VFS liên tục thủng đáy, báo Mỹ khuyên tống khứ, báo Việt khuyên mua. Ai đang lùa gà?

Ngày 24/4, khi cổ phiếu VFS của VinFast đang ngụp lặn ở mức dưới 3 USD, tờ Investor Place của Mỹ có bài “3 cổ phiếu xe điện vô vọng, nên bán trước khi về 0”. Trong đó, cổ phiếu VFS trên sàn Nasdaq là 1 trong 3 cổ phiếu bị điểm danh.

Theo đánh giá của tác giả, VinFast đang chảy máu tiền mặt và không bền vững, đồng thời, các nhà phân tích dự báo không có lợi nhuận cho đến năm 2030. Đánh giá này như một gáo nước lạnh dội vào các nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu VFS, bởi VinFast đặt mục tiêu hòa vốn trong năm 2024 này.

Thực tế, tỷ suất lợi nhuận âm 50% cho thấy, chi phí sản xuất rất cao, trong khi, hãng không thể đẩy cao giá bán, bởi giá bán phải phù hợp với thị trường. Điều mâu thuẫn là, chi phí sản xuất cao, trong khi giá lao động ở Việt Nam rất thấp. Như vậy, phải chăng, VinFast không thể tự túc công nghệ lõi, mà phải đặt mua về rồi lắp ráp, nên mới bị đội chi phí?

Bên cạnh đó, ngày 15/4, khi cổ phiếu VFS trên 3USD, thì báo Doanh Nhân ở Việt Nam viết “Nasdaq khuyến nghị nhà đầu tư “mua mạnh” cổ phiếu VinFast, giá có thể tăng 3 lần từ đáy”. Không rõ, báo chí Việt Nam dẫn nguồn từ Nasdaq thật, hay họ chỉ mượn danh Nasdaq? Tuy nhiên, bài viết này không hề dẫn nguồn để kiểm chứng, và cũng không thấy tờ báo nước ngoài nào dẫn tin này.

Việc báo chí Việt Nam dụ nhà đầu tư mua VFS, thì đó là hành động “lùa gà”, nhưng lại mượn danh của Nasdaq để xúi, thì có khi lại hiệu quả hơn, và cũng tránh được tiếng là “lùa gà” cho Vin. Báo chí nhà nước Việt Nam hiện phục vụ cho 2 ông chủ, ông chủ thứ nhất là Đảng Cộng sản, và ông chủ thư 2 là VinGroup.

“Bắt đáy” là từ mà dân chơi chứng khoán hay dùng. Đáy được xem là điểm thấp nhất của giá chứng khoán. Tuy nhiên, khi giá một cổ phiếu xuống quá sâu, người ta vẫn không thể khẳng định, đó có phải là “đáy” hay chưa? Thường khi cổ phiếu giảm quá sâu, nhưng doanh nghiệp vẫn có triển vọng, thì có thể “bắt đáy”. Bởi sau đó, khi giá cổ phiếu lên lại, thì sẽ “trúng” cổ phiếu. Tuy nhiên, trong trường hợp của VinFast tại Mỹ, thì do Công ty này phát triển không bền vững, nên cổ phiếu khó có thể phục hồi.

Báo nước ngoài không chịu sự kiểm soát của Vin, nên thông tin họ đưa ra đáng tin hơn báo trong nước.

Tại phiên họp Đại hội đồng Cổ đông thường niên của Tập đoàn VinGroup, diễn ra hồi giữa tháng 5/2023, dù đang trong tình trạng mức lỗ năm sau cao hơn năm trước, nợ lên đến 8 tỷ đô la Mỹ, ông Phạm Nhật Vượng vẫn khẳng định trước cổ đông, rằng “Nếu chỉ vì tiền, VinGroup không dại gì làm ôtô”.

Rồi đến Đại hội Cổ đông thường niên diễn ra vào giữa tháng 4 năm nay, một cổ đông chất vấn, “không biết tiềm lực tập đoàn có thể “gánh vác” VinFast trong bao lâu, khi thương hiệu xe ô tô này lỗ kéo dài”, thì ông Vượng lại trả lời, ông không bao giờ buông VinFast, và sớm tài trợ thêm 1 tỷ USD từ tiền túi của ông.

Rõ ràng, ông Vượng đang cố gắng trấn an cổ đông, nhưng hành động này lại cho thấy, ông đang thừa nhận rằng, chiến lược gọi vốn của VinFast tại thị trường Nasdaq đã thất bại. Điều này không chỉ có ý nghĩa trên thị trường chứng khoán, mà thể hiện rằng, triển vọng phát triển của Công ty VinFast đã không còn. Như vậy, báo investor Place dùng từ “vô vọng” đối với VinFast, là đánh giá hoàn toàn chính xác.

Hiện nay, cổ phiếu VFS của VinFast đang quanh quẩn ở dưới 3 USD, nhiều nhà phân tích đánh giá, đây chưa phải là “đáy” cuối cùng, mà có khả năng, đáy của VFS sẽ là 0. Cho nên, dù giá của VFS đang rất thấp, nhưng nếu mua vào thì vẫn có rủi ro lớn. Đây không phải là cơ hội kiếm tiền cho các nhà đầu tư, như báo chí trong nước loan tin. Báo chí trong nước đang “lùa gà” cho Vin.

 

Thái Hà – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023