Chính phủ Việt Nam thừa nhận áp lực kinh tế ngày càng lớn

Ngày 20/5, VOA Tiếng Việt loan “Phó Thủ tướng Việt Nam: Kinh tế đang đối mặt áp lực ngày càng lớn”.

VOA dẫn nguồn tin từ một hãng tin quốc tế cho hay, Phó Thủ tướng Việt Nam Lê Minh Khái hôm 20/5 thừa nhận, nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với áp lực ngày càng tăng, và cho biết, Chính phủ sẽ duy trì các chính sách hỗ trợ tăng trưởng.

VOA dẫn lời ông Khái, theo đó, lạm phát tại Việt Nam đang gia tăng, trong khi tăng trưởng tín dụng vẫn còn yếu. Ông cho rằng, có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, trong đó, bao gồm tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều diễn biến chưa có tiền lệ, vượt dự báo, gây sức ép lớn lên công tác chỉ đạo điều hành.

Ông Khái cho biết, tăng trưởng GDP quý I/2024 của Việt Nam đạt 5,66%, trong khi Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 6% – 6,5% trong năm nay, cao hơn mức tăng trưởng 5,05% vào năm ngoái.

“Đây là một thách thức lớn để đạt được các mục tiêu kinh tế xã hội năm nay”, ông Khái nói.

Theo BBC, Việt Nam – một trung tâm sản xuất được hưởng lợi từ việc dịch chuyển chuỗi cung ứng, giữa bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung, đang phải gánh chịu gánh nặng lãi suất tăng cao trên toàn cầu, làm giảm nhu cầu về hàng hóa. Mặc dù tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam thuộc hàng nhanh nhất ở châu Á, nhưng vẫn thấp hơn mức 7% trước đại dịch.

BBC cho biết, sản xuất công nghiệp phục hồi chậm. Sản xuất nông nghiệp, nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long gặp nhiều khó khăn, do hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài và nặng nề hơn.

“Thị trường bất động sản phục hồi chậm, tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120 nghìn tỉ đồng chưa đạt yêu cầu. Tiến độ một số dự án cao tốc, giao thông trọng điểm, giải phóng mặt bằng còn chậm”, ông Lê Minh Khái nói tiếp.

Trước tình trạng khó khăn trên, chính phủ Việt Nam sẽ ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, giữa bối cảnh còn nhiều thách thức do nhu cầu toàn cầu suy yếu, một hãng tin quốc tế dẫn lời ông Khái cho biết thêm.

Theo đó, Việt Nam sẽ tiếp tục các chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, bao gồm tìm cách cắt giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại các khoản vay cho các doanh nghiệp gặp khó khăn, và thúc đẩy đầu tư công. Vẫn theo lời ông, Việt Nam sẽ bám sát mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm nay.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng thừa nhận, Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ áp lực lạm phát cao trong năm nay.

Tuy nhiên, có một số nguyên nhân cụ thể, trực tiếp hơn tác động lên nền kinh tế, mà Phó Thủ tướng Lê Minh Khái không đề cập.

Đó là, cuộc chiến quyền lực ở cung đình đã khiến Việt Nam mất hàng tỷ USD viện trợ nước ngoài, do bộ máy hành chính tê liệt.

Đó là, hàng tỷ USD đã bị các nhà đầu tư ngoại rút khỏi thị trường tài chính Việt Nam, do mất lòng tin đối với sự ổn định chính trị.

Đó là, việc bắt bớ hàng loạt nhà hoạt động môi trường, cùng với bộ máy hành chính đóng băng, đã khiến Việt Nam không thể giải ngân gói tài trợ chuyển đổi năng lượng xanh với các quốc gia G7.

Đó là, việc dựa vào nguồn cung nguyên liệu từ Tân Cương, Trung Quốc, cùng với việc chậm chuyển đổi xanh, đã khiến hàng hoá của Việt Nam vào Mỹ và các quốc gia châu Âu bị trả về.

Cụ thể, một hãng tin quốc tế cho hay, ngày 17/5 cho hay, Việt Nam đã để mất khoảng 2,5 tỷ USD tài trợ nước ngoài, và có nguy cơ mất tiếp 1 tỷ USD nữa, nếu vẫn tiếp tục chậm trễ phê duyệt các dự án. Bản tin này cũng đề cập đến việc, sau hơn 1 năm rưỡi, nhưng chưa một khoản vốn nào trong gói chuyển đổi năng lượng xanh được giải ngân.

Cũng hãng tin này, cùng ngày, cho hay, khoảng 2 tỷ USD đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam đã bị các nhà đầu tư ngoại rút đi.

 

Ý Nhi – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023