Thực ra cho đến nay chúng ta đang đứng trước một sự lựa chọn khá rõ ràng, hiện tại đặt ra cho chúng ta những thách thức khá là khó khăn, nhưng cũng có nhiều cơ hội ẩn chứa bên trong.
Đặt vào địa vị một quốc gia bang giao, nhìn vào hệ thống các quốc gia xã hội chủ nghĩa, đều hoặc đã có ý định từ bỏ (Cuba), hoặc đều bị cô lập trong đói nghèo hoặc phải trả giá tiếp theo bằng các lệnh trừng phạt (Triều Tiên – sau cái chết của sinh viên Otto người Mỹ, chắc chắn rằng Hoa Kỳ sẽ có những biện pháp mạnh mẽ, kể cả bằng quân sự để đáp trả những gì mà chế độ độc tài tàn ác này đã gây ra cho công dân của họ, ngoài vấn đề đang theo đuổi mà bị cấm là chương trình hạt nhân; Cuba – bị rút một phần thoả thuận Obama ngay khi nó còn chưa ráo mực từ thời vị tổng thống da màu này còn tại vị và chỉ cho đến khi Nội các của Trump thấy rằng người dân nơi đây có trách nhiệm để xứng đáng có được những điều tốt hơn thì họ sẽ mở ra những cơ hội đàm phán khác tốt hơn; Venezuela còn đang ngập chìm trong bạo loạn và nghèo đói, và chính phủ độc tài của đất nước tan hoang này sẽ chỉ có thể cầm cự được cho đến khi trong những đống rác cũng không còn một mẩu bánh mỳ nào thì hẳn nó sẽ bị sụp đổ và xoá sổ).
Trung Quốc, hơn ai hết hiểu cái khó của mình, khi chiến lược “Một vành đai, một con đường” không thể thu hút được Ấn Độ, hay các nước phát triển khác trong khu vực (vì có xung đột, mâu thuẫn). Họ còn đang lo đối phó với Mỹ về vấn đề Triều Tiên mà mới đây chính Bắc Kinh còn phải ra lệnh và yêu cầu Bình Nhưỡng ngừng vô điều kiện chương trình hạt nhân và đồng thời điều hơn 100.000 quân lính tới sát biên giới nước này. Trung Quốc lo cho chính sách bành trướng của mình sẽ bị ngăn cản và chặn đứng lại bởi một Công ty khai thác dầu khí lớn nhất thế giới đã ký kết hợp tác đối với Việt Nam và đang thực hiện các hành động của mình trên chính vùng biển tranh chấp. Hơn nữa, Hồng Kông, Đài Loan cũng chính là những chính quyền tự trị đang phản kháng mạnh mẽ và đòi độc lập hoàn toàn khỏi đại lục. Một mặt, Nga cũng không còn mặn mà với Trung Quốc, vì ngay trong quá khứ vào những năm thập niên 1970s – 1980s, chính hai quốc gia này đã trở thành đối đầu trong quan hệ với Việt Nam mặc dù cùng hệ ý thức chủ nghĩa. Đến nay, một mình Trung Quốc, vốn đang phải lo lắng trước cảnh sụp đổ kinh tế, nhất là khối bất động sản khổng lồ được thổi giá ảo trên thị trường (kèm chứng khoán), phải lo tứ bề thọ địch như đang nằm trong thập diện mai phục chờ ngày thoát hiểm.
Việt Nam, thực ra trong cơn bí quẫn cũng có những lựa chọn và hành xử tôi cho là ít xấu nhất. Chúng ta dù chỉ mới được Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương, nhưng ngay sau đó là một cú sốc với TPP bị ném thẳng vào sọt rác mà không có một cơ hội nào để đàm phán hay thiết lập lại. Tuy nhiên, chúng ta lại có lợi thế khác là vịnh Cam Ranh, nơi có địa thế chính trị, quân sự và cả kinh tế lớn nhất và quan trọng nhất Đông Nam Á. Việc một số quan chức sang Trung Quốc, ngay cả ký kết văn kiện giữa hai đảng, tuy chưa rõ là gì, nhưng nhìn vào những diễn biến hiện tại, có thể thấy ý thức chủ nghĩa không hẳn còn là mối quan tâm và đồng nhất giữa hai quốc gia. Nếu Mỹ thuê được Cam Ranh, thì đó là minh chứng rõ ràng nhất cho nhận định này. Và bước đầu là một công ty Dầu khí với tên gọi ExonMobil đang hiện diện trên vùng biển tranh chấp với Trung Quốc trong vai trò làm ăn với Việt Nam, sau đó là cuộc gặp giữa ông Thủ tướng chính phủ với Tổng thống Donald Trump, cộng thêm mới đây, một tên tướng Trung Quốc đùng đùng nổi giận và bỏ về ngay giữa chừng trong cuộc gặp giao lưu quân sự giữa hai nước (ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đón tiếp vì ông ấy là Bí thư quân uỷ Trung ương), là những dấu hiệu nói lên việc mối bang giao hai bên đang thực sự có vấn đề. Tiếp theo, chính quyền Bắc Kinh vào hai ngày trước, lại tiếp tục kéo giàn khoan HD981 ra vùng biển tranh chấp, mặc dù một số đảo trên quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa mà phía Trung Quốc vẫn tự nhận và tuyên bố là Tây Sa và Nam Sa, đã xây dựng các căn cứ quân sự, đã trang bị các vũ khí, đã có các sinh hoạt cả dân sự và quân sự, tự xác lập vùng nhận diện phòng không ADIZ (bao gồm cả các vùng trời trên vùng biển đang tranh chấp với Việt Nam và một số quốc gia khác). Rõ ràng chúng ta đang có sựa lựa chọn và quyết định nào đó khá ngược lại với các biểu hiện mà khiến nhiều người phỏng đoán vội vã trong suốt thời gian qua.
Dù gì, người Việt và dân tộc Việt chưa bao giờ bị thuần hoá và có tư tưởng thuần phục hay có thể bị mất chủ quyền hoàn toàn vào tay Trung Quốc (Trung Hoa) trong suốt chiều dài lịch sử. Luôn luôn là đấu tranh, cả ngoại giao lẫn quân sự, cả trên lý luận đến thực địa. Có nhiều lần chúng ta đã thành công trong việc đòi đất (tham khảo về thời kỳ Thái sư Lê Văn Thịnh), thời kỳ giằng co về biên giới phía Bắc,…Tôi cho rằng việc ngoại giao mềm, tránh những biến cố lớn và hậu quả của bạo lực là đáng hoan nghênh, nhưng tuy nhiên, đến thời điểm và trong tâm niệm, luôn phải có sự rõ ràng và cứng rắn. Điều đó sẽ khiến bất kỳ quốc gia nào cũng phải tôn trọng và không đánh giá thấp chúng ta. Ôn hoà, mềm mỏng khác hoàn toàn với sợ hãi và nhu nhược, yếu hèn.
Hiện tại, giàn khoan HD981 đang nằm trên biển vùng biển có tranh chấp và làm tăng khả năng căng thẳng giữa hai quốc gia, nó là thách thức, và nó cũng đồng thời là cơ hội để lựa chọn trong hành xử.
Chính Mao Trạch Đông trước đây đã nói rõ với chính quyền của mình, rằng, chẳng có chủ nghĩa nào cả, nó chỉ là thứ để đạt mục đích của chính quyền.
Và
“Trên thế giới này không có đồng minh vĩnh viễn hay kẻ thù vĩnh viễn, mà chỉ có lợi ích quốc gia mới là vĩnh viễn”
Winston Churchill (Cựu thủ tướng nước Anh)
Luật sư. Lê Luân