Mấy hôm nay lại thấy dư luận xôn xao vì…sự xuất hiện trở lại của nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong 1 hình ảnh ngồi chung với ông Trương Tấn Sang trong một cuộc họp đảng ở Hà Nội [1] , và càng xôn xao hơn khi ông đi thăm hai địa phương là Hải Phòng và Quảng Ninh. [2] [3]
Những từ ngữ mà báo chí dùng khi viết “báo cáo với nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về vấn đề dự án…”đã gây ra một làn sóng dư luận là ông Nguyễn Tấn Dũng chưa hẳn đã muốn về hưu, ông xuất hiện lại là để..thu phục nhân tâm gì đó.
Nhiều người hỏi thăm tôi về vấn đề này, và dù đã từng ủng hộ ông Nguyễn Tấn Dũng tranh ghế tổng bí thư ở đại hội 12 cũng như cho đến hiện nay tôi vẫn ủng hộ việc đảng nên thực hiện đổi mới 2 do ông Dũng từng khởi xướng, tôi cũng không thể trả lời cho các bạn là ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ có dự định gì về sau, vì đơn giản là đó là chuyện riêng của ông ấy.
Tôi muốn nói đến vấn đề ở tầm cao hơn, đó là chuyện chuyển hóa chính trị ở tầm quốc gia chứ không muốn nói về việc ông nào đó nghỉ hưu hay làm gì khác.
Công cuộc đổi mới 2 của đảng là chuyện cần thiết, vì cho đến nay chúng ta đều thấy tất cả những tiêu cực trên nhiều khía cạnh, nhiều lĩnh vực của xã hội đều ngày càng trầm trọng thêm. Nếu 25 năm về trước tôi đọc thấy các quan chức một ngân hàng có vốn nhà nước làm thất thoát hàng trăm tỷ thì nay đã là hàng trăm ngàn tỷ, quy mô các tiêu cực có hại cho đất nước ngày càng lớn hơn và gây thiệt hại nhiều hơn, rộng hơn và tinh vi hơn.
Trong nghị quyết của đảng từ “đâu đó còn vài hiện tượng, cá nhân đảng viên sai phạm” ở 25 năm trước đã chuyển thành “một bộ phận không nhỏ thoái hóa biến chất” ở gần đây. Như vậy có thể thấy đây là lỗi hệ thống, mang tính nảy nở, kế thừa, dây chuyền theo kiểu hòn tuyết lăn, chứ không còn là chuyện của riêng một thế lực nào trong đảng trong một thời kỳ nào đó.
Với thiết chế bằng cái vỏ cứng chuyên chính quyền lực nhằm để bảo vệ mình, đã đưa đến việc đảng từ việc tự bảo vệ mình trở thành che dấu luôn cả những sai trái sinh ra trong nội bộ của mình, khiến đảng pháp trở thành 1 thành trì bất khả xâm phạm và hiến pháp trở thành chuyện chỉ để nhân dân và đảng vận dụng đến để “cãi nhau” khi có một bên cần.
Rồi bên trong cái vỏ cứng đó, những tranh chấp về đường lối, tranh chấp về lợi ích, tranh chấp về xu hướng… trở thành thanh trừng phe phái để giữ nguyên tranh chấp mà chỉ thay thế nhân sự. Đáng buồn thay là những tranh chấp và thanh trừ nhau đó không có ích gì cho sự tiến bộ của đất nước. Giới nghiên cứu chính trị gọi nó là hiện tượng “nổ ở bên trong” (implosion).
Các sự vụ nổ ở bên trong này đưa đến kết quả tiêu cực cho đất nước hơn nếu “phái bảo thủ” thắng thế, và tích cực hơn nếu “phái cải cách” thắng thế. Nhưng dù là phái nào thắng thế, thì chính trị quốc gia cũng sẽ thay đổi rất chậm chạp, đi một chút lại phải nghỉ để thở lấy hơi, và từ đó đất nước tụt hậu theo. Những ước mơ về việc Sài Gòn trở thành Singapore hay Hà Nội trở thành Paris..chính là thể hiện phần nào sự bất lực trước vấn đề tụt hậu, hoặc nói vui thì là kể chuyện hài cho nhân dân nghe.
Xã hội Việt Nam với sự khá lên do đường lối kinh tế thị trường, dù còn nửa vời với cái đuôi XHCN, cũng đã tác động vào cái vỏ cứng thể chế và làm các nhân tố bên trong cái vỏ đó va đập vào nhau và ngày càng khốc liệt. Nếu ngày trước chỉ có một vài cá nhân va đập về phương bắc như ông Hoàng Văn Hoan hay về phương Tây như ông Trần Xuân Bách thì nay nó đã trở nên đông đúc hơn, phức tạp hơn.
Từ vài cá nhân trong đảng khác biệt quan điểm với phần lớn bộ máy đảng, nó đã diễn biến thành nhiều hệ phái tư tưởng dây mơ rễ má đan xen vào nhau theo kiểu da beo chứ không còn chỉ là vài quan chức cấp cao nào đó. Điều này khiến quần chúng và phần trung tầng, hạ tầng của bộ máy đảng lúng túng, tất cả không biết nên theo đường lối của nhóm nào, theo xu hướng nào là thật sự đúng và có lợi ích cho đất nước.
Tất cả điều này sinh ra hệ lụy là cứ làm gì đó thì nay là đúng mai lại thành sai, công thần trở thành tội đồ, người phá núi trở thành kẻ đốt đền..dẫn đến nhân dân lẫn quan chức không ai dám nói gì cả, không dám làm gì cả, cả đất nước ở dưới chờ ở trên, hàng ngang chờ hàng dọc, trong nước ngoài nước chờ nhau.
Nghị quyết hội nghị TƯ 5 vẫn là “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa“ [4]
Nếu lịch sử chỉ để lại về việc chia rẽ cờ vàng – cờ đỏ, đến nay lại chia rẽ thêm từ ngoài dân vào trong đảng với thân Tàu- thân Mỹ, với thị trường tự do và giữ cái đuôi định hướng XHCN, giữa việc đảng nên giữ nguyên màu đỏ hay nên ngả sang màu hồng…Các cuộc tranh cãi dần trở nên gay gắt từ bàn trà đá vỉa hè của quần chúng bình dân vào đến những bàn oval trải thảm đỏ nghị sự ở cấp bộ chính trị ngày càng nhiều và phức tạp. Đây chính là cội nguồn của việc làm dân tộc suy yếu, chia rẽ và nghi kỵ lẫn nhau.
Nếu những vụ nổ ở bên trong này ngày xưa chỉ diễn ra ở cấp tối cao, ví dụ như bài phát biểu của ông Trần Xuân Bách ở một hội nghị trung ương, hoặc lá thư của thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi đảng..thì nay đã trở thành một xu hướng lan rộng ra nhiều cấp, nhiều lãnh vực, từ trên trung ương xuống tới địa phương.
Từ trang web “Chân Dung Quyền Lực” [5] ở Đại Hội 12 và mới đây là biên bản kiểm điểm của ông Đinh La Thăng gửi toàn thể BCHTW bị thu hồi cho đến những công văn lọt lộ có thật có giả của tổng cục tình báo Bộ Công An chỉ vì dính dáng đến mấy công tử ăn chơi…cho thấy vấn đề “nổ ở bên trong” đã trở nên rất trầm trọng và cái vỏ cứng chuyên chính quyền lực cũng không còn giữ nổi và gói kín nó lại như xưa nữa.
Rõ ràng là việc cứ để đảng “nổ ở bên trong” như thế chẳng hay ho gì cho đất nước, nó càng làm chính quyền xấu mặt với nhân dân, Việt Nam xấu mặt với quốc tế..và ngày càng tăng cao về tầm mức nghiêm trọng. Với một thể chế suốt ngày trùm áo giáp đánh nhau như thế, thì đường lối sẽ hỗn loạn, chỉ đạo điều hành nát như tương, nhân sự biến động nhanh và liên tục, không còn tính kế thừa nào cả và hậu quả sau cùng là nhân dân lãnh đủ.
Như vậy, dù cho ông Nguyễn Tấn Dũng có xuất hiện như một cuộc đi chơi của một nguyên thủ về hưu , hay còn có ý định nào khác thì chưa biết, nhưng nếu có mà nó chỉ dừng lại ở tầm mức “nổ ở bên trong” nhưng tôi đã phân tích thì các vấn đề đất nước cũng chẳng giải quyết được bao nhiêu cả.
Trái với “nổ ở bên trong” là “nổ ra bên ngoài (Explosion)” chính là điều đất nước cần đảng, hoặc lực lượng đổi mới 2 trong đảng làm lúc này, nhưng làm như thế nào trong bối cảnh vừa giữ được ổn định vừa thay đổi cấu trúc là điều rất khó.
Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm các dự án lớn ở Hải Phòng 19.5.2017
Nguyễn An Dân
[4] http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/be-mac-hoi-nghi-trung-uong-5-372072.html
[5] http://anonymouse.org/cgi-bin/anon-www_de.cgi/http://chandungquyenluc.blogspot.de/