Ngày 18/6, Thượng tướng Phạm Trường Long, Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã dẫn đầu một đoàn đại biểu quân sự cấp cao Trung Quốc bắt đầu chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.
Theo kế hoạch, ông Long và phái đoàn sẽ „thăm và làm việc“ ở Việt Nam tới ngày 20/6, sau đó họ sẽ đi tới vùng biên giới, đồng chủ tọa với Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam „các sự kiện giao lưu cấp cao biên giới Việt – Trung lần thứ 4“.
Thế nhưng sau khi đưa tin Thượng tướng Phạm Trường Long hội đàm với Đại tướng Ngô Xuân Lịch và được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp, các báo, đài Việt Nam đã không hề nhắc tới các hoạt động khác của ông tướng này cũng như không đả động gì tới việc ông ta về nước trước thời hạn và „Sự kiện giao lưu cấp cao biên giới Việt – Trung lần thứ 4“ bị hủy bỏ.
Trả lời thảo luận trên Facebook Live của BBC tiếng Việt ngày 22/6, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu người Việt ở Singapore nói theo ông biết thì „phía Việt Nam đã mời Thượng tướng Trung Quốc về“ vì các phát biểu của ông ta.
Đây là cách nói lịch sự theo ngôn ngữ ngoại giao. Còn nếu nói thẳng ra thì Phạm Trường Long đã bị chủ nhà đuổi về vì nói càn. Theo bản tin Anh ngữ của báo Quân đội Trung Quốc, trong chuyến thăm, Phạm Trường Long tuyên bố „các đảo tại Nam Hải là lãnh thổ Trung Quốc từ thời cổ xưa“, chẳng khác gì một người khách đến thăm, được chủ nhà đón tiếp lịch sự, nồng nhiệt lại được thể, nói năng hống hách, trơ tráo rằng „Cái ao của các vị và những thứ trong đó là của nhà tôi từ lâu rồi“. Chắc Phạm Trường Long tưởng rằng chủ nhà sợ mình, tới mức đưa ba nhà lãnh đạo cao nhất ra tiếp đón một người mà xét ra về mặt chức vụ, Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Ngô Xuân Lịch đón tiếp đã là quá đủ. Phạm Trường Long không biết rằng Việt Nam vốn trọng lễ nghĩa và mềm dẻo, nhưng quyết không chịu nhục, cúi đầu trước một kẻ láo xược.
Lê Anh – Thoibao.de