Trung Hoa Mộng

Những chiếc Maserati ít thấy xuất hiện trên đường phố Thượng Hải hơn, doanh số Patek Philippe và các nhãn hiệu xa xỉ bắt đầu chựng lại. Nhiều doanh nhân than phiền không ai nhận lời mời đi ăn tối còn quan chức thì không dám nhận quà, dù chỉ một hộp bánh trung thu.

Kể từ tháng 12 năm 2012, thời điểm Tập Cận Bình tung ra chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn chưa từng có, nỗi sợ hãi bắt đầu lan rộng. Hơn một triệu đảng viên, quan chức trên khắp cả nước bị “chiếu tướng” trong tất cả các lĩnh vực, từ tài chính, năng lượng cho tới dược phẩm. Tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia, nơi Chu Vĩnh Khang từng có nhiều ảnh hưởng, tình trạng quan chức cấp cao bị bắt nhiều đến mức họ đã phải thiết lập một hệ thống điểm danh đặc biệt, trong đó yêu cầu các quan chức của tập đoàn phải trình diện mỗi ngày để đảm bảo rằng mình chưa bị bắt. Các địa phương và bộ ngành cũng ở trong tình cảnh không khá gì hơn, Bí thư Sơn Tây có lúc nói rằng tỉnh này cần lấp đầy gần 300 chỗ trống mà các cuộc điều tra để lại.

Từ sau thời Mao, nỗi sợ hãi chưa bao giờ bao trùm Bắc Kinh đến như vậy. Các cơ quan hành chính gần như tê liệt, không ai dám đưa ra các quyết định quan trọng để tránh bị chú ý. Không chỉ ở cấp dưới, nỗi sợ hãi còn lan cả đến cấp cao nhất. Ngay trong các phiên họp công khai, Tập cho thấy chỉ dùng nước uống do cận vệ riêng mang đến còn Lý Khắc Cường từ chối nhiều chuyến công du nước ngoài với lý do “phải giải quyết các vấn đề trong nước”.

Về thứ bậc, ông Vương Kỳ Sơn, Bí thư Uỷ ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng (CCDI), chỉ xếp thứ 6 trong Thường vụ Bộ Chính trị gồm 7 ủy viên. Tuy nhiên, sau khi đứng đầu chiến dịch chống tham nhũng được phát động rầm rộ mà 88 triệu đảng viên bị rơi vào tầm ngắm, số người “ngã ngựa” trong 3 năm qua hơn nhiều lần toàn bộ trong quá khứ cộng lại, Vương trở thành nhân vật quyền lực thứ hai trong hệ thống, trên cả Lý.
Từ khi được Tập trao “thượng phương bảo kiếm”, Vương tăng cường bộ máy an ninh vốn đã rất khổng lồ, tung ra hàng trăm nghìn mật vụ theo dõi đảng viên, kể cả những quan chức ngay trong chính nội bộ CCDI, tạo ra bóng ma buộc tội, nghi ngờ lẫn nhau, gây kinh hãi đến mức trong chốn quan trường đã lan truyền câu nói “thà gặp quỷ còn hơn Bí thư Vương”. Điều này được minh chứng bằng số liệu các vụ tự sát của quan chức mà báo chí từng dẫn ra.

Những cuộc điều tra bí mật và các phiên tòa chính trị không phải là chuyện mới ở Trung Quốc nhưng điều khác thường là vị thế công khai đứng trên cả pháp luật của CCDI. Các cuộc điều tra do Ủy ban này thực hiện bất chấp các tiến trình tư pháp hiện đại, CCDI không bị cản trở bởi bất kỳ chi tiết pháp lý nào, ngoại trừ các phiên toà được dựng lên vội vã đi kèm truyền thông theo sau với cụm từ quen thuộc “vi phạm kỷ luật đảng” chỉ để hợp thức hoá quy trình đầy mờ ám của mình.

Cho dù được “nhân dân đánh giá cao”, cuộc chiến chống tham nhũng của TQ chỉ giải quyết phần ngọn, trong khi việc nắm quyền mà không thông qua bất kỳ cuộc bầu cử minh bạch nào và việc thiếu các thiết chế dân chủ để “nhốt quyền lực vào lồng” mới là gốc rễ vấn đề. Tháng 10 vừa qua, hội nghị TƯ 6 kết thúc với Tập trở thành “lãnh đạo hạt nhân” trong khi nhiều khả năng Vương, đồng minh thân cận của Tập, sẽ phá vỡ quy tắc bất thành văn “7 lên 8 xuống” có từ thời của Đặng, để tại nhiệm thêm một kỳ nữa càng cho thấy “chỉnh đốn Đảng” chỉ là bức bình phong che giấu những cuộc “luận kiếm” giữa các phe phái nơi cung đình.

Cho dù Trung Quốc đã đạt được những thành tựu to lớn về kinh tế, hệ thống chính trị của quốc gia này vẫn hết sức lạc hậu với những đặc tính chuyên chế từ thời của Mao: bộ máy an ninh khổng lồ và hệ thống truyền thông bị kiểm duyệt gắt gao, lãnh đạo chễm chệ ngồi trên quy định của pháp luật còn các cơ chế bảo vệ công dân thì vô cùng yếu kém.

Với cách cai trị dựa trên sự sợ hãi, rõ ràng cho dù Tập đang hô hào khẩu hiệu đầy tham vọng “Trung Hoa mộng”, Trung Quốc lại chứng tỏ mình đang thụt lùi trên con đường hội nhập với thế giới văn minh.

 

 

Lê Trọng Vũ 

Kasse animation 7.8.2023