Biển Đông: Trung Quốc bội tín, vừa đấm vừa xoa

Link Video: https://youtu.be/G_L7UuU-pGU

Ngay trong thời điểm tiến hành tập trận ở ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa chiếm của Việt Nam vào năm 1974, Trung Quốc lại kêu gọi các nước ASEAN tiếp tục đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Vậy Trung Quốc đang ấp ủ thủ đoạn gì để thực hiện giấc mơ bá quyền trên Biển Đông?

Từ ngày 01 – 05/7/2020, Trung Quốc tiến hành tập trận ở ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa.

Chỉ hai ngày sau khi ASEAN bày tỏ quan ngại về tình hình phức tạp trên Biển Đông trong cuộc họp trực tuyến do Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, Cơ quan An toàn Hàng hải Trung Quốc thông báo thao dượt quân sự quanh quần đảo Hoàng Sa từ ngày 01 đến 05/7/2020.

Thông tin được nêu trong một bài phân tích đăng trên Hoàn Cầu Thời Báo tối ngày 28/6/2020.

Theo đó, trong vòng năm ngày, Trung Quốc đơn phương cấm mọi tàu thuyền hoạt động trong khu vực này.

Đây là một trong ba cuộc tập trận mà báo chí Trung Quốc gọi là « tam đại chiến địa » ở ba vùng biển từ bắc xuống nam : Hoàng Hải, Hoa Đông và Nam Hải (Biển Đông) để phô trương sức mạnh.

Hàng năm, Trung Quốc vẫn tổ chức một cuộc thao dượt quân sự quanh quần đảo Hoàng Sa nhằm củng cố và khẳng định quyền kiểm soát khu vực này.

Theo trang Nikkei Asia Review, Trung Quốc vẫn khẳng định Biển Đông là một « lợi ích cơ bản » thiết yếu để duy trì quyền kiểm soát chính trị của Đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Qua RFI, Nhà nghiên cứu Mathieu Duchâtel (Ma-thiu Đuy-sa-ten), Giám đốc Chương trình châu Á, Viện Montaigne (Mông-te-nhơ) (Institut Montaigne), có trụ sở tại Paris cho biết cuộc tập trận của Trung Quốc ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa có vài điểm đáng lưu ý.

Ảnh: hai nhóm tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan tiến vào Biển Đông Nam Á

Điểm thứ nhất, những kịch bản và thiết bị quân sự được huy động tham gia tập trận cho thấy chiến dịch này chuẩn bị cho một phương án mang tính tấn công. Có hai dấu hiệu lý giải cho nhận định này. Thứ nhất, đây là cuộc diễn tập đổ bộ từ tàu đổ bộ. Bởi vậy mà tàu đổ bộ của Hải quân Trung Quốc 071 đã được nhìn thấy ở đảo Phú Lâm (Woody Island) và tham gia vào cuộc tập trận. Kịch bản đổ bộ là tâm điểm của cuộc tập trận của Hải quân Trung Quốc. Thứ hai, lực lượng hải cảnh Trung Quốc cũng tham gia vào cuộc tập trận. Đây là điểm đáng chú ý : Cả Hải quân và Hải cảnh Trung Quốc cùng tập trận trong bối cảnh vừa có một đợt cải cách, theo đó lực lượng hải cảnh được xếp dưới thẩm quyền của Quân ủy Trung ương, có nghĩa là bộ chỉ huy cao nhất của quân đội Trung Quốc trong thời chiến.

Điểm thứ hai liên quan đến những tín hiệu chính trị được Bắc Kinh gửi đi, vào lúc có nhiều tin đồn từ phía Việt Nam về việc Hà Nội có khả năng đi theo hướng Philippines từng làm tức là viện đến luật pháp quốc tế để thách thức Trung Quốc về vấn đề chủ quyền ở Biển Đông. Cuộc tập trận của Trung Quốc là một tín hiệu mạnh, đầy tính chính trị, từ phía Bắc Kinh gửi đến Hà Nội.

Điểm thứ ba liên quan đến các cuộc đàm phán trong ASEAN. Lập trường của Trung Quốc không thay đổi vì Bắc Kinh tìm kiếm một Bộ Quy tắc ứng xử cho phép hạn chế quyền của hải quân các nước không nằm trong khu vực, trước tiên là Hoa Kỳ, nhưng còn có Nhật Bản, các nước phương Tây, Úc và có thể là cả Ấn Độ. Có nghĩa là những nước đó không được vào Biển Đông mà không được phép trước. Đây là điểm đàm phán quan trọng của Trung Quốc trong hai năm gần đây. Và dĩ nhiên, để gây sức ép về điểm này thì việc phô trương sức mạnh sẽ mang lại lợi thế trong đàm phán.

Điểm thứ tư về tín hiệu chính trị, hiện đây là giai đoạn căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, cũng như giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ. Phía Trung Quốc có thể có phần nào đó lo lắng trước thế đối đầu của Washington đối với Bắc Kinh, cũng như việc hai tầu sân bay của Mỹ hoạt động cùng lúc ở Biển Đông. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2014, hai cụm tầu sân bay diễn tập chung trong khu vực.

Ngay vào hôm đầu tiên diễn ra cuộc tập trận tức ngày 01/7/2020, Trung Quốc đã đề xuất khởi động lại đàm phán COC nhân Hội nghị tham vấn ASEAN –Trung Quốc.

Ảnh: Quang cảnh buổi họp thượng đỉnh khối ASEAN lần thứ 36 qua cầu truyền hình từ Hà Nội, ngày 26/6/2020 dưới sự chủ trì của Việt Nam, quốc gia là chủ tịch luân phiên của ASEAN

Ngay trước đó, trong cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến ngày 26/6/2020, do Việt Nam tổ chức với tư cách Chủ tịch luân phiên ASEAN, các nước Đông Nam Á đã tỏ lập trường cứng rắn hơn bao giờ hết đối với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông.

Trong cuộc họp đó, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, với vai trò chủ trì hội nghị, đã tuyên bố : « Trong khi toàn thế giới đang phải chống dịch, những hành động vô trách nhiệm và vi phạm luật quốc tế vẫn tiếp tục diễn ra, tác động đến môi trường an ninh và ổn định của khu vực ». Tuy không nêu đích danh, nhưng tuyên bố này rõ ràng là nhắm vào Trung Quốc.

Trong bản tuyên bố chung khi kết thúc Thượng đỉnh ASEAN 36, lãnh đạo các quốc gia trong khu vực đã nêu mối quan ngại về những diễn biến gần đây tại Biển Đông và nhấn mạnh tầm quan trọng của Công ước Luật biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS). Đối với ASEAN, UNCLOS 1982 « là cơ sở để xác định các quyền lợi hàng hải, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích hợp pháp đối với các vùng biển. ». Các lãnh đạo ASEAN một lần nữa khẳng định các bên phải « giải quyết hoà bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 ».

Tuyên bố lần này của ASEAN vẫn không nêu đích danh Trung Quốc là nước gây ra những sự cố nghiêm trọng gần đây ở Biển Đông : đưa tàu khảo sát đến cản trở các hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam và Malaysia, đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam ở gần quần đảo Hoàng Sa. Nhưng có thể nói là qua tuyên bố nói trên, lãnh đạo các quốc gia trong ASEAN đã thẳng thừng bác bỏ các yêu sách về chủ quyền ở Biển Đông của Trung Quốc.

Bản tuyên bố chung của ASEAN được coi là thắng lợi bước đầu của tổ chức khu vực này trên vấn đề Biển Đông, chủ đề đã chia rẽ các nước trong nhiều năm.

Nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore nhận định việc các lãnh đạo ASEAN đã khẳng định Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS phải là cơ sở để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông có một ý nghĩa quan trọng.

Ông phân tích: “Lâu nay, các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông là không phù hợp với UNCLOS và bằng việc gắn luật pháp quốc tế với Công ước về Luật Biển năm 1982, ASEAN cũng như Việt Nam đã gián tiếp bác bỏ những yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông, cũng như thể hiện thái độ ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực trong vụ Philippines kiện Trung Quốc.

Đây là một bước tiến, tại vì lâu nay các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng có thái độ không thật sự rõ ràng đối với các phán quyết này. Ở đây chúng ta có thể thấy vai trò quan trọng của Việt Nam trong việc dẫn dắt các nước ASEAN đàm phán để mà có thể có một tuyên bố chung như vậy.”

Liệu trong bối cảnh ASEAN đạt được đồng thuận ban đầu về vấn đề Biển Đông mà Trung Quốc tỏ nhã ý thúc đẩy đàm phàn COC?

Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông được xem là một công cụ pháp lý mang tính ràng buộc nhằm giảm « căng thẳng, duy trì hòa bình, ổn định và an ninh » tại vùng biển này. Tiến trình đàm phán COC được dự trù vào đầu năm nay đã bị gián đoạn vì dịch COVID-19. Lần gần đây nhất các bên thảo luận với nhau về COC là hồi tháng 10/2019. Bắc Kinh từng cho biết mong muốn COC chóng được hoàn tất để có hiệu lực vào năm 2021 và thậm chí còn nêu lên viễn cảnh kết thúc đàm phán nội trong năm nay. Hứa hẹn kèm theo là với COC, các bên không còn phải bận tâm về an ninh trên biển.

Tuy nhiên một số nhà quan sát cho rằng virus corona chỉ là cái cớ để Trung Quốc áp dụng kế hoãn binh, tranh thủ thời gian thế giới lao đao vì COVID-19 để tiếp tục lấn chiếm biển đảo, qua đó « đặt thế giới trước chuyện đã rồi ».

Việc thúc đẩy đàm phán COC liệu có phải là đòn “vừa đấm vừa xoa” của Trung Quốc, một cử chỉ hòa hoãn của Bắc Kinh nhắm vào các đối tác ASEAN, hay ngược lại là dấu hiệu chính quyền Trung Quốc đang rất tự tin vào khả năng áp đặt luật chơi với vùng biển mà 55 % hàng hóa của Đông Nam Á phải đi qua?

Ảnh: Biển Đông có vai trò địa chính trị quan trọng trên bản đồ thế giới

Theo quan điểm Nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, có thể là Trung Quốc muốn cải thiện hình ảnh của mình vào lúc mà một phần công luận trong khu vực phải đối phó với dịch COVID-19 xuất phát từ Vũ Hán, mà Indonesia và Philippines là hai quốc gia Đông Nam Á có số nạn nhân cao nhất trong vùng.

Giáo sư Stephen Nagy, Trường Đại Học Công Giáo Tokyo thì cho rằng đề nghị của Trung Quốc được đưa ra vào thời điểm này cho thấy Bắc Kinh tin tưởng sẽ quay trở lại bàn đàm phán, dù là qua cầu truyền hình, trong « thế mạnh », trong lúc nhiều nước ASEAN đã bị Covid-19 làm suy yếu, nhất là về mặt kinh tế. Sự hiện diện dồn dập của Hải quân Trung Quốc và những hành động nhằm phô trương sức mạnh của guồng máy quân đội Trung Quốc tại Biển Đông gần đây cũng có thể là một đòn răn đe để nhắn nhủ với các nước Đông Nam Á rằng, các bên đều có lợi một khi Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông hoàn tất và có hiệu lực.

Để COC có thể được áp dụng từ năm tới, các bên chỉ còn rất ít thời gian để tiếp tục đàm phán. Giới quan sát cho rằng chưa chắc Bắc Kinh có thể dễ dàng nhượng bộ ASEAN mà thay vào đó sẽ chèn ép các đối tác trong khu vực, trong bối cảnh mà bản thân các nước Đông Nam Á đang gặp nhiều khó khăn và cần khơi dậy tinh thần đoàn kết dân tộc.

Giáo sư Jay Batongbacal chuyên về Luật biển quốc tế, thuộc Trường Đại Học Philippines đánh giá đàm phán trong giai đoạn sắp tới về COC sẽ gay go, nhưng cũng không loại trừ khả năng để cứu vãn thể diện, các bên có thể sẽ phác họa ra một văn bản thỏa thuận rất chung chung, bởi vì ASEAN và Trung Quốc « không có sự chọn lựa nào khác. Đôi bên sẽ phải tiếp tục đối thoại, tránh để một trong hai phía tuyên bố rút lui, vì đó sẽ là một thất bại ».

Nói tóm lại như đánh giá của tờ báo Nhật Bản Yomiuri Shimbun ngày 07/7/2020, mặc dù đề xuất nối lại đàm phán về COC, Trung Quốc vẫn tiếp tục khuấy động Biển Đông và vẫn thiên về đối thoại giữa Bắc Kinh « với các nước liên quan », mà muốn quên đi yếu tố Hoa Kỳ.

Nhà nghiên cứu Mathieu Duchâtel khẳng định Bộ Quy tắc ứng xử thực chất là cách để hải quân Trung Quốc lập mạng lưới thống trị toàn bộ vùng biển này.

Tuy nhiên, ông dự đoán Trung Quốc sẽ không đạt được thỏa thuận theo đúng như mong muốn của nước này với ASEAN bởi cộng đồng quốc tế ngày càng nghi ngờ về độ tin cậy trong lời nói của Trung Quốc, đặc biệt là gần đây Bắc Kinh quyết định áp đặt luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông bất chấp thỏa thuận với Anh Quốc khi trao trả Hồng Kông về Hoa lục, cũng như quy chế « một quốc gia, hai chế độ ».

Cùng với đó là vụ ẩu đả chết người gần đây ở biên giới với Ấn Độ trên núi Himalaya; sự hiện diện bất thường của Trung Quốc về tần suất liên tục và thời gian dài kỷ lục ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, điểm tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản; những cuộc thâm nhập, ngày càng nhiều và nghiêm trọng hơn, vào không phận của Đài Loan.

Tất cả những sự kiện liên tiếp diễn ra trong những ngày gần đây ngày càng chứng tỏ Trung Quốc đã chọn dùng sức mạnh răn đe thay vì tạo dựng niềm tin với cộng đồng quốc tế. Và dĩ nhiên, Bắc Kinh sẽ phải trả giá về mặt quan hệ đối ngoại và rất có thể là việc đánh mất hoàn toàn niềm tin của các nước ASEAN, khu vực mà Trung Quốc đang cố gắng biến thành sân sau của mình.

Học giả người Pháp còn cho rằng qua những sự kiện trên, Trung Quốc thực sự muốn có chiến lược phòng thủ. Bắc Kinh đang làm mọi cách không để cho thế giới thấy những điểm yếu, khả năng bị tổn thương trong giai đoạn hậu COVID-19 của mình. Trong cuộc khủng hoảng dịch tễ toàn cầu này, Trung Quốc bị tấn công rất nhiều về những phát ngôn bị cho là thiếu chính xác và danh tiếng của họ bị xấu đi nhiều trên mặt ngoại giao. Vì thế, Trung Quốc đang phải tranh thủ tìm cách thu lợi tối đa vào lúc mà nước này có thể sẽ bị suy yếu hoặc bị nhiều nước khác cho là yếu đi.

Hoàng Trung – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Các đại sứ Mỹ ở ASEAN “tổng tấn công” Trung Quốc về Biển Đông

>>> Mỹ quyết “đánh gục” đế chế hàng hải Trung Quốc

>>> Việt Nam trong cuộc đọ sức Mỹ – Trung ở Biển Đông

Bị Mỹ đóng cửa lãnh sự quán – TQ vội “phản đòn”

Kasse animation 7.8.2023