Dư luận chỉ trích Nghị định 168 về xử phạt vi phạm giao thông

Ngày 31/12, VOA Tiếng Việt có bài: “Nghị định 168 về phạt vi phạm giao thông bị xem là “tận thu”, “tận diệt”, “khắc nghiệt”, “cực đoan””.

Theo đó, VOA cho biết, Một nghị định mới của chính phủ Việt Nam về xử phạt vi phạm giao thông với những mức tiền cao hơn hẳn trước đây, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, nhưng ngay trong vài ngày nay đã và đang gây ra bức xúc, lo lắng sâu sắc trong dư luận với nhiều người cho rằng nó “khắc nghiệt”, và nhắm đến “tận thu”.

Từ phía nhà chức trách, Cục Cảnh sát Giao thông nói rằng, họ thấy cần phải tăng mức xử phạt để bảo đảm tính răn đe đối với một số hành vi vi phạm.

VOA cho biết thêm, các báo Việt Nam trích dẫn lãnh đạo Cục Cảnh sát Giao thông, nhưng không nêu danh tính cụ thể, nói rằng có 3 nhóm hành vi sẽ bị phạt với mức tiền cao hơn trước. Đó là xâm phạm trật tự quản lý nhà nước như dùng biển số giả, che biển số; thứ hai là việc cố ý vi phạm, làm xấu văn hóa giao thông như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều; và cuối cùng là nhóm hành vi gây ra tai nạn giao thông.

VOA lưu ý rằng theo nghị định mới, một loạt các hành vi vi phạm sẽ phải chịu mức phạt cao gấp từ 2-30 lần so với hiện nay.

Cụ thể, các mức phạt sau ngày 1/1 sắp tới đối với người điều khiển ô tô trong một số trường hợp vi phạm, gồm tối đa là 22 triệu đồng khi mở cửa xe, hoặc để cửa xe mở mà gây ra tai nạn giao thông; 20 triệu đồng khi không chấp hành hiệu lệnh chỉ dẫn của người điều khiển giao thông, mức tương tự cho việc không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông…

Hành vi cản trở, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thực thi công vụ sẽ phải chịu mức phạt mới lên đến cao nhất là 37 triệu đồng.

Đối với người đi xe máy, mức phạt mới khi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu sẽ là 4-6 triệu đồng; điều khiển xe mô tô đi vào đường cao tốc sẽ bị phạt 4-6 triệu đồng; đi ngược chiều của đường một chiều sẽ chịu mức phạt mới là 4-6 triệu đồng; điều khiển xe lạng lách, đánh võng sẽ bị phạt 8-10 triệu đồng…

Theo VOA, với thu nhập bình quân của người Việt là khoảng 7,6 triệu đồng/tháng, những mức phạt cao nhất nêu trên có thể làm người vi phạm mất đi thu nhập của hơn 1 tháng cho đến vài tháng.

VOA trích lời của lãnh đạo Cục Cảnh sát Giao thông lý giải về việc tăng mức xử phạt, trong đó nhấn mạnh rằng, ban soạn thảo nghị định “nhận thấy cần thiết phải tăng mức xử phạt đủ mạnh, để bảo đảm tính răn đe đối với một số nhóm hành vi vi phạm, với lỗi cố ý nguy hiểm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông”, cũng như để “lập lại trật tự, văn hóa giao thông”.

Trong khi đó, theo quan sát của VOA, một số lượng lớn những người sử dụng mạng xã hội, bao gồm cả những Facebooker có nhiều ảnh hưởng, đã và đang lên tiếng trong những ngày này bày tỏ lo lắng, băn khoăn về Nghị định 168.

VOA dẫn lời ông Phạm Thế Anh, một chuyên gia kinh tế, nhận định rằng tăng mức xử phạt, có thể làm giảm hành vi vi phạm nếu như hành vi vi phạm bị xử phạt, với điều kiện là phải có đủ lực lượng chức năng hoặc việc áp dụng “phạt nguội” phải khả thi.

Tuy nhiên, ông Thế Anh cảnh báo rằng, việc tăng mức xử phạt lên mức vô lý so với khả năng chi trả sẽ làm cho tình trạng bỏ lại phương tiện gia tăng tại các bãi trông giữ vốn đã quá tải, hoặc làm gia tăng tình trạng tiêu cực giữa người xử lý vi phạm và người vi phạm.

VOA cho hay, các bài bình luận về Nghị định 168 trong những trang cá nhân, và một số diễn đàn trên Facebook đã thu hút hàng nghìn ý kiến của công chúng, với một bên là khá nhiều người ủng hộ mức phạt cao hơn, để cải thiện tình hình giao thông, còn bên kia là một lượng lớn những lời phản đối nghị định.

Nhiều người nói họ không ủng hộ nghị định, vì xem nó như là động thái tận thu, bóc lột bằng mọi giá, không nhân văn, gây bất mãn mà không bảo đảm sẽ giảm vi phạm hoặc tai nạn giao thông.

 

Thu Phương – thoibao.de