CHỦ TỊCH NƯỚC TRẦN ĐẠI QUANG ĐI TRUNG QUỐC

Đã ba ngày từ khi ông Trần Đại Quang đi Trung Quốc. Chúng ta có thể thấy các thông điệp mà hai bên đưa ra cũng tương tự như những chuyến thăm cấp cao giữa 2 đảng Việt-Trung, chỉ có cái khác chút là Trung Quốc đón ông Quang bằng 21 phát đại bác, ngang bằng với tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và hơn thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc 2 phát. 

Điều này khẳng định cái nhìn của chúng ta về sự chuyển dịch quyền lực trong nội bộ đảng CSVN là có cơ sở. Đối nội thì chưa xét đến, về đối ngoại, vai trò của chức danh chủ tịch nước đã có thực quyền hơn trước và phá vỡ tiền lệ thủ tướng là số 2 trong đảng. Nếu ở khóa 11 thì các hoạt động đối ngoại do ông Nguyễn Tấn Dũng chủ trì thì nay vai trò đó đã chuyển sang cho ông Trần Đại Quang. Cũng nên chú ý là ông Quang đi Trung Quốc sau khi gặp Nhật, Úc, Ấn Độ, Anh, Pháp, Úc, Vatican… và nhận lá thư của Trump.

Tôi đánh giá quan hệ giữa ông Tập Cận Bình và ông Trần Đại Quang hiện nay là bằng mặt mà không bằng lòng.  Chúng ta biết và ông Tập dĩ nhiên phải biết là ngay sau khi nhậm chức đầu năm 2016, ông Trần Đại Quang đã đi tế bái các đền thờ của Đức Thánh Trần Hưng Đạo. Trong nội tình Trung Quốc thâm nhập sâu vào Việt Nam như tướng Trương Giang Long, – tổng cục phó tổng cục chính trị, giám đốc học viện chính trị CAND đã nói thì dĩ nhiên ông Trần Đại Quang nghĩ đến việc cần thần quyền “tiếp sức” là điều tất yếu.

Không chỉ ông Tập Cận Bình không vui mà tôi nghĩ đảng CSTQ cũng không vui khi đầu năm 2017, ông Trần Đại Quang còn dấn thêm 1 bước bằng bài phát biểu ám chỉ “có kẻ thù không muốn chúng ta mạnh lên để có thể thực thi dã tâm thôn tính”.  Hãy nhớ rằng TQ từng phủ quyết việc cho VN gia nhập WTO để hiểu câu nói này muốn ám chỉ ai.

Từ khi ông Trần Đại Quang nắm quyền chủ tịch nước, chúng ta có thể thấy đã giảm hẳn việc đảng CSVN phái các đoàn cán bộ tướng lĩnh quân sự cấp cao sang Trung Quốc để học tập. Tuy nhiên giảm cái này mà mất cái kia, tôi cũng không hiểu tại sao vừa rồi đảng CSVN, trong chuyến thăm của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, lại ký kết văn kiện hợp tác “đưa cán bộ nguồn cấp cao” sang TQ đào tạo [1]. Tôi không rõ là TQ sẽ đào tạo cán bộ nguồn cấp cao của ta về cái gì và để làm gì ?

Nói đến quan hệ Việt Trung không thể không nói về Mỹ. Việc Trump gửi lá thư cho VN (và ông Quang) là rất quan trọng khi lá thư đó gửi trước khi Trump tiếp Tập Cận Bình. Tôi nghe một số nguồn tin có quan hệ với bộ ngoại giao Mỹ cho biết là Mỹ-Trung đã có thỏa thuận ngầm là Mỹ sẽ thôi không chỉ trích Trung Quốc nữa về việc TQ lấn biển Đông bằng cách xây đảo nhân tạo, nhưng đổi lại là Trung Quốc không được xây mới thêm nữa và phải giữ nguyên hiện trạng.  Đổi lại cho vấn đề Mỹ để yên cho TQ ở Biển Đông thì hai bên sẽ hợp sức giải quyết vấn đề tên lửa hạt nhân của Triều Tiên. Mỹ muốn TQ phải “răn đe và kềm chế” cho được Kim Jong Un.[2]

Là nhân dân dĩ nhiên chúng ta “không thích Trung Quốc” và thường chỉ trích lãnh đạo đảng CSVN mỗi lần đón tiếp hay đi thăm Trung Quốc. Nhưng chúng ta cần chú ý là ngay cả bà Aung San Suu Kyi, người đang là thủ lĩnh dân chủ , người dẫn dắt công cuộc chuyển hóa ở Myanmar lâu nay, cũng phải đi Trung Quốc.  Cụm từ “Vừa hợp tác vừa đấu tranh” mà nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải trả lời với BCHTW đảng và quốc hội khóa cũ chính là chìa khóa cơ bản để ứng xử quan hệ Trung Việt. [3]

Chìa khóa này không chỉ một bộ phận trong đảng CSVN hiện nay đang thúc đẩy, mà đã có sẵn từ lịch sử các triều đại trước. Cần nhìn chuyến thăm này của ông Trần Đại Quang trên góc độ đó để đánh giá thì sẽ dự đoán được một số diễn biến về sau trong chính trường Việt Nam và quan hệ Việt-Trung.

Cuối năm nay đảng CSTQ sẽ bước vào Đại Hội Đảng CSTQ  lần thứ 19, và tôi nghĩ rằng ông Quang cũng nhân chuyến đi này sẽ tìm hiểu về nhân sự, xu hướng và đường lối của TQ sẽ diễn ra sau Đại Hội 19 để từ đó VN có những bước chuẩn bị kịp thời.  Nội tình đảng CSTQ không chỉ là chuyện TQ, mà còn có một phần dây dưa vào nội tình của đảng CSVN.

Nội tình của đảng CSVN không chỉ là chuyện của đảng CSVN, trong bối cảnh ông Trần Đại Quang đang được quần chúng tiến bộ, đảng viên yêu nước và phương Tây trông đợi sẽ là người dẫn dắt cuộc “đổi mới 2” trong đảng thay cho vai trò của ông Nguyễn Tấn Dũng, thì việc ông đi TQ để “cân bằng ảnh hưởng” là điều phải làm. Dĩ nhiên ông Quang không muốn Trung Quốc đưa tiếp các giàn khoan kiểu như HD 982 qua để phá mình, như đã từng cản chân ông Nguyễn Tấn Dũng vài lần trước đây.

21 phát đại bác là nghi lễ tối cao mà ông Quang được Trung Quốc đón tiếp là niềm vinh dự cho ông trong tư thế ông Quang chỉ là nhân vật số 2 của đảng CSVN. Nhưng có lẽ ông Quang cũng cần thận trọng, việc “khen cho nó chết” là một đòn phép xưa nay không thiếu mà các ý đồ chính trị thâm sâu kiểu Á Đông vẫn hay áp dụng.

Sau cùng, chúng ta hãy lưu ý rằng Trung Quốc không quan trọng thể chế nào cầm quyền ở VN, họ chỉ cần thể chế đó “nghe lời” là đủ. Tổng thống Duterte hiện nay của Philipin là một ví dụ, ông này không là cộng sản nhưng vẫn nhích gần về Trung Quốc.  Đây là điều những người “đối lập” ở VN cần lưu ý.

Chúng ta cần “thoát Trung” và mọi thứ phải bắt đầu bằng lời nói thể hiện quan điểm. Với cá nhân một lãnh đạo, nói không chỉ là nói mà nói còn chính là làm và phải làm.

Video: Tận Cảnh Bình toan tính gì khi gặp Chủ tịch Trần Đại Quang? 

Nguyễn An Dân – Thoibao.de 

[1]  http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/31819702-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-hoi-dam-voi-tong-bi-thu-chu-tich-trung-quoc-tap-can-binh.html

[2]  http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20170218/trung-quoc-ngung-nhap-than-da-tu-trieu-tien/1267105.html

[3]  http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/thu-tuong-vua-hop-tac-vua-dau-tranh-voi-tq-207948.html

Kasse animation 7.8.2023