Không chịu công khai tài sản, Tổng Trọng sẽ tiếp tục bị nghi ngờ không trong sạch?

Công khai minh bạch tài sản quan chức là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định sự thành công của công cuộc phòng chống tham nhũng ở mọi quốc gia, kể cả ở Việt Nam.

Một trong những lý do khiến công cuộc “đốt lò” của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam không đạt được kết quả như mong muốn, có phần liên quan đến việc kê khai tài sản của các quan chức lãnh đạo, kể cả các công chức ở các ngành “nhạy cảm”, dễ có điều kiện tham nhũng, như công an, hải quan, thuế vụ v.v…

Chính sách phòng chống tham nhũng của Đảng Cộng sản, chính quyền Việt Nam trong việc kiểm soát tài sản của các quan chức, công chức là chủ trương hết sức quan trọng. Các cơ quan của Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều quy định, yêu cầu lãnh đạo phải kê khai đúng, đủ, các biến động của tài sản hàng năm, thậm chí là 6 tháng, đối với các công chức công tác ở những ngành nghề dễ tham nhũng.

Song, ở Việt Nam hiện nay, tồn tại một tình trạng phổ biến là việc thực hiện kê khai tài sản còn mang tính hình thức. Tình trạng các quan chức kê khai tài sản xong, rồi đút ngăn kéo, để cho có mà thôi. Thông thường, những cán bộ đảng viên có chức có quyền ít khi kê thật. Họ giấu bớt tài sản, hoặc để người khác đứng tên, nhưng tai mắt nhân dân thì biết rất rõ. Và lâu nay, việc kê khai tài sản của đảng viên chủ yếu chỉ nhắm vào giới chức cấp thấp trong bộ máy nhà nước.

Thậm chí, lãnh đạo cao cấp nhất là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng không gương mẫu để nêu gương.

Cụ thể, ngày 6/5/2018, ngay trước ngày khai mạc Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện một bức thư ký tên tập thể của các đảng viên Đảng Cộng sản, yêu cầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phải công khai tài sản của cá nhân.

Đã có 54 người ký tên trong bức thư ngỏ, trong đó có những cựu quan chức, trí thức tên tuổi, như ông Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Việt Nam tại Trung Quốc, nhà văn Nguyên Ngọc, Tiến sĩ Nguyễn Quang A… Sau đó, 16 đảng viên, công dân của Đảng bộ xã Đồng Tâm, Hà Nội, cũng ký tên vào Thư yêu cầu này.

Bức thư ngỏ nêu rõ, “Nếu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không minh bạch hóa tài sản của mình, thì người dân sẽ tiếp tục nghi ngờ ông không trong sạch và cuộc chiến chống tham nhũng của ông được coi là không thực tâm”.

Đồng thời, những người ký tên trong bức thư ngỏ đã kêu gọi ông Trọng: “…hãy làm gương là người công khai “Bản kê khai tài sản” của mình trên báo chí, cổng thông tin điện tử và Internet đầu tiên”. Theo họ, nếu ông Trọng không công khai tài sản để làm gương, “Thì người dân có quyền tiếp tục nghi ngờ là các ông không sạch sẽ gì trong chuyện là tài sản có vấn đề. Và như vậy là bất chấp đòi hỏi chính đáng của người dân… Mà yêu cầu công khai tài sản là quy định của nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, do Trung ương Đảng ra quyết định”.

Được biết, việc yêu cầu công khai tài sản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2018, diễn ra giữa lúc “chiến dịch chống tham nhũng” của ông Nguyễn Phú Trọng trong Bộ Công an đang đến hồi cao trào. Khi đó, hàng loạt tướng tá bị khởi tố, bị bắt giam, xét xử, vì các sai phạm khác nhau.

Theo những người ký tên vào thư ngỏ, lâu nay, chính Tổng Bí thư Trọng khẳng định rằng: “Trước người ta bảo [chống tham nhũng] chỉ đánh từ vai đánh xuống, bây giờ [theo ông Trọng] thì ngay trên đầu làm mạnh hơn, tức là Trung ương còn nghiêm hơn cả địa phương”.

Thực hiện không nghiêm trong việc kê khai tài sản của các quan chức, đã tạo ra trở ngại lớn, và khiến hiệu quả chính sách chống tham nhũng ở Việt nam không như mong muốn. Đáng buồn là, chiều 17/6/2018, tại buổi tiếp xúc cử tri quận Cầu Giấy, Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh rằng, vấn đề kê khai tài sản cán bộ là vấn đề rất khó, nhạy cảm, bởi nó liên quan đến quyền đời tư, quyền bí mật cá nhân.

Đó là một phát biểu mang tính tránh né, không chịu kê khai tài sản theo Nghị quyết của Bộ Chính trị và Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt nam. Nếu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thực sự trong sạch, không tham nhũng, không có những tài sản bất minh, thì tại sao không dám công khai tài sản, lại viện đến “liên quan đến quyền đời tư, quyền bí mật cá nhân.”?

Lý do của sự né tránh này được giới thạo tin tiết lộ, đó là, vợ chồng Tổng Bí thư sở hữu khá nhiều tài sản. Đầu tiên là căn biệt thự số 5 phố Thiều Quang, quận Hai Bà Trưng, Hà nội, đứng tên chủ sở hữu là bà Ngô Thị Mân – vợ Tổng Bí thư. Căn biệt thự này do Văn phòng Trung ương Đảng thanh lý với giá 96 triệu đồng, tức chưa đến 4,000 usd, thời điểm năm 2011, hiện có giá thị trường không dưới 3,6 triệu USD, tức gấp 900 lần giá trị gốc.

Ngoài ra, Tổng Bí thư còn nhận những món quà giá trị lớn, do đàn em thân cận cống nộp. Ví dụ như căn biệt thự ở khu đô thị Ciputra nam Thăng Long mà con trai Tổng Bí thư -Nguyễn Phú Trường – đang ở hiện nay. Đây là một trong 2 căn biệt thự, là quà biếu của Tập đoàn Ciputra Indonesia, mỗi căn có giá trị hơn 2 triệu USD, theo thông tin của báo Dân trí.

Như vậy, nếu Tổng Bí thư kê khai tài sản mà không chịu công khai rõ ràng, đầy đủ, thì đàn em nó khinh.

“Kê khai tài sản” là việc bắt buộc đối với cán bộ đảng viên. Trong đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhấn mạnh rằng, nếu không trung thực kê khai với tổ chức, thì sẽ là “vi phạm nghiêm trọng”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt, với cam kết “không vùng cấm”. Thì lẽ ra, là lãnh đạo ở chức vụ cao nhất, Tổng Bí thư càng phải gương mẫu trong việc kê khai tài sản. Đó cũng là nguyên tắc “mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”.

Công luận đang dõi theo sự nghiêm minh, trong sạch của Cơ quan phòng chống tham nhũng Trung ương, và coi đây là cơ hội để Tổng Bí thư thực hiện sự minh bạch, để giải trình thực chất về sở hữu tài sản, làm sao cho xứng với niềm tin và sự ủng hộ của người dân./.

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023