Vụ SCB khiến lòng tin vào hệ thống ngân hàng bị lung lay

Ngày 19/4, RFA Tiếng Việt có bài phỏng vấn chuyên gia Tài chính – Ngân hàng, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu về việc Ngân hàng Nhà nước bơm 24 tỷ USD cho SCB. Bài viết có tựa đề “Bơm 24 tỷ USD cứu SCB: Việt Nam muốn tránh sự đổ vỡ có hệ thống.

Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu nhận xét, Chính phủ Việt Nam chưa bao giờ muốn bất cứ ngân hàng nào sụp đổ. Cách đây 9 năm, 3 ngân hàng đã ở bờ vực phá sản, gồm Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, Ngân hàng Đại Dương và VPBank.

Lúc đó, Ngân hàng Nhà nước đã mua lại 3 ngân hàng trên với giá 0đ, thay vì để họ phá sản.

SCB trong thời gian qua đã đi vào tình trạng phá sản kỹ thuật rồi. Nhưng mà Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chưa bao giờ tỏ ý định để cho Ngân hàng này phá sản, vì vậy, họ đã đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt, nghĩa là, Ngân hàng Nhà nước nắm toàn quyền kiểm soát SCB.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, việc Chính phủ đổ vào 24 tỷ đô la để Ngân hàng SCB tồn tại, là để Ngân hàng này trả tiền cho khách hàng đến rút tiền. Bởi vào tháng 10/2022, tổng dư nợ tiền gửi của SCB lên đến 674 ngàn tỷ đồng, tương đương với 30 tỷ đô la, nhưng hiện tại chỉ còn khoảng 6 tỷ.

Nếu không có sự trợ giúp của Chính phủ thì SCB đã bị cạn tiền từ lâu rồi, và sẽ tạo ra sự đổ vỡ tức thì cho SCB.

Một khi SCB bị đổ vỡ, thì nó tạo ra hiệu ứng dây chuyền cho cả hệ thống ngân hàng Việt Nam. Đó là điều mà Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ rất lo lắng và phải tìm mọi cách để tránh sự đổ vỡ có hệ thống.

Không những là ngành ngân hàng có thể đổ vỡ, mà cả nền kinh tế có thể cũng bị ảnh hưởng, tạo ra cú sốc trong xã hội Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, việc Chính phủ tiếp tục hỗ trợ cho SCB không đến nỗi làm ngân sách quốc gia bị cạn kiệt. Tại vì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể in tiền ra. Họ có thể in tiền giấy hoặc phát hành tiền điện tử, để có tiền chi trả cho SCB.

Thế nhưng, Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Chính phủ phải có cách giải quyết, và hình như, cái cách giải quyết đó là như sau:

  • Luật Tổ chức tín dụng đã được sửa đổi và sẽ có hiệu lực vào ngày mùng 1/7/2024. Trong đó có một chương về chuyển giao bắt buộc. Những ngân hàng yếu kém không thể phục hồi, sẽ chuyển giao bắt buộc cho một trong những ngân hàng thương mại Việt Nam, để tránh sự đổ vỡ.

Tuy nhiên, vẫn theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, giải pháp này rất khó thực hiện, bởi ngân hàng mẹ mua lại, nhưng không hợp nhất với ngân hàng con. Như vậy, nó đi ngược lại chuẩn mực quốc tế về kế toán, và cũng đi ngược chuẩn mực kế toán của Việt Nam.

Thế thì, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho biết, chỉ có 2 con đường: Hoặc là chuyển giao bắt buộc, hoặc là phá sản. Mà phá sản thì Ngân hàng Nhà nước không muốn. Chuyển giao bắt buộc thì có vấn đề. Thành ra, chuyện này đang đi vào ngõ bí, chứ cũng không phải là đường cụt.

Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu nhận định, hãy để cho SCB phá sản. Dĩ nhiên là thiệt hại là vô cùng lớn.

Nhưng cái lợi của phá sản là mọi chuyện sẽ được giải quyết một cách nhanh chóng. Tất cả tài sản của Ngân hàng sẽ được thanh lý và chi trả cho các chủ nợ, trong đó có người gửi tiền, có tiền thuế của Chính phủ, có các chủ nợ của ngân hàng…

Việc hình ảnh nền kinh tế ổn định trong mắt các nhà đầu tư sẽ bị ảnh hưởng, Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu cho hay, đó là điều không tránh được. Tất cả sự việc này đã và đang làm lung lay lòng tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với ngành tài chính và hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Chúng ta chờ xem Chính phủ sẽ giải quyết SCB như thế nào.

 

Minh Vũ – thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023