Trả lời bài viết của tác giả Vũ Bất Khuất trên trang Danlambao.
Trên tinh thần đối thoại mà Trưởng ban tư tưởng văn hoá Trung ương, Uỷ viên Bộ Chính trị Võ Văn Thưởng đã nói trước công luận mới vài ngày trước rằng: "Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận. Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý” [1]
Bài của tác giả Vũ Bất Khuất trên trang danlambao
Đầu tiên tôi nhắc đến vấn đề bút danh hay trang báo mạng có đăng ký hoạt động hay không ? Về bút danh Vũ Bất Khuất, ai cũng hiểu đó chỉ là một cái tên nặc danh và cả trang Danlambao chỉ là một dạng blog cá nhân, không cần phải đăng ký hoạt động báo chí như thoibao.de.
Nhưng trên tinh thần đối thoại mà Uỷ viên BCT Võ Văn Thưởng đã nêu, tôi bỏ qua những cái không chính danh ấy để đàm luận trên cốt lõi vấn đề là quan điểm. Không bỏ bóng đánh người như các cuộc tranh luận trên truyền thông xưa nay vẫn xảy ra.
Một trong những điểm ở bài viết của anh Vũ Bất Khuất ám chỉ năm 2020 Việt Nam sát nhập vào Trung Quốc theo hiệp định Thành Đô, đây là câu chuyện mà rất nhiều lần giới truyền thông phi chính thống đồn đại, đã gây nhiều hoài nghi trong nhân dân Việt Nam. Tôi xin khẳng định rằng trong nội dung của các hiệp định ký kết giữa Việt Nam với Trung Quốc, không có nội dung nào nói đến chuyện sát nhập như vậy. Khái niệm hợp tác toàn diện, hợp tác chiến lược thể hiện sự gắn bó mật thiết giữa hai nước Việt – Trung , chứ không phải là sát nhập về địa đồ. Các nước Đông Âu ở thế kỷ trước quan hệ mật thiết với Liên Xô, mọi chinh sách hay đường lối đều phải thông qua Liên Xô mới thực hiện. Ngay cả việc chọn lựa Tổng bí thư của Rumani, Tiệp, Bun…cũng phải thông qua Bộ Chính trị Liên Xô bấy giờ chấp thuận. Mặc dù gắn bó toàn diện như thế, nhưng các nước vẫn có địa giới rõ rệt của mình , không hề có chuyện sát nhập.
Về điểm anh nhạo báng từ '' Minh Quân'' mà các cán bộ lão thành đã gọi đầy kính trọng với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, anh nhạo báng về '' Vương quốc xã hội chủ nghĩa Việt Nam'' như một chế độ phong kiến.
Ở điểm này, trước tiên anh Vũ Bất Khuất phải hiểu rõ rằng, từ lâu nay Đảng đã chỉ rõ vấn đề về lý luận và tư tưởng trong khái niệm '' vận dụng sáng tạo phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam ''. Về tư tưởng CNXH ai cũng biết ở mỗi nước khi áp dụng đều có những sáng tạo để phù hợp với thực tiễn đất nước đó, không máy móc và rập khuân giống nhau. Vi thế chủ nghĩa xã hội ở Cuba, Trung Quốc, Rumani, Ba Lan và Venezuela đều có những hình thái khác nhau.
Một trong những điểm sáng tạo phù hợp thực tiễn về lý luận là trường hợp ''vô thần ''. Tư tưởng XHCN được nghiên cứu theo khoa học biện chứng khách quan là nền tảng cốt lõi, nhưng ở Việt Nam ta việc thờ cúng thần linh, việc tâm linh tín ngưỡng là việc có từ ngàn đời, đã trở thành một nét văn hoá ăn sâu trong lòng dân tộc. Vì thế không thể áp dụng xơ cứng tư tưởng '' vô thần '' vào đất nước ta, đó là sai lầm mà Đảng ta sớm nhận ra và có thay đổi điều chỉnh chính sách, cho phép tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Vừa giải quyết được nhu cầu tâm linh của bà con nhân dân, vừa cho quốc tế thấy câu trả lời về tư do tín ngưỡng của nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Như các anh là người tôn thờ giá trị của Hoa Kỳ, nhưng ngay cả Hoa Kỳ quan điểm của họ cũng thay đồi theo thời cuộc. Trước kia họ là đối thủ với nhà nước CHXHCN Việt Nam, bây giờ họ đã thành đối tác ngoại giao, hai nước đã có nhiều hợp tác về văn hoá, kinh tế, giáo dục…Cho nên việc thay đổi , điều chỉnh là quy luật sinh tồn tự nhiên mà khoa học cũng chứng minh rõ trong thế giới động vật cũng có những thay đổi như vậy.
Vì thế, nếu hiểu rõ chủ nghĩa xã hội và văn hoá lịch sử Việt Nam, việc cần thiết có một vị lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng mà mang phong thái của một vị vua anh minh, lỗi lạc không có điều gì là khó hiểu hay phải nhạo báng cả. Từ lâu nhân dân ta đã tôn kính Chủ tịch Hồ Chí Minh như một vị thánh, từ khắp nơi trên đất nước đều thờ phụng Người…không ai thắc mắc rằng tại sao một người theo lý tưởng CNXH như chủ tịch Hồ Chí Minh lại được thờ như một vị thần cả. Đơn giản ai cũng hiểu đó là ước vọng của nhân dân ta từ ngàn xưa mong muốn có những vị thánh hiền cai trị đất nước.
Một bằng chứng không thể chối cãi là mỗi khi có một vị lãnh đạo xuất sắc, có uy tín để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân kính trọng, lúc đó đất nước ta đều có những kỳ tích vĩ đại. Lịch sử đã chứng minh khi Chủ Tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã khai sinh ra nước Việt Nam độc lập, lịch sử cũng chứng minh Tổng bí Thư Lê Duẩn đã thống nhất đất nước, giải phóng được miền Nam thoát khỏi kiếp làm tay sai cho bọn tư bản.
Ngày hôm nay đất nước ta có một vị lãnh đạo cao cấp nhất như tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, một con người đức độ, tài năng và tâm huyết mang vóc dáng của một đấng minh quân…như thế là một điều may mắn lớn cho dân tộc và đất nước. Điều này hoàn toàn phù hợp với tư tưởng CNXH và nền văn hoá của Việt Nam, hơn nữa lịch sử đã chứng minh mỗi khi có một vị lãnh đạo Đảng như vậy là mỗi lần đất nước ta lại có những kỳ tích khiến thế giới ngưỡng mộ, thán phục.
Nói về tài năng, nhân cách của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và so sánh với tổng bí thư Lê Duẩn, chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ là điều không phải với văn hoá Việt Nam. Hơn nữa mỗi thời kỳ đều có những khó khăn khác nhau, muốn đánh giá cần rất nhiều thời gian và công sức. Với lòng kính trọng tiền nhân, bậc cha anh đi trước, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận mình là học trò, là đàn em…điều đó cho thấy ông còn là người khiêm tốn, trọng đạo nghĩa.
Cá nhân tôi với đánh giá của mình, tôi mạnh dạn khẳng định. Tổng Bí Thư là một vị minh quân lỗi lạc nhất trong Đảng ta từ khi thành lập Đảng đến nay. Ông xứng đáng được ca ngợi như chúng ta đã từng ca ngợi chủ tịch Hồ Chí Minh, ca ngợi tổng bí thư Lê Duẩn khi cả hai còn sống và đang làm việc. Không phải ngẫu nhiên mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được các bậc cao niên gọi là Minh Quân.
Ông xứng đáng được tôn kính như vậy, đất nước này cần ông như vậy.
CCB Phạm Hoà – Berlin
[1] http://plo.vn/thoi-su/ong-vo-van-thuong-khong-so-doi-thoai-tranh-luan-702827.html
[2] http://thoibao.de/nguoi-viet-o-duc/11081/cu-tong-kinh-yeu.htm