Vừa qua, phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu tăng cường vận động ngư dân không khai thác hải sản tầng đáy ở vùng biển 20 hải lý trở vào bờ cho đến khi có kết luận chính thức của Bộ Y tế về hải sản tầng đáy đã đảm bảo an toàn thực phẩm.
Tôi cho rằng đây là một chỉ đạo có trách nhiệm của Chính phủ. Không thể phát triển bằng mọi giá. Không thể hi sinh sự an nguy về mặt sức khỏe của người dân cho mục tiêu tăng trưởng GDP. Bằng khuyến cáo này, tôi cho rằng những người có trách nhiệm trong Chính phủ đã thể hiện sự coi trọng sinh mạng người dân, ngược lại với những kẻ tìm mọi cách tuyên truyền tô hồng, bất chấp sự an nguy của người dân.
Vấn đề là khuyến cáo này có giá trị thực thi hay không? Có ai kiểm tra, giám sát và vận động người dân không khai thác hải sản tầng đáy hay không? Có ai xác nhận được, những hải sản tầng đáy đang bày bán trên thị trường là không xuất phát từ khu vực dưới 20 hải lý từ bờ biển của 4 tỉnh miền Trung bị tác động bởi thảm họa môi trường Formosa?
Ngoài chuyện tổ chức giám sát việc khai thác, có biện pháp xử lí những kẻ vi phạm, kể cả những kẻ tuyên truyền bất chấp sự an nguy của người dân, Chính phủ còn phải tổ chức giám sát và công bố công tác theo dõi sự tồn tại và tác động môi trường của “tấm chăn” độc tố dưới đáy biển mà trước đây, Bộ TN&MT đã công bố. Có ai dám chắc là ngoài 4 tỉnh bị tác động trực tiếp bởi thảm họa môi trường Formosa cách đây 1 năm, các địa phương khác hiện nay không bị ảnh hưởng?
Có vẻ như đã xuất hiện một vài nhân tố tốt trong bộ máy lãnh đạo Nhà nước ở tầng mức trung ương của Việt nam hiện nay, và họ bắt đầu có những ảnh hưởng nhất định, đối nghịch lại với những kẻ mị dân và tham nhũng, lúc nhúc trong bộ máy đó.
Vấn đề thứ hai cũng gây xôn xao dư luận không kém. Đó là sự tiết lộ của ông Võ Văn Thưởng, rằng Ban Tuyên giáo Trung ương đang chờ Ban Bí thư thông qua một văn bản hướng dẫn về việc tổ chức trao đổi và đối thoại với những cá nhân có ý kiến và quan điểm khác với đường lối, chủ trương, quan điểm của đảng và pháp luật của Nhà nước.
Đây có thể là một bước chuyển biến mới về chất của đảng cộng sản Việt nam, chấp nhận đối thoại với những người khác chính kiến. Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy, có vẻ như đây cũng chỉ là sự cố gắng mang tính chất cá nhân của một số nhân vật nào đó trong các lãnh đạo của đảng cộng sản Việt nam.
Mới cách đây ít ngày, tổng bí thư đảng cộng sản Việt nam còn tuyên bố kiên định với đường lối kinh tế thị trường định hướng XHCN, trong khi, có thể nói hầu hết người dân, và rất nhiều cán bộ nhà nước, đều tin rằng, không thể có nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Đó là chưa kể, Luật biểu tình, nền tảng để người dân thể hiện quan điểm của mình trước những vấn đề của xã hội, bao gồm cả chủ trương, chính sách của đảng và Nhà nước, còn cứ bị trì hoãn thông qua chưa biết đến bao giờ. Ngoài ra, còn nhiều người bất đồng chính kiến đang bị giam giữ.
Nếu thực lòng mong muốn đối thoại, như ông Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đã nói “Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận. Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý”, thì cần sớm thông qua Luật biểu tình, đồng thời, ngừng giam giữ những người bất đồng chính kiến.
Trong khi, niềm hi vọng vào những nhân tố tốt trong Chính phủ có chút le lói, thì niềm tin vào khả năng đối thoại với những người bất đồng chính kiến của các nhà lãnh đạo đảng cộng sản Việt nam có vẻ chưa thực sự sáng sủa lắm.
Võ Xuân Sơn
http://thanhnien.vn/…/chua-khai-thac-hai-san-tang-day-gan-b…
http://m.plo.vn/…/ong-vo-van-thuong-khong-so-doi-thoai-tran…