Có hai chỉ dấu để nói rằng việc quốc hội sẽ có thêm viện thứ hai, hoặc sẽ có đảng thứ 2 xuất hiện trong thời gian tới.
Đó là ông Lê Kiên Thành, con trai cố TBT Lê Duẩn, đã nói xu thế về việc cần có đảng thứ hai để chia sẻ quyền lực và gánh vác trọng trách đất nước, thông qua việc ông này nói “quyết tâm đổi mới lần thứ hai”. Đổi mới ở đây là gì ngoài yếu tố về thể chế chính trị, khi mà trước đó đã có ông Bùi Quang Vinh nói rằng, phải thay đổi thể chế vì 70 năm qua đã quá đủ rồi. Hơn nữa, chính ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nói, đổi mới hay là chết.
Thêm nữa, gần đây bút danh Osin, tức Huy Đức, một ngòi bút của Bên thắng cuộc, mặc dù ông ấy nói không phải nhà báo chống tham nhũng, nhưng cứ khi đặt bút viết về nhân vật quyền lực nào là nhân vật đó bị đánh tơi tả với những con số hết sức chuẩn xác mà chỉ nhà báo này mới có được. Gần đây ông ấy đã nhấn mạnh quốc hội nên có một “viện của dân” và một “viện của đảng”. Tức một ám hiệu để nói rằng đã đến lúc quốc hội có thêm một viện thứ hai đại diện cho dân, như Hạ viện của Mỹ và Anh, còn thượng viện thì cho tiểu bang (Mỹ) hoặc cho giới quý tộc, tư sản (Anh) – và đây là viện của đảng ở Việt Nam.
Còn việc xử lý ông Đinh La Thăng, một uỷ viên Bộ chính trị, rõ ràng là đã có thông báo chính thức rằng xử lý kỷ luật cảnh cáo vừa rồi chỉ là về mặt Đảng, tức sẽ còn xem xét đến trách nhiệm khác (như hình sự) đối với ông này thời còn làm lãnh đạo PVN. Nhiều bài báo đã được đăng tải với dụ ý “cử tri không hài lòng nếu chỉ xử lý kỷ luật đảng ông Đinh La Thăng”. Nên chắc chắn sẽ còn những động thái tiếp theo đối với vụ việc này để trấn an xã hội và theo chỉ đạo của đảng “để cứu muôn người”. Mà nếu xử lý hình sự ông Thăng, với thiệt hại hàng tỷ đô la, thì chắc ông Thăng khó thoát khỏi mức án cao nhất của các tội danh bị cáo buộc. Hơn thế nữa, sẽ là ông cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng sẽ bị truy hồi trách nhiệm vì thiệt hại này dưới thời của ông Dũng, một sự liên đới trách nhiệm rõ ràng.
Đây là những vấn đề chính trị lớn, tuy rất dè dặt và từng bước có chừng mực, nhưng quả thực nó cũng đã đem lại nhiều thông tin, góc nhìn và biểu hiện chưa từng có trong lịch sử kể từ khi đất nước kết thúc chiến tranh năm 1975. Thời những năm 1980s, khi buộc phải “sửa sai” để tránh tình trạng khánh kiệt và phá sản nền kinh tế quốc dân, họ cũng chẳng đem ra xử ai, mà chỉ là “quyết tâm mở cửa và đổi mới”, chứ đó cũng không phải là việc thừa nhận sai lầm như hiện tại.
Rõ ràng là việc đặt một câu hỏi tu từ, không biết hết thế kỷ này đã có xã hội chủ nghĩa chưa, từ vị đứng đầu đảng vốn luôn nhất mực kiên trung với con đường đi lên CNXH là một biểu hiện của sự lo lắng và lung lạc đối với chính mình.
Chẳng có CNXH nào nếu thiếu đi thực tế kiểm chứng và minh hoạ. Và cũng chẳng có chủ thuyết nào mà cứ bàn đi bàn lại cả trăm năm, hết cải biến rồi thay đổi, từ quốc gia này đến đất nước khác, đều không đem lại kết quả tích cực hay lối thoát khả quan nào, thì chẳng có xác suất nào dành cho một sự thành công hay kỳ vọng nào ở đây, ngay cả sự may rủi như tung xúc xắc cũng chẳng thể xuất hiện.
Điều gì sẽ là diễn tiến tiếp theo? Hãy chờ xem xu thế của thời đại có thắng cuộc hay không hay vẫn là sự trì trệ của bên bảo thủ đang cầm cự?
Ảnh: mô hình phiên họp của Quốc hội Úc.
Luật sư Lê Luân