: “Bài học có ý nghĩa quan trọng nhất cần rút ra đối với nhà nước và đảng cộng sản đang cầm quyền là, ở đâu có áp bức, bất công là ở đó có đấu tranh. Ở đâu chưa có tự do, dân chủ là người dân sẽ đòi hỏi tự do dân chủ. Người dân sẽ đòi hỏi tự do dân chủ cho đến khi nào đạt được mới thôi, vì đó là khát vọng, nguyện vọng ngàn đời của con người nói chung, con người hiện nay nói riêng.

Một kinh nghiệm nữa cần lưu ý, nếu chuyển đổi, thay đổi từ độc tài sang dân chủ, cần thực hiện nghiêm túc, bằng các giải pháp đích thực để đưa tới tự do dân chủ cho người dân. Tất cả những thay đổi hình thức, giả dối hoặc nửa vời đều không đưa tới tự do dân chủ đích thực cho người dân. Và như vậy, người dân sẽ lại tiếp tục cuộc đấu tranh của mình để đòi hỏi tự do cho cá nhân và dân chủ cho toàn xã hội.”

Ông Mai Thanh Sơn thì phát biểu: “Tôi không nghĩ là phải chờ đến các phong trào biểu tình mới đây ở Hồng Kông, ở Thái Lan hoặc tại Belarus, thì những người cộng sản Việt Nam mới học được điều gì đó. Biểu tình là một trong những phương pháp chính để họ giành chính quyền mà. Người Việt từ xưa đến nay vẫn có câu “tức nước vỡ bờ”. Những người văn vẻ hơn thì hay trích Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn với di ngôn “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc” hoặc Nguyễn Trãi với mệnh đề nổi tiếng “đẩy thuyền là dân, mà lật thuyền cũng là dân”.

Cùng là người Việt, chắc chắn các đảng viên cộng sản không ai không hiểu điều đó. Vấn đề chỉ là liệu họ có ý thức để hướng đến sự thay đổi cho “nước đỡ tức” và “sức dân được khoan thư” hơn hay không mà thôi. Tôi e rằng, với một nền giáo dục lỗi thời và lạc điệu, một hệ thống truyền thông luôn cung cấp “một nửa sự thật” như hiện nay, những bài học mà đảng cộng sản Việt Nam rút ra trong lịch sử cũng như mới học được trong thời gian gần đây sẽ chỉ được vận dụng theo một cách nào đó để “giữ vững chế độ” hơn là cải cách dân chủ.”

Ảnh: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ “tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp” sau khi trúng cử Chủ tịch nước ngày 23/10/2018

Câu hỏi đặt ra hiện nay mà chắc hẳn chính quyền cộng sản Việt Nam đang rất quan tâm là tương lai nào cho Belarus và Thái Lan? Khủng hoảng chính trị sẽ đi về đâu?

Theo giới chuyên gia, để cuộc khủng hoảng được giải quyết một cách ôn hòa, nhiều khả năng là các bên liên quan sẽ chọn « mô hình » cuộc cách mạng nhung Armenia năm 2018 như một giải pháp tối ưu.

Vậy mô hình Armenia là gì? Cuộc phản kháng của dân chúng Armenia, bùng lên từ tháng 03 kéo dài đến tháng 05/2018, đã buộc chính quyền phải đối thoại với phe đối lập. Dưới áp lực của dân chúng, lãnh đạo đối lập Nikol Pachinian đã được Quốc Hội, do đảng Cộng hòa cầm quyền kiểm soát, bầu làm thủ tướng. Tháng 12/2018, Quốc hội Armenia bầu cử sớm, liên minh cải cách do lãnh đạo đối lập đứng đầu giành được 70% số phiếu, đánh dấu cho một thay đổi lớn lao trong đời sống chính trị Armenia, diễn ra trong hòa bình, thông qua bầu cử.

Còn tại Thái Lan, nhà cầm quyền cũng đang có những động thái lắng nghe khi ngày 18/08, Chủ tịch Hạ viện Chuan Lekpai đã chấp nhận kiến nghị do phe đối lập đệ trình về sửa đồi điều 256 Hiến pháp, mở đường cho việc thành lập một cơ quan soạn thảo Hiến pháp mới. 

Về phần mình, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cho biết các nỗ lực đang được tiến hành để xem xét các yêu cầu sửa đổi Hiến pháp, chỉ ra rằng Hạ viện đã thành lập một ủy ban để nghiên cứu việc sửa đổi các điều lệ. Đồng thời, Chính phủ có kế hoạch tổ chức diễn đàn để lắng nghe ý kiến của sinh viên tham gia biểu tình.

Hải Yến – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Navalny – Đối thủ của Putin đột nhiên trúng “kịch độc”

>>> Mặc Phú Trọng lo Đại hội – Quan chức “lũ lượt” sang Đảo Síp

>>> Tiết lộ từ Bộ Công an – Trung Quốc nguy hiểm thế nào?

Kasse animation 7.8.2023