Chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức và bế tắc. Tuy nhiên, quá trình này gặp nhiều trở ngại do đụng chạm đến lợi ích của một số cá nhân và tổ chức, dẫn đến sự chống đối trong nội bộ.
Một số ý kiến cho rằng, mặc dù đã có những nỗ lực từ lãnh đạo cấp cao, đặc biệt là Tổng Bí thư Tô Lâm, nhằm cải tổ và nâng cao hiệu quả hoạt động, nhưng kết quả đạt được vẫn chưa như mong đợi.
Theo giới quan sát, việc tinh gọn bộ máy chính trị là một thách thức lớn đối với Tổng Bí thư Tô Lâm. Quá trình này không chỉ đơn giản là sáp nhập, giải thể một số ban, bộ, ngành hay tinh gọn biên chế, mà còn đòi hỏi việc chọn lựa một mô hình nhà nước phù hợp với tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam.
Mới nhất, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Chính phủ dự kiến chi 130.000 tỷ đồng – tương đương khoảng hơn 5 tỷ USD, để sắp xếp, tinh gọn lại bộ máy làm việc của hệ thống chính trị. Con số này xấp xỉ với tổng giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2024. Theo đó, việc này được cho là sẽ giúp tiết kiệm cho ngân sách được 113.000 tỷ trong 5 năm tới.
Theo Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình trước đó cho biết, việc tái sắp xếp bộ máy làm việc và tinh giản biên chế lần này sẽ ảnh hưởng đến khoảng 100 nghìn nhân sự trong bộ máy. Công luận thấy rằng, nếu dựa trên con số Chính phủ dự kiến chi là 130.000 tỷ đồng, thì chi phí ban đầu để giảm bớt 1 người trong bộ máy, nhà nước phải chi ra tới khoảng 1,3 tỷ đồng.
Nhưng việc sắp xếp tổ chức bộ máy vẫn không hề dễ dàng, với lý do nhân sự lãnh đạo cấp phó quá đông, và không có ai chịu tự nguyện rút lui, vì liên quan đến quyền lực và quyền lợi.
Theo đại diện Bộ Nội vụ, trong lần sắp xếp tinh gọn bộ máy này, các lãnh đạo cấp thứ trưởng sẽ được bố trí ở lại hết, không có đồng chí nào phải nghỉ cả. Công luận thấy rằng, cho đến thời điểm hiện nay, việc tinh gọn bộ máy chỉ là những tuyên bố mang tính hình thức, và thiếu thuyết phục.
Trong khi, Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương hoàn thành việc sắp xếp trong quý 1 năm 2025.
Những điều vừa kể đã cho thấy, chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị ở Việt Nam đã thiếu tính toán cụ thể và phương án toàn diện. Cộng với sự phản đối từ bên trong nội bộ hệ thống chính trị, đang đặt ra những thách thức lớn cho quá trình này.
Điều đó đã kéo theo việc xung đột lợi ích giữa các cá nhân và các nhóm lợi ích trong Đảng. Và một số nhóm lợi dụng chính sách này để triệt hạ lẫn nhau làm ảnh hưởng đến tiến trình này.
Theo giới phân tích quốc tế, cho dù ông Tô Lâm có quyết tâm lớn, nhưng việc thực thi chủ trương tinh gọn bộ máy còn gặp nhiều khó khăn. Bởi lý do, đa số các lãnh đạo Việt Nam thiếu kinh nghiệm quản lý cần thiết để thực hiện cải cách quy mô lớn trong thời gian ngắn.
Trên mạng xã hội của người Việt, nhiều ý kiến cho rằng, các lãnh đạo cấp cao đã tuyên bố quá nhiều những hứa hẹn “có cánh”, nhưng đến nay vẫn chưa thấy kết quả nào đáng ghi nhận.
Công luận cho rằng, vấn đề người dân quan tâm nhất, đó là, sau cải cách: Thu nhập người dân có tăng lên hay không? Chính sách an sinh xã hội, Y tế, giáo dục, có tốt hơn cũ hay không? Thủ tục hành chính có được cải thiện hơn hay không? Cũng như, thái độ, cách phục vụ dân của cán bộ, công chức tốt hơn hay tệ hơn?
Đó chính là thước đo sự thành công hay thất bại của cái gọi là cuộc “cách mạng” sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam và chính quyền của họ.
Trà My – Thoibao.de