Với Nghệ An, Tô Tổng đang thỏa hiệp hay quyết sống mái?

Nhóm Nghệ An là nhóm có lực lượng tại Trung ương Đảng đông đảo bậc nhất. Nhóm đông thứ nhì là Hà Tĩnh. Nếu Tô Lâm không làm đảo chính mềm, thì ghế Tổng Bí thư đã thuộc về người Nghệ An, và giờ đây, có lẽ, nhóm Nghệ An đang chia chác ghế cao quyền lớn, chứ không phải lo chống đỡ vất vả như hiện nay. Tuy nhiên, lịch sử không có chữ “nếu”, bởi vì tất cả đều đã diễn ra.

Chữ “nếu” là giả thuyết được đưa ra, để làm nổi bật sự mất mát to lớn của nhóm Nghệ An, do Tô Lâm gây ra. Số uỷ viên Bộ Chính trị trước đây của Nghệ An là 3 người, giờ chỉ còn 2. Trong khi, chính sách tinh gọn bộ máy của Tô Lâm, cho tới nay, chỉ thấy người Nghệ An ra mặt cản đường nhiều nhất, như bà Phạm Thị Thanh Trà, ông Hồ Đức Phớc và ông Trần Sỹ Thanh. Đấy chỉ là phần nổi, là những người ra mặt công khai, còn những kẻ đang âm thầm ủ mưu, thì làm sao Tô Lâm biết được? Đấy là rủi ro tiềm ẩn cho ông.

Với việc hạ gục Vương Đình Huệ một cách dễ dàng, cứ ngỡ, Tô Lâm cũng có thể đánh gục luôn Phan Đình Trạc. Tuy nhiên, thực tế thì ngược lại, dù đã bắt Nguyễn Văn Yên – cấp phó của ông Trạc, nhưng đến nay, việc tấn công vào ông Trạc vẫn bế tắc. Xem ra, Phan Đình Trạc cũng là một trường hợp “khó nuốt”, như Phạm Minh Chính.

Nhóm Hưng Yên rất mạnh, mạnh nhất hiện nay. Tuy nhiên, về số lượng và sự đồng đều thì vẫn không bằng được nhóm Nghệ An. Người Hưng Yên có cơ hội vào Bộ Chính trị cao nhất là ông Nguyễn Duy Ngọc, trong khi, ứng viên có thể vào được Bộ Chính trị ở nhiệm kỳ sau của nhóm Nghệ An đông hơn nhiều. Bà Phạm Thị Thanh Trà, ông Hồ Đức Phớc và ông Trần Sỹ Thanh đều đang ráo riết vận động, để bước vào Bộ Chính trị sau 1 năm nữa. Đáng chú ý, cả 3 nhân vật này đều tỏ ra rất “cứng đầu” trước chính sách của Tô Lâm. Nếu cả 3 vào được Bộ Chính trị, khả năng cao, họ sẽ làm cho ông Tô Lâm khốn đốn.

Bài toán đánh hạ nhóm Nghệ An trong vòng 12 tháng tới là không thể. Nhưng nếu không thể hạ, mà vẫn dồn sức để đánh, thì nhóm Hưng Yên sẽ tổn hao nội lực, chứ không phải phe Nghệ An. Vậy nên, có thể thấy, nhóm Hưng Yên cũng cần thỏa hiệp, thay vì chỉ biết say máu đánh nhau.

Ngày 29/12, ông Tô Lâm cùng ông Lương Tam Quang và ông Nguyễn Duy Ngọc, đã đến huyện Nam Đàn, Nghệ An, để dâng hương lên ông Hồ Chí Minh, tại Đền Chung Sơn, thuộc Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên.

Đáng chú ý, cùng đi có ông Trần Cẩm Tú – Thường trực Ban Bí thư; ông Phan Đình Trạc – Trưởng ban Nội chính Trung ương; ông Lê Minh Hưng – Trưởng ban Tổ chức Trung ương; ông Nguyễn Xuân Thắng – Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương. Đây đều là những lãnh đạo cấp cao của nhóm Nghệ An – Hà Tĩnh.

Như vậy, “đầu não” của nhóm Hưng Yên đã gặp mặt đầu não của nhóm Nghệ An – Hà Tĩnh. Toàn bộ uỷ viên Bộ Chính trị của Hưng Yên, Nghệ An, Hà Tĩnh, đều có mặt. Trong đó, Hưng Yên có ông Nguyễn Duy Ngọc, được xem là Ủy viên Bộ Chính trị dự bị.

Rất có thể, cuộc gặp này là để bàn về quyền lợi trên bàn cờ chính trị. Như đã phân tích ở trên, ông Tô Lâm không thể hạ được nhóm Nghệ An trong vòng 12 tháng tới. Mà nếu 2 nhóm Nghệ An – Hà Tĩnh liên minh lại, thì càng khó hạ. Bản thân ông Trần Cẩm Tú kiên quyết không nhả ghế Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, khiến Tô Lâm chưa thể sắp xếp cho Nguyễn Duy Ngọc vào bệ phóng.

Cả nhóm Nghệ An và nhóm Hà Tĩnh đều tỏ ra “cứng đầu”, thì Tô Lâm khó có thể ra tay. Do đó, chọn thỏa hiệp là thượng sách, bởi nếu chiến đến cùng, thì Tô Lâm sẽ chỉ khiến các phái liên minh lại để chống đỡ mà thôi.

Tô Lâm sẽ làm gì? Đợi xem!

 

Trần Chương – Thoibao.de