Việt Nam: Chủ Nghĩa Xã Hội và tệ nạn “buôn người”

Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=oAswAKkJDYw

Hôm 25/6, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, Cố vấn Tổng thống Ivanka Trump, và Đại sứ John Richmond công bố phúc trình thường niên 2020 về Buôn người, trong đó liệt Việt Nam vào nhóm các nước cần được theo dõi “do chưa thực hiện đầy đủ các tiêu chí tối thiểu” trong việc xóa bỏ nạn buôn người.

Phúc trình của Bộ Ngoại giao Mỹ viết: “Chính phủ Việt Nam không đáp ứng đầy đủ các tiêu chí tối thiểu để loại bỏ nạn buôn người, dù đang nỗ lực rất nhiều để làm như vậy”.

Đây là năm thứ ba liên tiếp, chính phủ Việt Nam vẫn báo cáo rằng con số nạn nhân năm nay thấp hơn đáng kể so với năm trước. “Các thủ tục xác định và hỗ trợ nạn nhân vẫn còn cồng kềnh, chậm chạp và không hiệu quả”, phúc trình cho biết.

Chính phủ Việt Nam báo cáo con số nạn nhân buôn người trong năm 2019 là 300, so với năm 2018 là 490, phúc trình cho biết.

Chính phủ không cung cấp toàn diện thống kê các trường hợp phân loại buôn bán người, tuổi hay giới tính nạn nhân, nơi xuất phát hoặc điểm đích của các vụ buôn người”, báo cáo viết.

Phúc trình của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhắc đến vụ 39 người Việt chết trong thùng xe đông lạnh ở Anh vào tháng 10/2019 và sau đó chính phủ Việt Nam bắt đầu điều tra làm rõ thảm họa này, cũng như ngăn chặn việc đưa di dân lậu ra nước ngoài.

Chưa có phản hồi chính thức nào từ Việt Nam về phúc trình mới nhất của Bộ Ngoại giao Mỹ, nhưng trước đây Việt Nam từng nói báo cáo này của Hoa Kỳ có những nhận xét “không khách quan”.

Vào năm 2019, lần đầu tiên kể từ năm 2012, Việt Nam bị Hoa Kỳ hạ cấp xuống nhóm các nước cần được theo dõi về tình trạng buôn người, tức Bậc 2 Cần Theo dõi (Tier 2 Watchlist).

Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, một nước chỉ được liệt hai năm liên tiếp vào Bậc 2 Cần Theo dõi. Với quy định này, nếu tình hình buôn người ở Việt Nam trong năm nay không được cải thiện, nước này sẽ bị liệt vào Bậc 3 vào năm tiếp theo.

Báo cáo của Đại sứ quán Hoa kỳ tại Việt nam ghi nhận THỰC TRẠNG BUÔN NGƯỜI Ở VIỆT NAM như sau:

Ảnh: Cố vấn Tổng thống Ivanka Trump phát biểu hôm 25/6/2020, cùng Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo (phải), và Đại sứ John Richmond, trong lễ công bố phúc trình thường niên 2020 về Buôn người

Như đã báo cáo trong 5 năm qua, bọn buôn người bóc lột các nạn nhân trong nước và nước ngoài ở Việt Nam và bóc lột các nạn nhân từ Việt Nam đi ra nước ngoài.

Đàn ông và phụ nữ Việt Nam di cư ra nước ngoài để lao động tự do hoặc thông qua các công ty tuyển dụng lao động của nhà nước, tư nhân hoặc cổ phần.

Một số công ty tuyển dụng không đáp lại các yêu cầu trợ giúp của người lao động trong những trường hợp họ bị bóc lột, và một số công ty thu phí quá cao khiến cho người lao động dễ bị rơi vào tình trạng buộc phải lao động trừ nợ.

Bọn buôn người biến các nạn nhân trở thành đối tượng của cưỡng bức lao động trong các ngành xây dựng, ngư nghiệp, nông nghiệp, khai thác mỏ, khai thác gỗ và công nghiệp chế tạo, chủ yếu ở Angola, Nhật Bản, Lào, Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất;

ngày càng có nhiều báo cáo về nạn nhân buôn người là người lao động Việt Nam ở Vương quốc Anh và Ailen (trong đó có người lao động ở các trang trại trồng cần sa), châu Âu, Trung Đông, và trong các ngành công nghiệp hàng hải Thái Bình Dương.

Các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô lớn của Việt Nam ở các nước láng giềng như Lào có thể bóc lột người lao động Việt Nam và nước ngoài.

Bọn buôn người bóc lột phụ nữ và trẻ em Việt Nam là nạn nhân của tình trạng buôn bán nô lệ tình dục ra nước ngoài;

Nhiều người bị lừa gạt về các cơ hội lao động và sau đó bị bán cho các nhà thổ ở vùng biên giới Trung Quốc, Campuchia, Lào và các nước châu Á khác, trong đó có Malaysia, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan và Thái Lan.

Một số phụ nữ Việt Nam ra nước ngoài để kết hôn theo môi giới quốc tế hoặc để làm việc trong các nhà hàng, cơ sở mát-xa, quán bar karaoke – bao gồm đến các nước như Trung Quốc, Cộng hòa Síp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Ả rập Xê út, Singapore, và Đài Loan – trở thành nô lệ giúp việc gia đình hoặc nô lệ tình dục.

Bọn buôn người ngày càng gia tăng sử dụng internet, các trang web chơi game và đặc biệt là mạng xã hội để nhử các nạn nhân tiềm tàng vào những tình huống dễ bị tổn thương; đàn ông thường dụ dỗ phụ nữ trẻ và trẻ em gái vào các mối quan hệ hẹn hò trên mạng và thuyết phục họ ra nước ngoài, sau đó biến họ thành nạn nhân của cưỡng bức lao động hoặc nô lệ tình dục.

Một số kẻ buôn người đăng hình ảnh của mình giống như cảnh sát trên mạng xã hội để chiếm được lòng tin của nạn nhân.

 Trong quá trình di cư, các băng nhóm tội phạm ở châu Âu và bọn buôn người thường bóc lột nạn nhân Việt Nam dưới hình thức cưỡng bức lao động hoặc bóc lột tình dục trước khi nạn nhân đến được đích cuối cùng.

Ở trong nước, bọn buôn người bóc lột đàn ông, phụ nữ và trẻ em Việt Nam – đặc biệt là trẻ em lang thang và trẻ em khuyết tật – biến họ thành nạn nhân của cưỡng bức lao động, mặc dù có rất ít thông tin về các vụ việc này.

Bọn buôn người bóc lột trẻ em và người đã thành niên dưới hình thức cưỡng bức lao động trong ngành may mặc, tại đó công nhân bị ép buộc làm việc thông qua hình thức đe dọa và hăm dọa.

Có các báo cáo về việc trẻ em 6 tuổi đã phải làm nghề may dưới các điều kiện cưỡng bức lao động trong các cơ sở may mặc nhỏ thuộc sở hữu tư nhân và trong các xưởng không chính thức, và trẻ em 12 tuổi đã phải làm việc khi đang bị tạm giữ trong các trung tâm cai nghiện của nhà nước.

Ảnh: hồi tháng 4-2020, hình ảnh Cậu bé Hà Giang 12 tuổi cõng gạch cay kiếm 18.000 đồng/ngày đã khiến cộng đồng mạng sửng sốt. Tuy nhiên đây chỉ là một trong số nhiều trường hợp trẻ em miền núi phải vật lộn mưu sinh khi đang tuổi cắp sách đến trường. Có thể thấy trong bức ảnh, một cậu bé nhỏ người đang oằn mình cõng 3 viên gạch cay lên bản với giá 2.000 đồng/viên gạch nặng khoảng 12 kg. Theo người đăng tải thì quãng đường lên bản khá xa và dốc ngược, xe máy không lên được nên đều phải dùng sức người; Mỗi ngày cậu bé cõng được 3 chuyến, đồng nghĩa với việc kiếm được 18.000 đồng và đây là một số tiền khá lớn đối với cậu và gia đình.

Bọn buôn người ép buộc trẻ em hành nghề bán rong và ăn xin trên đường phố ở các trung tâm đô thị lớn. Chúng biến một số trẻ em trở thành nạn nhân của cưỡng bức lao động hoặc lao động để trừ nợ trong các nhà máy gạch, các gia đình ở đô thị và các mỏ vàng ở nông thôn do tư nhân khai thác.

Bọn buôn bán nô lệ tình dục nhắm mục tiêu vào nhiều trẻ em đến từ các vùng nông thôn nghèo và ngày càng nhiều phụ nữ đến từ tầng lớp trung lưu và khu vực đô thị.

Bọn buôn người cũng ngày càng gia tăng bóc lột trẻ em gái thuộc các cộng đồng người dân tộc thiểu số ở Tây Bắc, bao gồm bóc lột nô lệ tình dục và nô lệ giúp việc gia đình, bằng cách lợi dụng tập quán bắt cóc cô dâu truyền thống để thực hiện hoạt động tội phạm của chúng.

Khách du lịch tình dục trẻ em, theo báo cáo đến từ châu Á, Vương quốc Anh và các nước khác ở châu Âu, Australia, Canada và Hoa Kỳ, có bóc lột trẻ em ở Việt Nam. Các nhà hàng Bắc Triều Tiên hoạt động ở Việt Nam có thể bóc lột người lao động Bắc Triều Tiên dưới hình thức cưỡng bức lao động.

Mặc dù chính phủ công bố rằng người sử dụng ma túy không còn bị cưỡng bức lao động trong các trung tâm cai nghiện, nhưng các tổ chức quốc tế và giới truyền thông báo cáo rằng nhà chức trách vẫn tiếp tục duy trì tình trạng nói trên.

Một điều luật năm 2014 yêu cầu phải có trình tự tố tụng tư pháp trước khi tạm giữ người sử dụng ma túy trong các trung tâm cai nghiện bắt buộc và người bị tạm giữ chỉ phải làm việc tối đa bốn giờ một ngày.

Tháng 8 năm 2018, có các báo cáo về việc 200 người trốn khỏi một trung tâm cai nghiện ma túy của nhà nước khai rằng nhà chức trách ép buộc họ làm việc tám giờ một ngày không có thù lao và trừng phạt họ, bao gồm cả đánh đập, nếu họ “cư xử không đúng”.

Pháp luật Việt Nam cho phép bắt buộc tù nhân lao động chân tay, tức là cho phép sử dụng cưỡng bức lao động như một phương tiện để trừng phạt những người bất đồng chính kiến về chính trị và tôn giáo.

Ảnh: hầu hết tù nhân Việt nam đều bị cưỡng bức phải lao động mà không được trả lương

Theo báo cáo, tù nhân làm việc trong ngành nông nghiệp và chế tạo, và đã có các báo cáo về việc tù nhân lương tâm đang làm việc trong các ngành nghề độc hại như chế biến hạt điều.

Các cán bộ nhà nước Việt Nam, chủ yếu ở cấp xã và thôn, đồng lõa và giúp sức cho việc buôn bán hoặc bóc lột nạn nhân bằng cách nhận hối lộ của bọn buôn người, bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo buôn người, và moi tiền để đổi lấy việc nạn nhân được đoàn tụ với gia đình.

Giới chức ngoại giao Hoa Kỳ gặp gỡ người Thượng Tây Nguyên

Các nhà ngoại giao Hoa Kỳ vừa gặp gỡ các tín hữu Tin Lành độc lập, các cựu tù nhân, và đại diện các nhóm tôn giáo khác nhau tại các tỉnh Tây Nguyên của Việt Nam. Theo những người tham dự, hai cuộc gặp tại Đăk Lăk và Gia Lai vào tuần trước diễn ra suôn sẻ, dù họ bị an ninh “theo dõi” cả trước và sau khi gặp phái đoàn Hoa Kỳ.

Mục sư Tin Lành Nguyễn Hồng Quang cho VOA biết nội dung trao đổi giữa các tín đồ và ông Noah Zaring, tham tán chính trị và ông Gaetan Damberg-Ott, viên chức chính trị:

Tại Gia Lai có 8 người gặp, tại Đăk Lăk có 12 người gặp. Khác với các lần gặp trước, lần này [phía Mỹ] quan tâm rất chi tiết hơn, hỏi thăm các nhóm Tin Lành chưa được công nhận, kể cả nhóm có pháp nhân, họ có khó khăn gì và còn vấn đề gì tồn tại? khi đã cho phép hoạt động thì họ còn gặp khó khăn gì? Đối với các tín đồ vì lý do tự do tôn giáo mà trước đây từ 2001-2004 đấu tranh mà bị đi tù thì quay về phải đối diện với những khó khăn gì?”

Ông Y Quy Buon Dap, người dân tộc Eđê, ở làng Ea Khit, huyện Cư Kuin, tỉnh Đăk Lăk, một tín đồ Tin Lành, đồng thời là một thành viên nhóm vận động Người Thượng vì Công lý (Montagnards stand for Justice), cho VOA biết thêm về cuộc gặp giữa ông, cùng các tín đồ khác và hai viên chức ngoại giao Hoa Kỳ.

Tôi nói lên sự thật về tình hình tự do tôn giáo và nhân quyền tại Việt Nam, từ năm 2018 cho đến nay chúng tôi vẫn còn chịu sự sách nhiễu, đe dọa, đàn áp, bắt bớ từ nhà cầm quyền. Họ canh gác, theo dõi thường xuyên. Nhiều tín đồ và lãnh đạo hội thánh bị áp giải lên đồn công an thẩm vấn.

“Họ tuyên truyền trong các cuộc họp với quần chúng để tẩy chay hội thánh của chúng tôi, hăm dọa người dân không được tiếp cận với giáo dân, tín đồ trong hội thánh của chúng tôi, cho rằng đó là “tà đạo.”

Họ nói chúng tôi lợi dụng tôn giáo để chống phá Đảng và Nhà nước. Họ gán ghép như vậy để xóa bỏ tôn giáo của người Montagnard Đềga của chúng tôi.

Nhiều hội thánh của chúng tôi chưa dám công khai hoạt động, thờ phượng vì sợ bắt đi tù như trường hợp của thầy truyền đạo Y Pum Bya, tín đồ Y Min Ksor, mục sư A Đảo.”

Mục sư Nguyễn Hồng Quang cho biết lực lượng an ninh có mặt xuyên suốt và “làm phiền” tại cuộc gặp ở Đăk Lăk hôm 17/06:

Rất đông an ninh, công an tỉnh Đăk Lăk biết trước cuộc gặp này, họ ngồi đó rất đông, gây áp lực với khác sạn Sài Gòn Buôn Mê, nơi phái đoàn Mỹ đặt phòng họp. Họ hỏi danh sách, lấy giấy tờ giống như mình nghỉ qua đêm, trong khi mình là khách mời đến chỉ uống nước. Tôi có nói với họ là đừng làm phiền chúng tôi.”

Ông Y Quy Buon Dap cho VOA biết cả ba tín đồ trong nhóm của ông đều bị an ninh theo dõi, có trường hợp an ninh tìm đến nhà để “dò xét” sau cuộc gặp.

Cả ba người đều bị theo dõi. Khi gặp viên chức đại sứ quán Mỹ có công an chụp hình lén. Hôm sau, tôi về tới nhà thì có công an canh gác tư gia rất nhiều.”

VOA đã liên lạc với công an tỉnh Đăk Lăk và khách sạn Sài Gòn Ban Mê để tìm hiểu thêm về cáo cuộc “làm khó” khách tham dự cuộc họp với các nhà ngoại giao Mỹ, nhưng chưa được phản hồi.

Từ North Carolina, ông Y Phic Hdok, đại diện cho Montagnards Stand for Justice cho VOA biết rằng “cuộc gặp gỡ giữa phái đoàn Hoa Kỳ và các tín đồ của hội thánh tư gia là một điều rất quan trọng.”

Ông Y Phic cho biết thêm: “Đó là cơ hội để họ lắng nghe những câu chuyện thật của từng cá nhân bị đe doạ, đàn áp về vấn đề thực hành niềm tin của mình.

Nhiều mục sư và tín đồ khác hiện tại luôn bị đe doạ, ép bỏ đạo, để theo tôn giáo mà họ trọn quyền kiểm soát, họ tuyệt đối không cho những tín đồ họp lại với nhau, họ kiếm những lý do để mời các tín đồ lên đồn công an hay làm việc một cách vô cớ, họ cho rằng tôn giáo mà các tín đồ đang theo là “của Mỹ đang âm mưu lật đổ chính quyền,” nhưng đó chỉ là cái cớ để chính quyền gán mác để đàn áp, và xúi giục những người dân khác không đi theo.”

Hôm 10/06/2020, trong phúc trình thường niên về tự do tôn giáo 2019, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết “chính quyền ở các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục sách nhiễu các tín đồ Tin lành thuộc dân tộc thiểu số,” với việc “các quan chức chính phủ tiếp tục tấn công, theo dõi, thẩm vấn, bắt giữ một cách tùy tiện và phân biệt đối xử với các tín đồ, một phần vì các hoạt động tôn giáo của họ.”

Hoàng Trung từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Mỹ chuẩn bị “trừng phạt” các công ty gian lận tại Việt Nam

>>> Xuất khẩu “gái bán hoa” – ưu việt kinh tế XHCN

>>> Vụ Repsol: Việt Nam phải bồi thường 1,2 Tỷ đô?

Vụ Hồ Duy Hải: Thêm bằng chứng “ngoại phạm” và sự trâng tráo của hai “ông Nghị”

Kasse animation 7.8.2023