Khả năng bất ổn cao, Tô Lâm vội bắt tay Trung Quốc chuẩn bị trấn áp biểu tình và bạo loạn?

Từ trước tới nay, Đảng Cộng sản Việt Nam và chính quyền của họ, luôn khẳng định “Lấy dân làm gốc”. Đây được coi là mục tiêu, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước Việt Nam.

Ngày 20/2, tại Hội thảo “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã khẳng định:

“Dân là gốc, là trọng tâm, là trung tâm mọi quyết sách. Lòng dân, sự hài lòng của dân, là thước đo quan trọng nhất về chất lượng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.”

Ông Võ Văn Thưởng còn nhấn mạnh, “ngoài lợi ích của nhân dân, thì Đảng không còn lợi ích nào khác”. Nói như ông Thưởng, có thể hiểu là, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, phải là điểm xuất phát quan trọng của mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước.

Công luận thấy rằng, những tuyên bố của ông Võ Văn Thưởng chỉ mang tính chất mị dân và trái ngược với thực tế. Vì lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn coi đại đa số nhân dân Việt Nam là thế lực thù địch.

Báo Nhân Dân ngày 22/11, trong bản tin, “Thúc đẩy hợp tác với Bộ đội Cảnh sát vũ trang nhân dân Trung Quốc”, cho biết, “Chiều 21/11, tại Hà Nội, Ðại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an, tiếp Tham mưu trưởng Bộ đội Cảnh sát vũ trang nhân dân Trung Quốc Chu Kiến Quốc.”

Theo đó, để phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ đội Cảnh sát vũ trang nhân dân Trung Quốc, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị hai bên nghiên cứu, hỗ trợ, tổ chức các khóa đào tạo, huấn luyện, dành cho cán bộ lực lượng chống khủng bố, chống biểu tình, bạo loạn, bảo vệ mục tiêu; chia sẻ kinh nghiệm công tác, cùng diễn tập chung, phối hợp để giải quyết những vấn đề chung.

Đáp lại, Tham mưu trưởng Bộ đội Cảnh sát vũ trang nhân dân Trung Quốc, ông Chu Kiến Quốc khẳng định, việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Bộ đội Cảnh sát vũ trang nhân dân Trung Quốc và Bộ Công an Việt Nam là điều quan trọng và sẽ phát triển hơn nữa.

Theo giới quan sát, đây là lần thứ hai liên tiếp trong vòng hai tháng gần đây, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã gặp các quan chức hàng đầu của Trung Quốc, để bàn chuyện an ninh quốc gia, trong đó có nội dung bảo vệ chế độ, trấn áp biểu tình.

Trước đó, trung tuần tháng 9/2023, trong chuyến thăm Bắc Kinh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an Tô Lâm, đã được các lãnh đạo Trung Quốc, như Bí thư Ủy ban Chính pháp Trung ương Trung Quốc Trần Văn Thanh, và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Trung Quốc Hạ Vinh, đón tiếp và thảo luận.

Điều lo ngại của ông Tô Lâm về vấn đề biểu tình, bạo loạn, đã cho thấy, Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đã cảm nhận được sự bất ổn đang hiện hữu, trong tư tưởng của dân chúng. Khi trên mạng xã hội, người dân đã công khai biểu lộ sự bất bình về tình trạng tham nhũng tới mức mất kiểm soát, mà vụ án Vạn Thịnh Phát là một ví dụ điển hình.

Nguy hiểm hơn, không chỉ có lòng dân bất an, mà nội bộ Đảng cũng có những sự chia rẽ sâu sắc. Giới chuyên gia cho rằng, sự căng thẳng giữa các đại biểu Quốc hội và các giới chức Chính phủ là điều có thật, đang hiện hữu và thể hiện rõ trên nghị trường Quốc hội, trong thời gian gần đây.

Điều này được đánh giá là những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng. Đây là mối lo lớn nhất hiện nay của Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam. Đang có nguy cơ vượt tầm kiểm soát toàn diện của Đảng, từ Quốc hội hoặc Chính phủ, mà ở mức cao nhất, có thể dẫn đến xu hướng “nổi dậy”, lấn át hay bỏ qua sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng.

Đó là một trong những lý do, lãnh đạo Đảng đã quyết định bắt giữ khẩn cấp cựu Đại biểu Quốc hội, Phó ban Dân nguyện Quốc hội – ông Lưu Bình Nhưỡng. Đây là biện pháp “giết gà để dọa khỉ”. Đồng thời cũng là một thông điệp của Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản, cảnh báo các đại biểu Quốc cũng như quan chức Chính phủ, coi chừng, chớ có vượt quá lằn ranh đỏ.

Giới phân tích thấy rằng, việc Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Bắc Kinh “hỗ trợ tổ chức các khóa đào tạo, huấn luyện cán bộ, dành cho lực lượng chống biểu tình”, là sự vi phạm Hiến pháp Việt Nam một cách nghiêm trọng.

Theo Điều 25, Hiến pháp năm 2013 đã hiến định rõ: “… công dân có quyền tự do hội họp, lập hội, biểu tình”.

Điều này cũng đã được thể hiện trong Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam, năm 1946. Song cho đến nay, sau 77 năm, Bộ Công an của Bộ trưởng Tô Lâm vẫn cố tình trì hoãn, không để Quốc hội ra Luật Biểu tình. Có lẽ, sẽ không bao giờ thông qua được Luật Biểu tình dưới chế độ Cộng sản, mặc dù Hiến pháp đã coi đó là quyền của công dân.

Đó là lý do vì sao, nhiều cán bộ lão thành Cách mạng, đã gọi cuộc Cách mạng Tháng 8/1945, là một cuộc Cách mạng bị Đảng Cộng sản Việt Nam phản bội.

Cho đến hôm nay, người dân Việt Nam vẫn bị tước đoạt, không phải chỉ quyền tự do ngôn luận, quyền lập hội và biểu tình, mà cả quyền sống, quyền làm người./.

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023