Nếu nhất thể hóa là việc Đảng hóa thân vào Nhà nước, thì lựa chọn mô hình để nhất thể hóa là điều đầu tiên quan trọng nhất chúng ta phải làm. Bởi vì rằng, nếu chúng ta lựa chọn mô hình thủ tướng chế thì người đứng đầu Đảng sẽ phải làm thủ tướng như ở Anh, ở Nhật… Nếu chúng ta lựa chọn mô hình tổng thống chế thì người đứng đầu Đảng phải làm tổng thống như ở Mỹ, ở In-đô-nê-xia…
Mô hình thủ tướng chế còn được gọi là mô hình đại nghị gồm cộng hòa đại nghị và quân chủ đại nghị (quân chủ ở đây là quân chủ lập hiến). Nhiều người còn gọi mô hình này là mô hình Westminster theo tên của địa điểm nơi Chính phủ và Nghị viện Anh đặt trụ sở. Trong mô hình đại nghị, đảng nào thắng cử và có đa số trong quốc hội, thì đảng đó đứng ra thành lập chính phủ. Nghĩa là, đảng thắng cử vừa nắm cả quyền lập pháp và cả quyền hành pháp ở trong tay. Chính vì vậy, không có sự phân lập hay kiểm soát lẫn nhau rõ ràng giữa quyền hành pháp và quyền lập pháp trong mô hình đại nghị. Thực tế là trong mô hình này, quyền lập pháp và quyền hành pháp hòa lẫn (fusion) vào nhau. Đây là mô hình rất cần được cân nhắc khi tiến hành nhất thể hóa vì các lý do sau đây.
Một là, mô hình đại nghị đã mang lại sự thịnh vượng và phát triển cho nhiều nước nhất trên thế giới. Chúng ta có thể kể ra đây các nước như Anh, Úc, Canada, New Zealand, Đức, Thụy Điển, Đan mạch, Nhật bản, Singapore… (Nên chú ý là nhiều nước còn gọi đây là mô hình dân chủ đại diện).
Hai là, cách thức tổ chức hệ thống của chúng ta đang có khá nhiều điểm tương đồng với mô hình này. Có thể kể ra đây một số điểm tương đồng như: Đảng có đa số trong Quốc hội nên Đảng lựa chọn nhân sự cho Chính phủ và thực chất là thành lập Chính phủ; Đảng nắm cả quyền lập pháp và quyền hành pháp; Chính phủ hình thành trên cơ sở Quốc hội và chịu trách nhiệm trước Quốc hội…
Mô hình tổng thống chế còn được gọi là mô hình cộng hòa tổng thống. Trong mô hình này, chính phủ không hình thành trên cơ sở của quốc hội và cũng không chịu trách nhiệm trước quốc hội. Người dân bầu trực tiếp ra tổng thống và trao quyền hành pháp cho tổng thống. Người dân cũng trực tiếp bầu ra quốc hội và trao quyền lập pháp cho quốc hội. Nhiều người gọi đây là mô hình phân quyền cứng vì không có sự hòa lẫn giữa quyền lập pháp và quyền hành pháp. Tuy nhiên, cũng cần chú ý là trong mô hình này nguyên tắc cơ bản vẫn không hoàn toàn là tam quyền phân lập, mà là cân bằng và kiểm soát lẫn nhau giữa các quyền. Ví dụ Quốc hội thông qua luật thì tổng thống có quyền phủ quyết luật và tòa án có quyền phán xử về tính hợp hiến của luật. Mô hình cộng hòa tổng thống chỉ nên được coi là một mô hình được nêu ra để tham khảo. Lý do là vì ngoài nước Mỹ ra, mô hình này gần như đã không đưa lại được sự thịnh vượng và phát triển vượt bậc cho bất kỳ một nước nào khác.
Sự kết hợp giữ mô hình đại nghị và mô hình tổng thống đã cho ra đời một mô hình thiết kế hệ thống thứ ba được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Đó là mô hình tổng thống lưỡng tính. Đặc điểm nổi bật của mô hình này là chính phủ vừa có cả tổng thống và vừa có cả thủ tướng. Quyền hành pháp được phân chia cho hai yếu nhân nói trên theo những tỷ lệ khác nhau tùy vào mỗi nước. Tuy nhiên, quyền hoạch định những chính sách lớn và quyền về quốc phòng, anh ninh và ngoại giao thường thuộc về tổng thống. Trong mô hình này, tổng thống thường có vị thế độc lập với quốc hội, nhưng thủ tướng và nội các của thủ tướng lại phải chịu trách nhiệm trước quốc hội. Đây là mô hình mà Liên bang Nga và đa số các nước cộng hòa xô viết trước đây đã lựa chọn trong quá trình chuyển đổi. Đối với chúng ta, đây cũng là mô hình rất cần tham khảo vì những lý do sau đây.
Một là, đây là mô hình duy nhất mà lịch sự hiện đại của thế giới đã ghi nhận là đưa được Hàn Quốc và Đài Loan từ thế giới thứ ba lên thế giới thứ nhất. Không có một mô hình thể chế nào khác nữa làm được điều này, ngoại trừ trường hợp mô hình đại nghị đối với Singapore. Tuy nhiên, Singapore thực chất là một thành phố vì quốc gia này rất nhỏ bé.
Hai là, thực chất chúng ta đã từng có mô hình tổng thống lưỡng tính theo Hiến pháp năm 1946. Trong nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thời đó chúng ta đã từng có Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ đều nắm quyền hành pháp.
Như vậy, thực chất là có hai mô hình chúng ta có thể lựa chọn để nhất thể hóa giữa Đảng và Nhà nước. Đó là mô hình đại nghị và mô hình tổng thống lưỡng tính. Vấn đề là trong hai mô hình đó mô hình nào sẽ phù hợp nhất cho chúng ta. Lựa chọn cuối cùng phụ thuộc vào ban lãnh đạo của đất nước. Chẳng ai trên thế giới này có thể lựa chọn thay cho chúng ta được.
Tiến sĩ. Nguyễn Sĩ Dũng